Lời xin lỗi cho Lưu Đức Hoa và sự già cỗi của điện ảnh Hong Kong
Điện ảnh Hong Kong đang loay hoay lấy lại sức hút và khôi phục ánh hào quang quá khứ. Tuy nhiên, nội bộ ngành vẫn tồn đọng nhiều khó khăn cần giải quyết.
Endgame là tác phẩm điện ảnh duy nhất của Hong Kong chinh chiến trong mùa phim Tết tại thị trường Trung Quốc Đại lục. Trái với kỳ vọng, bộ phim có sự góp mặt của Lưu Đức Hoa thất bại thảm hại về mặt doanh thu.
Phim hiện đứng thứ 7, xếp cuối cùng trên bảng thành tích doanh thu phòng vé với chỉ hơn 10 triệu USD, bị Thám tử phố Tàu 3 và Xin chào, Lý Hoán Anh bỏ xa.
Xin lỗi thầy Lưu Đức Hoa
"Làm phim thực sự rất khổ... Tôi hy vọng các rạp chiếu sẽ tạo cơ hội cho chúng tôi cải thiện doanh thu. Doanh số đặt vé trước của chúng tôi không tốt. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến phần trăm suất chiếu, nhưng hiện tại là quá thảm. Thành thật xin lỗi thầy Lưu Đức Hoa", đạo diễn Nhiêu Hiểu Chí viết trên trang cá nhân vào đêm giao thừa.
Thời điểm đó, Thám tử phố Tàu 3 đã lập kỷ lục phòng vé với 155 triệu USD, còn Endgame chỉ thu về vỏn vẹn 6,6 triệu USD.
Tại tất cả cụm rạp trên toàn Trung Quốc Đại lục, tác phẩm của Lưu Đức Hoa chỉ có 2 suất chiếu/ngày, số lượng được đánh giá quá ít so với 6 bộ phim chiếu Tết còn lại.
Endgame được remake từ bộ phim hài Chìa khóa đổi đời của Nhật Bản, thuộc thể loại hài hước - tình cảm. Trong phim, Lưu Đức Hoa đóng vai nhân vật có địa vị tầm cỡ thế giới, hoán đổi danh phận với một diễn viên lận đận, bất hạnh do Tiêu Ương thủ diễn.
Sau khi công chiếu, phim được chấm điểm chất lượng 7,3/10 điểm trên Douban, chỉ xếp sau hai tác phẩm Xin chào, Lý Hoán Anh và Tân Phong Thần bảng: Na Tra tái sinh đồng 8,3 điểm.
Trên mạng xã hội Weibo, đa số khán giả sau khi đến rạp đều dành nhiều lời khen cho diễn xuất của Lưu Đức Hoa. Dù thể hiện trọn vẹn nhân vật, danh tiếng của Thiên vương Hong Kong và thành công vang dội của Chuyên gia phá bom 2 trước đó, vẫn không cứu được Endgame.
Theo Sohu, Endgame hoàn toàn thất thế trên thị trường phim Tết Đại lục. Tác phẩm dựa vào Lưu Đức Hoa làm át chủ bài hút khách. Thế nhưng, so với thương hiệu Thám tử phố Tàu của Trần Tư Thành, danh tiếng của "vua hài" Thẩm Đằng, Giả Linh, Dương Mịch, Trần Khôn, Châu Tấn, Thiên vương Hong Kong không đủ sức kéo chân khán giả đến rạp.
Bên cạnh đó, các quảng bá của Endgame bị đánh giá là kém với những tấm poster mang không khí như phim xã hội đen Hong Kong hoặc giống chương trình nhạc hội mùa xuân, khiến khán giả không muốn bước vào thưởng thức.
Tân Hoa Xã nhận xét Endgame có màu sắc na ná Thám tử phố Tàu 3, nhưng không đủ sức cạnh tranh vì thiếu tính thương mại và nhuốm màu nghệ thuật, không phù hợp với không khí tươi vui cần có của mùa phim Tết.
Luẩn quẩn với những tên tuổi già cỗi
Điện ảnh Hong Kong từng có một thời cực thịnh với nhiều tác phẩm tiêu biểu có chủ đề “xương sống”, mang đậm dấu ấn thời cuộc và văn hóa như xã hội đen, võ thuật.
Những năm 1970-1990, ngành công nghiệp điện ảnh Hong Kong xếp thứ 3 thế giới về tầm ảnh hưởng, chỉ sau Bollywood và Hollywood. Thời điểm đó, xứ Cảng thơm sản xuất hơn 200 bộ phim mỗi năm và là nhà xuất khẩu phim lớn thứ hai trên thế giới.
