Lời xin lỗi hiếm có từ tướng lĩnh cấp cao Mỹ

Giới lãnh đạo quân đội Mỹ đã lên tiếng và có những hành động quyết liệt để giải quyết cuộc khủng hoảng sắc tộc bất chấp sự im lặng từ Tổng thống Trump.

Hôm 7/6, tướng 4 sao Robert Abrams, tư lệnh các lực lượng Mỹ ở Hàn Quốc, đã tổ chức cuộc gặp gỡ với các binh sĩ dưới quyền để nói về chủ đề chủng tộc, cuộc gặp sau đó được phát trên mạng xã hội Facebook.

Tướng Abrams yêu cầu tất cả mọi người tham dự sự kiện mặc quần áo dân sự, nhằm xóa nhòa khoảng cách về cấp bậc. "Chúng ta sẽ lập kế hoạch hành động để đạt được kết quả cụ thể sau cuộc gặp này, không thể trì hoãn thêm một giây nào nữa", tướng Abrams nói, theo CNN.

 Cuộc trò chuyện về vấn đề chủng tộc do Tướng Abrams tổ chức. Ảnh: Stars and Stripes.

Cuộc trò chuyện về vấn đề chủng tộc do Tướng Abrams tổ chức. Ảnh: Stars and Stripes.

Tướng Mỹ lo ngại về phân biệt chủng tộc

Là một người da trắng, tướng Abrams cho biết quan ngại sâu sắc về vấn đề bất bình đẳng giữa các chủng tộc tại Mỹ.

"Trong thời gian tại ngũ, tôi đã rất nỗ lực để trở thành một phần của giải pháp. Tuần qua thật sự khó chấp nhận khi tôi nhận ra mình đã thất bại trong việc góp phần giúp xóa bỏ định kiến và phân biệt chủng tộc trong quân ngũ", tướng Abrams nói.

Cuộc trò chuyện của tướng Abrams là một ví dụ về cách các chỉ huy quân đội Mỹ đang có những bước tiến nhằm giải quyết vấn đề phân biệt chủng tộc trong quân đội, bất chấp sự im lặng của Tổng thống Trump.

Không có dấu hiệu cho thấy các tướng lĩnh đang phối hợp với nhau hành động, nhưng thông điệp đưa ra là không thể nhầm lẫn. Các quân nhân Mỹ, ở mọi cấp độ, đang lên tiếng và chỉ huy của họ đang lắng nghe.

"Quân đội Mỹ, mà Tổng thống Trump thường nhấn mạnh mình là tổng chỉ huy, đang lựa chọn một lập trường mới mẻ, chống lại bất bình đẳng chủng tộc. Họ (các chỉ huy) hiểu rõ nguy cơ làm Tổng thống Trump nổi giận, nhưng đã kiên quyết lên tiếng và thúc đẩy sự cải tổ", CNN bình luận.

Các cuộc thảo luận đang diễn ra ở mọi cấp bậc, tại các căn cứ Mỹ khắp nơi trên thế giới, thông qua mạng xã hội, các bài diễn thuyết, video, hay thậm chí là những phát ngôn bộc phát.

Một tướng Mỹ cho biết đã trò chuyện với một sĩ quan trẻ da màu dưới quyền ngay tại hành lang của Lầu Năm Góc, khi người này phàn nàn về việc "những người xung quanh không nhìn nhận mình".

"Chúng ta phải bắt đầu lắng nghe những điều người khác nói", tướng Mỹ giấu tên cho biết.

Lời thú nhận hiếm hoi

Những thổ lộ đau đớn đang được chia sẻ tại mọi cấp bậc trong quân đội Mỹ, nơi các binh sĩ thường hiếm khi bộc lộ công khai cảm xúc của mình trong quá khứ.

Thiếu tá Michael Grinston đã đăng tải một đoạn video trên Twitter nói về những khó khăn ông phải đối mặt do là người Mỹ lai. Grinston đã thẳng thắn kể về tình huống khi một người nói với ông việc ông không thể tự nhận bản thân là người da đen, và cũng không có lựa chọn nào khác để miêu tả về sự đa chủng tộc về sinh học của bản thân.

Trong khi đó, tướng Không quân Charles Brown đăng tải một đoạn video chia sẻ về trải nghiệm của bản thân, một tướng 4 sao người da đen. Brown nói ông cảm thấy "cảm xúc dâng trào" bởi "nhiều người Mỹ gốc Phi đã có số phận tương tự như George Floyd".

"Tôi nghĩ về lịch sử vấn đề chủng tộc và những trải nghiệm của bản thân mà không phải lúc nào cũng phản ánh đúng giá trị Mỹ. Tôi nghĩ về những khi mặc cùng bộ đồ bay, với cùng đôi cánh trên ngực như những bạn cùng trang lứa, và rồi bị một quân nhân khác hỏi tôi có phải phi công không", Tướng Brown nói.

Tổng thanh tra của Không quân hiện điều tra về lịch sử của lực lượng này liên quan tới kỷ luật và cơ hội nghề nghiệp đối với quân nhân da màu.

 Tướng Mark Milley (phải) xuất hiện trong đoàn quan chức của Tổng thống Trump tới Nhà thờ St. Johsn. Ảnh: AP.

Tướng Mark Milley (phải) xuất hiện trong đoàn quan chức của Tổng thống Trump tới Nhà thờ St. Johsn. Ảnh: AP.

Các tướng lĩnh Mỹ hiện cũng phải xử lý các thách thức xuất phát từ nỗ lực của Tổng thống Trump lôi kéo quân đội vào các vấn đề chính trị đảng phái.

