Lời xin lỗi của người cha mang tội giết người
Nhìn thấy đứa con chưa đầy 2 tuổi được người thân bế vào phòng xét xử, lòng Nguyễn Thành Đại dâng lên một cõi chua xót. Chuyện có đáng không để anh phải đứng đây, phải 'khoác' lên mình bản án giết người?
Nguyễn Thành Đại (SN 1995, quê huyện Krông Bông, tỉnh Đắk Lắk) được đánh giá là chàng trai trẻ thiện tính. Đại chịu thương chịu khó làm lụng nên đi đến đâu, làm việc với ai cũng được người ta quý mến. Vì điều kiện gia đình khó khăn, học tập không đến nơi đến chốn nên công việc của Đại cũng trải qua nhiều bấp bênh, gập ghềnh. Qua một số nghề và cuối cùng Đại chọn dừng lại với nghề phụ xe tuyến Đắk Lắk – TP Đà Nẵng.
Đại và anh Trần Đình Vinh đều là phụ xe khách của nhà xe Quốc Đạt ở quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng. Cùng phận làm thuê nên căn bản cả hai cũng thân thiết quý mến nhau. Đại và Vinh mỗi người theo phụ một xe, thời gian gần đây gặp nhiều khó khăn, vắng khách nên hai bên bắt đầu có sự “cạnh tranh”. Biết là “cùng một mẹ” nhưng kiểu người có ăn, người đói nên bắt đầu có sự bằng mặt không bằng lòng, rồi hằn học vì thế mà tích tụ. Sự việc của ngày 25/3 như giọt nước tràn ly khiến người suýt chết , kẻ vào tù.
Đại còn nhớ, hôm trước đó có 5 người liên hệ với Đại đặt ghế từ tỉnh Đắk Lắk về TP Đà Nẵng, tuy nhiên, do xe anh Vinh chạy trước và có gắn biển hiệu xe Quốc Đạt nên những người này đều lên xe của Vinh. Khi biết được việc này, Đại đã yêu cầu xe anh Vinh trả khách nhưng Vinh không đồng ý. Với Đại, đây không phải là lần đầu bị “hớt tay trên” như thế nhưng vì nghĩ rằng đều là một nhà xe, lời qua tiếng lại sẽ làm mất lòng nhau, để lại ấn tượng không tốt đối với khách vì vậy Đại quyết định nhịn. Trong khi Đại nghĩ mình trao đi tấm lòng, chắc chắn lúc khác Vinh cũng sẽ mang lòng mình ra trao lại, nhưng Đại đã sai.
Không những không trả lại khách cho Đại, Vinh còn lớn tiếng khích bác, Đại vì không giữ được bình tĩnh đã tát Vinh. Bị Đại đánh, Vinh quay vào xe lấy một con dao cắt trái cây đuổi đánh lại. Được sự can ngăn kịp thời của những người có mặt lúc này, cả hai lên xe tiếp tục hành trình về TP Đà Nẵng. Đến 7h ngày 26/3, xe của Đại về đến trụ sở công ty Quốc Đạt. Khi xuống xe, thấy Vinh đang bốc hàng lên xe nên đi đến hỏi: “Sao em?”, Vinh nói lại: “Ý ông sao?”. Quả thực, cơn giận hôm qua chỉ mới tạm thời lắng xuống thì ngay lúc nghe Vinh nói lời này nó lại bật lên như được gắn lò xo. Chẳng phải Vinh đang được nước lấn tới, không coi ai ra gì hay sao, chẳng phải lời nói này đang thách thức sự kiên nhẫn của Đại hay sao. Đại túm lấy cổ áo Vinh đầy tức giận nhưng cũng chỉ dừng lại ở đó rồi bỏ đi. Còn Vinh hung hăng dùng cây bút lông màu xanh đang cầm trên tay vung lên sượt qua mắt phải của Đại rồi bỏ đi.
Người ta nói, “cái gì đưa lên được thì đặt xuống được”, cả Đại và Vinh lại đặt cái tôi cá nhân vào vị trí quá cao. Cho nên cái sự hậm hực chỉ có tăng lên không hề giảm. Đó cũng chính là nguồn cơn của hết thảy đau lòng. Nhìn trời mây đen nặng trịch như đang ép xuống đỉnh đầu, khiến con người ta bí bách khó chịu, nghĩ đến sự ngông nghênh của Vinh tim Đại lại như bị bóp nghẹt từng chặp. Mây đến, trời có thể mưa đó là thuận theo tự nhiên, vậy thì cơn bực tức trong lòng nhất định cũng phải được giải tỏa, Đại đã nghĩ như thế. Chẳng biết có phải là nhà dột lại gặp cơn mưa hay không, sau khi vừa dứt suy nghĩ Đại thấy Vinh ngay trước mặt. Đại nhặt một cây sắt rỗng tiến đến đánh vào đầu và lưng anh Vinh, và đó chính là kết cục đau lòng mà Đại phải đối diện ngày hôm nay.
