Lối vẽ 'ngược sóng' của họa sĩ miền sông nước
Nhìn lại mấy triển lãm cá nhân với hàng trăm tác phẩm, họa sĩ Hồng Quân luôn giữ được sự hiền hòa, tình cảm trong cách nhìn.
Giữa không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, tranh của họa sĩ Hồng Quân lại như “ngược sóng” để đưa người xem trở về những giá trị xưa cũ.
Vẽ những chuyện đời tích cực
Là con trai của nhạc sĩ Phan Nhân (An Giang) và NSƯT Phi Điểu (Đồng Tháp), gắn bó với quê cha đất mẹ từ thuở ấu thơ nên họa sĩ Hồng Quân luôn dạt dào cảm hứng của những dòng chảy sông nước miền Tây. Ông từng có các triển lãm cá nhân, như: Sông nước miền Tây (tháng 10/2019), Những gì yêu thương nhất (tháng 1/2022), Ngày nắng (tháng 1/2023).
Là một họa sĩ được đào tạo bài bản về sơn dầu, nhưng Hồng Quân lại đặc biệt có duyên với màu nước. Vẻ đẹp trong tranh màu nước của Hồng Quân là sự hiền hòa và tinh tế. Cuộc sống vốn nhiều biến động, nhiều lo toan và mất mát, giữ được cái nhìn hiền hòa ấy thật không hề đơn giản.
Nhìn lại mấy triển lãm cá nhân với hàng trăm tác phẩm, Hồng Quân luôn giữ được sự hiền hòa, tình cảm trong cách nhìn. Phong cảnh, con người, sự vật… tất cả hiện ra tĩnh tại, ngơi nghỉ, bình yên. Dường như các giông tố, các giận hờn, lo toan được gác qua một bên, hoặc đó là chuyện không cần phải đề cập đến.
Hồng Quân tìm kiếm vẻ đẹp trong những khoảnh khắc thường nhật, mà nếu không chú ý thì có thể lướt qua, hoặc không thể nhận ra. Như trong bức “Vùng biển xanh” - đó là phút giây trò chuyện của hai ngư dân sau chuyến ra khơi, trông thật thảnh thơi.
Hay bức “Sóng đôi” là cảnh hai con ngỗng bơi ngược dòng nước nhẹ, bên khóm lục bình, rặng dừa xanh tươi bình yên và hạnh phúc. Hoặc như bức tranh “Nhà thuốc thời Covid-19” - vẽ một giai đoạn vô cùng khó khăn của xã hội, nhưng ông chọn một góc nhìn tích cực, giàu sức sống. Các ví dụ ấy cũng là tinh thần chung của đa số tranh mà Hồng Quân sáng tác.
Học bài bản về sơn dầu, khi chuyển qua màu nước, ông cũng chọn sự chậm rãi, bài bản mà đi. Vẻ đẹp trong tranh của ông được toát ra từ sự vững vàng, tinh tế về hình họa. Có những bức giản dị như: Màu xanh ngọc, Mùa mận chín, Ngày nắng đẹp… chỉ là nắm bắt một hiện thực, nhưng nhờ sự tinh tế về hình họa mà diễn tả được cảm xúc, các ấn tượng sâu lắng.
Bức tranh “Trưa vắng”, vẽ một người phụ nữ đi bán dạo, qua một con đường nhỏ, bên bức tường cũ… mà lột tả phần chính yếu của câu chuyện đời. Vẽ những điều đơn giản, bình dị cho ra chất là rất khó, vì nó không thể bấu víu vào những điều khác để khỏa lấp hoặc che đậy.
Cũng chính sự tinh tế về hình họa nên Hồng Quân xóa nhòa được ranh giới giữa trực họa hoặc vẽ tại phòng tranh. Thậm chí xóa nhòa được ranh giới giữa tranh vẽ theo ký họa, phác thảo hoặc theo hình chụp.
Với những bức hình đã chụp, ông không “sao chép” nó lên tranh, mà lọc khung bố cục để đưa mắt nhìn thay thế cho ống kính. Hội họa và nhiếp ảnh là hai cách nhìn, hai tạo hình khác nhau, nếu không vững vàng về hình họa, khó mà tách bạch được điều này trong tác phẩm.