Hôm 11/6, tướng Mark Milley, chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đã đưa ra lời xin lỗi hiếm thấy vì đã tham gia chuyến thăm của Tổng thống Trump tới nhà thờ St. John's, sau khi người biểu tình ôn hòa bị buộc phải rời đi để nhường đường cho đoàn của tổng thống và các quan chức.

Tướng Milley thừa nhận việc ông xuất hiện bên Tổng thống Trump trong hình ảnh chụp tại sự kiện đã làm dấy lên cuộc tranh cãi về vai trò của quân đội trong các hoạt động xã hội dân sự.

"Sự có mặt của tôi vào thời điểm đó, trong hoàn cảnh đó, đã tạo ra nhận thức rằng quân đội tham gia vào chính trị nội bộ. Là một sĩ quan quân đội, tôi nhận thức được sai lầm của mình và đã có được bài học, tôi chân thành hy vọng tất cả chúng ta đều có được bài học từ sự việc", Tướng Milley nói.

Quân đội Mỹ quyết chấm dứt phân biệt chủng tộc

Tổng thống Trump hiện tức giận với Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper vì công khai phản đối triển khai quân đội trên đường phố thủ đô Washington để đối phó với các cuộc biểu tình, điều cả ông Esper và Tướng Milley đều đã can ngăn Tổng thống Trump.

Các quan chức Lầu Năm Góc ban đầu đề nghị Bộ trưởng Esper không trực tiếp phản đối Tổng thống Trump, tuy nhiên mọi chuyện trở nên căng thẳng khi ông Esper nhận được thông tin có thể bị Tổng thống Trump sa thải.

CNN cho biết Bộ trưởng Esper và tướng Milley mới đây đã bảo trợ cho một kế hoạch loại bỏ tên của các tướng lĩnh thuộc phe Liên minh miền Nam tại 10 căn cứ quân sự khắp nước Mỹ. Quân đội đã bắt đầu kế hoạch bằng việc lựa chọn người tham gia một ủy ban để giám sát thực hiện.

Thế nhưng, hôm 12/6, Tổng thống Trump viết trên Twitter cá nhân cho biết sẽ "không xem xét" đặt tên lại cho các căn cứ Mỹ. Quyết định của Tổng thống Trump đã dội gáo nước lạnh vào giới lãnh đạo Lầu Năm Góc. Ông Trump phớt lờ thực tế ý tưởng này đến từ chính các tướng lĩnh cấp cao dưới quyền.

 Tướng 4 sao Charles Brown sắp trở thành tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Ảnh: CNN.

Tướng 4 sao Charles Brown sắp trở thành tham mưu trưởng Không quân Mỹ. Ảnh: CNN.

Hiện không rõ Tổng thống Trump có tìm cách ngăn cản Tổng tư lệnh Hải quân, Đô đốc Michael Gilday, và Tổng tư lệnh Thủy quân lục chiến, tướng David Berger, tiến hành kế hoạch cấm các biểu tượng của Liên minh miền Nam tại các căn cứ quân sự.

Đô đốc Gilday và tướng Berger, hai thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng, đều đã tuyên bố những biểu tượng mang tính chia rẽ không thể được chấp nhận trong một quân đội dựa vào sự đoàn kết của binh sĩ để chiến đấu và chiến thắng.

Không quân và Lục quân Mỹ được cho là cũng sẽ sớm đưa ra mệnh lệnh tương tự. Trong khi đó, Bộ trưởng Esper cũng sẽ đưa ra lệnh cấm trên tại các cơ sở dân sự của quân đội Mỹ, dù ông hiểu quyết định của Lầu Năm Góc có thể bị bác bỏ bởi Tổng thống Trump, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết.

Trong những ngày gần đây, chỉ huy các đơn vị của quân đội, cũng như Bộ trưởng Esper và Tướng Milley, đã công khai những thông điệp nhằm giải quyết tình trạng phân biệt chủng tộc trong quân đội.

Đây cũng là chiến lược từng được Lầu Năm Góc sử dụng để đối phó với các cuộc biểu tình da trắng thượng đẳng ở Charlottesville, Virginia, năm 2017, để nhắc nhở các binh sĩ phân biệt chủng tộc không được dung thứ, đồng thời gửi đi thông điệp tới người dân cả nước.

Ở chiều ngược lại, phản ứng của Tổng thống Trump làm dấy lên câu hỏi liệu Nhà Trắng có khả năng dung thứ cho chủ nghĩa da trắng thượng đẳng không, khi ông Trump ca ngợi "những người tử tế từ cả hai phía".

Thế nhưng, trong cuộc khủng hoảng hiện tại, thách thức mà quân đội Mỹ đối mặt không thể xem thường. Các sĩ quân nhân da màu hiện vẫn thiếu sự hiện diện ở các cấp lãnh đạo cao nhất. Dù chiếm 19% số lượng quân nhân, quân nhân da đen chỉ chiếm 9% tổng số sĩ quan.

Ngày 9/6 vừa qua, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn bổ nhiệm Tướng Brown làm tham mưu trưởng Không quân Mỹ.

Khi chính thức nắm quyền chỉ huy Không quân vào tháng 8 tới đây, tướng Brown sẽ trở thành chỉ huy da màu đầu tiên phụ trách một binh chủng của quân đội Mỹ sau 72 năm kể từ ngày Tổng thống Harry Truman ký sắc lệnh xóa bỏ chính sách phân biệt chủng tộc trong quân đội.

Người biểu tình giật đổ tượng Christopher Columbus ở Mỹ Người biểu tình tại thành phố Richmond, bang Virginia đã kéo đổ, đốt cháy và ném xuống hồ bức tượng toàn thân của Christopher Columbus, nhà thám hiểm đã tìm ra châu Mỹ.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/loi-xin-loi-hiem-co-tu-tuong-linh-cap-cao-my-post1095172.html