Ngày Đại ra tòa, người thân của Đại lặn lội mấy trăm cây số từ Đắk Lắk về. Nhìn người thân, đặc biệt là đứa con chưa đầy hai tuổi Đại không giấu được nước mắt. Chuyện có đáng không để anh phải đứng đây, phải “khoác” lên mình bản án giết người. Vợ con anh có phải chịu nhiểu khổ sở như thế này không? Là tội giết người, đây sẽ là vết nhơ không đáng có. Đại vốn là người cam chịu, từ nhỏ tới lớn đã như vậy rồi tại sao hôm ấy lại không thể tiếp tục. Không phải vì bản thân thì cũng vì người thân, tại sao không? Những ngày ngồi trong trại tạm giam, nghĩ đến vợ con Đại đã vô cùng tuyệt vọng cũng rất ân hận. Liệu bây giờ lời xin lỗi này có quá muộn hay không, có ý nghĩa gì nữa hay không?.
Giây phút được ôm đứa con nhỏ vào lòng, Đại chỉ biết khóc. Lời xin lỗi vợ con của Đại vì thế thêm phần chua chát. Tại bản kết luận giám định pháp y của trung tâm Pháp y TP Đà Nẵng kết luận, tỷ lệ thương tổn cơ thể của anh Vinh vào thời điểm hiện tại là 63%. Nạn nhân bị nứt xương sọ, tụ máu, dập não, đã được điều trị phẫu thuật lấy máu tụ và gửi nắp sọ.
Khi vị chủ tọa hỏi: “Tại sao bị cáo lại đánh anh Vinh?”. Đại nghẹn giọng: “Khách liên hệ trước xe nào thì phải lên xe đó. Năm vị khách đã gọi điện đặt xe của bị cáo trước, nhưng do xe anh Vinh đi trước nên xe này đã "bắt" khách của bị cáo. Khi xe về, khách ít, chủ xe sẽ nói lời khó nghe. Do đó, bị cáo giận mới làm thế. Bị cáo không có ý định tước đoạt mạng sống của bị hại”.
Đại bị tuyên phạt 13 năm tù về tội “Giết người”. Vậy là Đại đã đánh mất đi 13 năm tự do của mình, để lại 13 năm đau khổ của người thân chỉ vì sự tức giận không kiềm chế. Đại đã từng nhủ với lòng mình, dù Đại có cực khổ đến đâu cũng không để con của mình lớn lên quá khốn khó, học hành dứt bỏ giữa chừng như mình. Vì vậy, mọi sự cố gắng ngày đêm của Đại cũng là vì vợ vì con và vì người mẹ già ngày đêm tần tảo. Nghĩ đến những tháng ngày không cha của mình, Đại đau như đứt từng khúc ruột. Cha anh vì bạo bệnh mà để lại mấy mẹ con… nhưng anh là vì nóng giận mà khiến gia đình xa cách hơn mười mấy năm trời, điều này là quá tàn nhẫn với những người anh yêu thương.
Ngày Đại bị bắt, con trẻ vừa tròn một tuổi, ngày Đại ra tòa con trẻ hai tuổi chưa tròn. Đại sợ rằng rồi đây ký ức của Đại trong lòng con trẻ chẳng khác nào con số không. Khảnh khắc ôm con vào lòng, nghe gọi hai tiếng “ba ba”, Đại lại thấy mình có lỗi với con vô cùng. Dẫu biết con không hiểu những lời mình nói là gì nhưng Đại vẫn thiết tha xin lỗi con. “Ba xin lỗi! Ba xin lỗi, vì ba mà con phải khổ. Ba xin lỗi con!”. Lời xin lỗi con của Đại được anh ta lặp đi lặp lai nhiều lần, mỗi lời như mỗi lần rút hết từ tâm can.
Đại vốn không phải là loại người sợ đối mặt với khó khăn nhưng việc hôm nay Đại phải vào tù đã khiến anh vô cùng sợ hãi. Đại có thể chịu đựng, có thể đương đầu, nhưng mẹ già, con thơ và cả vợ anh ta thực không dễ dàng gì…
(Tên bị hại đã được thay đổi)