“Ngược sóng” để khác biệt
Song hành những kỹ thuật xử lý tinh tế đó, họa sĩ Hồng Quân còn chia sẻ quan điểm thẩm mỹ lạc quan của chủ nghĩa hiện thực và tinh thần thuận hòa, bao dung của người Nam bộ.
Bởi vậy mà tranh của ông gần như vô nhiễm với những tiêu cực, đáng lên án của đời thực. Đến với thế giới tranh của Hồng Quân là đến với những điều được thanh lọc, như hành trình trở về với những điều tốt đẹp, để hưởng chút thanh mát mà tái tạo năng lượng sống.
Họa sĩ Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam nhận định: “Giữa không khí sáng tác sôi động của các trào lưu nghệ thuật mới, nhiều cách biểu đạt mang tính cách tân và ngôn ngữ hậu hiện đại, tranh của Hồng Quân lại đưa người xem trở về những giá trị xưa cũ, với cái nhìn chân thành về vẻ đẹp bình dị. Lối vẽ đi ngược trào lưu này tạo ra điểm khác biệt cho tác phẩm, tạo sự chú ý cho công chúng”.
Trong các họa sĩ sáng tác bằng màu nước tại TPHCM, Hồng Quân là gương mặt gây chú ý bởi sự kiên trì và đam mê chất liệu. Tranh của ông chú trọng vào tình cảm trong cách sắp xếp bố cục, màu sắc, đường nét, thậm chí trong từng nhát cọ.
Sau 3 triển lãm cá nhân vào các năm 2019, 2022 và đầu năm 2023 – tới đây vào ngày 5/8, triển lãm lần thứ 4 của họa sĩ Hồng Quân diễn ra đúng dịp khai trương không gian nghệ thuật Hawaii Art Space (số 5A/2 Trần Phú, phường 4, Quận 5, TPHCM).
Ban đầu, Hawaii Art Space muốn giới thiệu đến đông đảo nghệ sĩ và cần làm một triển lãm chung với sự góp mặt của 4 - 5 họa sĩ. Tuy nhiên sau đó, chủ nhân của không gian đã quyết định mời riêng họa sĩ Hồng Quân làm triển lãm cá nhân.
“Chúng tôi không chú trọng đến lợi nhuận, mà muốn đây là nơi kết nối - giao lưu, trưng bày tác phẩm nghệ thuật của các họa sĩ, nhà sưu tập. Là một không gian lan tỏa nghệ thuật, đưa các tác phẩm đến gần với cộng đồng yêu nghệ thuật, sinh viên - học sinh”, bà Minh Trâm – chủ không gian Hawaii Art Space chia sẻ.
Theo nhà nghiên cứu mỹ thuật Lý Đợi, thêm không gian trưng bày nghệ thuật tại TPHCM là một tin vui, vì thành phố này vốn rất thiếu các không gian như vậy. Hiện tại bên cạnh vài phòng tranh vừa đóng cửa, dời địa điểm hoặc đổi tên, thì cuối tháng 7 và đầu tháng 8/2023 lại xuất hiện thêm một vài không gian mới, mà điểm chung là dành nhiều ưu tiên hỗ trợ tác giả trẻ và các xu hướng mới.
Trong triển lãm tranh màu nước lần này, họa sĩ Hồng Quân sẽ trưng bày trên 50 tác phẩm. Không chỉ là những tác phẩm “ngược sóng”, ngược trào lưu mà những bức tranh còn là sự hồn hậu của tâm hồn bình dị đến hiền lành của một người con đậm chất miền Tây sông nước.
“Tranh Hồng Quân có nét hiền hòa, dễ mến như chính con người họa sĩ - đơn giản, chân chất của người miền Tây, không chạy theo những biến động của hình thức đương đại. Bằng lòng với thế giới xung quanh, miễn là đủ các chất liệu yêu thương gắn bó với mình, tranh Hồng Quân thu hút người xem bằng sự trải lòng, giãi bày tình cảm với lối vẽ giản dị nhưng chuyên sâu, mạch lạc trong chi tiết - phải xem lâu mới mến, nhìn kĩ mới thương”, họa sĩ Nguyễn Trung Tín - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam.
Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/loi-ve-nguoc-song-cua-hoa-si-mien-song-nuoc-post648981.html