Ở thời kỳ vàng son, điện ảnh Hong Kong từng sản sinh ra nhiều thế hệ đạo diễn, diễn viên mang tầm vóc huyền thoại như Lý Tiểu Long, Ngô Vũ Sâm, Vương Gia Vệ, Châu Nhuận Phát, Châu Tinh Trì, Trương Quốc Vinh, Hồng Kim Bảo, Lương Triều Vỹ, Trương Mạn Ngọc…
Những tựa phim như Anh hùng bản sắc, Diệp Vấn đã trở thành thương hiệu lớn hay Vô gian đạo cũng là một tượng đài của dòng phim nội gián, từng Hollywood chuyển thể lại.
Thế nhưng, kỷ nguyên rực rỡ đó kéo dài không lâu. Từ cuối những năm 1990, ngành công nghiệp điện ảnh Hương Cảng bước vào thời kỳ sa sút, bị đánh bật khỏi vũ đài thế giới.
Theo Mtimes, đầu những năm 1990, Hong Kong có hơn 400 bộ phim được sản xuất hàng năm, nhưng đến năm 2017, con số này giảm xuống chỉ còn 60 bộ phim. Năm 2018, số lượng phim sản xuất chỉ dừng lại ở con số 53. Bước sang năm 2019, chỉ có 46 tác phẩm được giới làm phim xứ Cảng thơm cho ra rạp. Sản lượng liên tục giảm qua các năm.
Năm 1996, 5 trong số 10 bộ phim có doanh thu cao nhất tại Hong Kong, đều là sản phẩm của điện ảnh nội địa. Thế nhưng, hơn hai mươi năm sau, chỉ có một phần tư số phim sản xuất tại đây vào top 10. Theo HK01, lần cuối cùng một bộ phim Hong Kong được chọn tranh giải ở các LHP danh giá thế giới, đã từ năm 2008.
Ở thời điểm hiện tại, ngành điện ảnh Hong Kong trải qua sự khó khăn của việc thừa kế giữa thế hệ sau với thế hệ trước.
“Thời kỳ hoàng kim đã quá xa. Điện ảnh Hong Kong đang ở sườn núi. Lý do vì sao? Chúng ta không có thế hệ nghệ sĩ trẻ thay thế. Ngần ấy năm vẫn chỉ từng đó diễn viên, vài vị đạo diễn, nhà quay phim. Thậm chí, phim trường cũng chỉ có vậy”, Lương Gia Huy nói.
Cùng quan điểm, Phùng Vĩnh - Tổng thư ký Hội đồng Phát triển Điện ảnh Hong Kong cho biết: “Hơn 20 năm khoảng cách. Thị trường nhỏ lại khiến các nhà làm phim trẻ có ít cơ hội tu luyện, còn diễn viên bị thu hẹp mảnh đất dụng võ. Thiếu hụt thế hệ kế cận khiến ngành điện ảnh gặp phải những vấn đề đường dài”.
Theo On, thực trạng ngày nay chỉ rõ điện ảnh Hong Kong là một ngành công nghiệp già cỗi, hoàn toàn không còn sự hấp dẫn bởi thiếu vắng các ngôi sao trẻ. Những cái tên bảo chứng màn ảnh hiện tại đều đã ở ngưỡng tuổi U50-60. Điều này chứng minh showbiz Hương Cảng cạn kiệt tài năng điện ảnh.
Lưu Đức Hoa, Cổ Thiên Lạc, Lương Triều Vỹ, Quách Phú Thành, Nhậm Đạt Hoa là những ngôi sao nổi bật đã trải qua thời hưng thịnh cho đến ngày nay. Họ vẫn giữ được sức hút vượt trội trên màn ảnh, nhưng đồng thời cũng là nhân tố phản ảnh những khó khăn mà điện ảnh Hong Kong đang đối diện.
Chỉ riêng trong năm 2020, Lưu Đức Hoa đã tham gia 5 dự án gồm Find Your Voice, Chuyên gia phá bom 2, Moskva đại kiếp nạn, Chiến dịch thiên sứ và Endgame. Cổ Thiên Lạc cũng bận rộn với 4 tác phẩm Ỷ Thiên Đồ Long ký 2020, I Corrupt All Cops 2020, G Storm và Cỗ máy thời gian bản điện ảnh.
Quách Phú Thành lại miệt mài từ phim trường này đến phim trường khác với Disconnected, Mạch lộ nhân, Home Sweet Home và June. Theory of Ambitions - một tựa phim khác của tài tử 56 tuổi - đang trong giai đoạn tiền sản xuất.
Còn Châu Nhuận Phát, Hồng Kim Bảo là những người thư thái hơn khi mạnh dạn rời bỏ nghiệp diễn vì vấn đề tuổi tác và sức khỏe. Châu Tinh Trì lại dùng danh tiếng sẵn có của mình theo đuổi đam mê làm phim, rồi bán phim theo guồng quay của thời cuộc.
Trong khi đó, những cái tên thuộc thế hệ đi sau như Lâm Phong, Trịnh Gia Dĩnh, Trương Trí Lâm, Huỳnh Tông Trạch vẫn miệt mài cống hiến trên màn ảnh rộng, nhưng vẫn chưa có tác phẩm mang tầm ảnh hưởng, tạo lập dấu ấn tên tuổi như các đàn anh.
Nỗ lực bất thành của Cổ Thiên Lạc
Theo HK01, ngành điện ảnh Hong Kong vẫn đang trải qua giai đoạn cực kỳ nhọc nhằn, chưa thể phục hồi vì bệnh dịch. Từ giữa tháng 8/2020, Cổ Thiên Lạc, Chủ tịch Hiệp hội Nghệ sĩ Hong Kong, đã thực hiện nhiều kế hoạch giúp ngành điện ảnh xứ Hương Cảng vượt qua khủng hoảng.
Nam diễn viên đã dùng quyền lực, danh tiếng và tiềm lực tài chính của bản thân giúp đỡ showbiz Hong Kong. Những cuộc họp với Liên đoàn Nhà làm phim Hong Kong cũng như các buổi giao lưu với giới đầu tư, liên tục được anh tổ chức, nhằm tìm ra lối thoát cho toàn ngành.
Sau nhiều cuộc thương thuyết, tài tử Cỗ máy thời gian kêu gọi được 10 công ty điện ảnh hàng đầu và nhiều nhà đầu tư khác đóng góp hơn 5 triệu USD. Tháng 5/2020, công ty giải trí Anh Hoàng và Thiên Hạ Nhất của Cổ Thiên Lạc cho biết sẽ hợp tác sản xuất, phát hành tổng cộng 10 bộ phim trong vòng hai năm, nhằm giải quyết trì trệ trong ngành.
Đến nay, nam diễn viên Bão trắng 2 đã nhận được khoản đầu tư hơn 400.000 USD. Hai tác phẩm chống dịch là Đến bệnh viện, Luôn có tình yêu tại nơi cách ly và Marathon đã được khởi quay để tạo tiền đề khôi phục lại nền công nghiệp sản xuất.
Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của Cổ Thiên Lạc, ngành điện ảnh Hong Kong vẫn chưa thể bước ra khỏi vũng lầy. Theo On, kế hoạch của sao nam đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc triển khai khi chính quyền chỉ hỗ trợ 70% chi phí sản xuất, còn nhà đầu tư lại đòi rút vốn vì sợ lỗ.
Theo HK01, mới đây, tài tử phải tiếp tục kêu gọi quyên góp để sản xuất thêm 5 tác phẩm, nhằm giúp trên dưới nhân viên trong lĩnh vực phim ảnh có thể quay lại làm việc. Vợ chồng tỷ phú Lưu Loan Hùng tiếp tục dẫn đầu danh sách mạnh thường quân, với khoản đóng góp 2 triệu USD.
Truyền thông Hong Kong tiết lộ Cổ Thiên Lạc đã đích thân mời các ngôi sao điện ảnh hàng đầu, tham gia vào loạt dự án do anh sản xuất. Một số nguồn tin cho hay trước mắt nam diễn viên đã nhận được cái gật đầu của Nhậm Đạt Hoa và Lương Triều Vỹ. Hai tên tuổi sẽ đóng chính trong tác phẩm có vốn đầu tư khủng lên đến 25 triệu USD, thuộc thể loại giật gân, trinh thám.
Năm 2020, điện ảnh Hong Kong gây ấn tượng với Chuyên gia phá bom 2. Tác phẩm do Lưu Đức Hoa sản xuất, kết hợp với Lưu Thanh Vân, Nghê Ni đạt doanh thu đạt 132 triệu USD. Chỉ sau 12 ngày khởi chiếu, Chuyên gia phá bom 2 càn quét khắp các phòng vé, đạt thành tích đứng trong top 5 phim điện ảnh có doanh thu cao nhất năm 2020.
Tác phẩm nhận được nhiều lời khen ngợi như "Bộ phim điện ảnh Hong Kong hay nhất trong những năm trở lại đây", "Bom tấn hành động của điện ảnh xứ Hương Cảng", "Siêu phẩm điện ảnh Hong Kong" hay "Ánh sáng của phim Hong Kong".
Nhưng thành công lẻ tẻ này lại không giúp được gì nhiều cho cả một ngành công nghiệp đang lao dốc không phanh và còn lắm những vấn đề nan giải, theo HK01.