Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo...
Đã là người Việt Nam, chắc chắn, ai cũng có một niềm tự hào sâu sắc về Hà Nội. Mỗi người Việt đều thể hiện tình yêu với Hà Nội theo một cách riêng, song với người nghệ sĩ thì tình yêu ấy được bộc lộ qua những tác phẩm nghệ thuật, mà ở bài này, chúng tôi dành riêng cho việc nói về Hà Nội trong thơ, theo một dòng chảy từ truyền thống tới hiện đại.
1.Trước khi mang tên Hà Nội, Thủ đô đã trải qua các tên gọi: Thăng Long (1010 - 1399), Đông Đô (1400 - 1406), Đông Quan (1407 - 1428), Đông Kinh (1430 - 1786).
Trong thi ca Việt Nam thời trung đại, Thăng Long là cái tên được nhắc đến nhiều hơn cả và thậm chí đã trở thành biểu tượng về một thời kỳ phồn thịnh, vàng son của dân tộc, gắn với hai triều đại Lý - Trần kéo dài gần 4 thế kỷ với nhiều thành tựu, chiến công rực rỡ. Một loạt thi phẩm của các danh gia giai đoạn nửa cuối thể kỷ XVIII - nửa đầu thế kỷ XIX đều sử dụng địa danh Thăng Long như hồi ức về một thời kỳ không thể nào quên.
Một trong những thi phẩm nổi tiếng nhất của Bà huyện Thanh Quan có ngay hai chữ Thăng Long từ nhan đề - "Thăng Long thành hoài cổ" - với những lời thơ day dứt, đầy hoài niệm tiếc nuối: "Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ Nền cũ lâu đài bóng tịch dương".
Đại thi hào Nguyễn Du cũng có một chùm hai bài thơ mang tên Thăng Long với những câu: "Tản Lĩnh Lô Giang tuế tuế đồng/Bạch đầu do đắc kiến Thăng Long" (Núi Tản, sông Lô dạo khắp vùng/ Bạc đầu còn được thấy Thăng Long) và "Cổ thời minh nguyệt chiếu tân thành/Do thị Thăng Long cựu đế kinh" (Tân thành trăng cũ sáng ngời soi/ Thăng Long kinh cũ trải bao đời).
Cao Bá Quát thì có bài thơ mang tựa đề "Thăng Long thành lãm thắng hữu cảm" (Cảm xúc khi lên thành Thăng Long ngắm cảnh) cũng với niềm hoài niệm mênh mang: "Bậc nhất phồn hoa kinh khuyết cũ/ Cao sâu Nùng, Nhị vẫn sơn hà/ Thành trì trơ mấy hồi kim cổ/ Phường phố thay bao lớp trẻ già…" (Hoàng Tạo dịch)
Sang đến thế kỷ XX, vẫn còn những bài thơ nổi tiếng sử dụng địa danh Thăng Long. Thi phẩm để đời của tướng Huỳnh Văn Nghệ với hai câu tuyệt tác đã in sâu vào tâm hồn bao thế hệ: "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long" (Nhớ Bắc).
Nhà thơ Đỗ Trung Lai trong những năm đầu của thế kỷ XXI đã viết bài thơ "Thăng Long" (13 khổ, mỗi khổ 4 câu 5 chữ) với điệp khúc "Có một Thăng Long" trở đi trở lại trong câu thứ nhất và câu thứ ba mỗi khổ, tạo thành một điểm nhấn đặc biệt cho toàn thi phẩm: "Có một Thăng Long huyền thoại/ Rồng lên từ phía sông Hồng/ Có một Thăng Long áo mỏng/ Gió đùa quanh tấm lưng ong/ Có một Thăng Long sát thát/ Tinh kỳ rợp Đông Bộ Đầu/ Có một Thăng Long thơm ngát/ Mặt hoa nồng nàn đêm sâu".
2.Trong thời kỳ 1945 - 1975, ta còn thấy hiện lên hình ảnh một Hà Nội của thời chiến với rất nhiều cung bậc cảm xúc. Thời kỳ chống Pháp, có không ít những câu thơ lãng mạn hào hoa: "Đêm Hà Nội buốt tê/ Mái buồn nghe sấu rụng (Chính Hữu), "Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội/ Những phố dài xao xác hơi may/Người ra đi đầu không ngoảnh lại/ Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy" (Đất nước - Nguyễn Đình Thi), "Mắt trừng gửi mộng qua biên giới/ Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm" (Tây Tiến - Quang Dũng).
Nhưng cùng với lãng mạn hào hoa còn có cả một Hà nội rực lửa kháng chiến, một Hà Nội quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh: "Thôi nhé miền xuôi thôi tạm biệt/ Cống Chéo, Đồng Xuân thề một chết/ Hàng Gai tay bỏng trục ba càng/ Đất cũ Thăng Long người lẫm liệt" (Những làng đi qua - Quang Dũng), "Trước đau thương Hà Nội không buồn/ Hà Nội rắn như thanh sắt nguội (…) Ta mang ba mươi sáu phố phường đi kháng chiến/ Chín năm rừng lòng vẫn Thủ đô" (Nhớ ngày Thủ đô kháng chiến - Hoài Anh).
Thời chống Mỹ, không thể không nhắc đến trường ca nổi tiếng "Em ơi Hà Nội phố" gồm 23 khúc của nhà thơ Phan Vũ, viết năm 1972, trong những ngày cả Hà Nội làm cuộc Điện Biên phủ trên không chống lại đế quốc Mỹ. Gần 500 dòng thơ khắc khoải, đắm say, xa xót, nghẹn ngào đã mang đến cho người đọc một Hà Nội với bao nỗi niềm, như thể ngàn năm cùng đọng lại trong một khoảnh khắc.
Hà Nội vừa đẹp dịu dàng của những hẹn thề thiêng liêng long lanh ký ức, Hà Nội vừa buồn thương của những biệt ly chưa hẹn ngày trở lại, Hà Nội có những mất mát không gì bù đắp nổi như những vết thương nhức nhối muôn đời: "Em ơi Hà Nội phố/ Ta còn em mùi hoàng lan/ Ta còn em mùi hoa sữa/ Tiếng giày ai gõ nhịp đường khuya/ Cọt kẹt bước chân quen/ Thang gác thời gian/ Mòn thang gỗ/ Ngôi sao lẻ lạc vào căn xép nhò (…)Tháng Chạp/ Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/ Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm/ Một tháng Chạp/ Trắng khăn xô, khói hương dài theo phố/ Một tháng Chạp/ Thâu đêm/ Mẹ thức hóa vàng…".
Cũng trong năm 72 còn phải nhắc đến bài thơ dài của Lưu Quang Vũ như một bức tranh hiện thực không giấu giếm không che đậy. Nỗi đau thương ấy cũng là lời tố cáo lên án đanh thép tội ác dã man của kẻ thù: "Xe nối xe sừng sững chở quan tài/Đóng vội bằng mặt bàn, cánh cửa/ Phấn run rẩy ghi tên người xấu số/ Lên nắp quan xộc xệch chẳng bào sơn/ Quan tài trẻ thơ như những chiếc hòm con/ Những bát đĩa tủ giường tan vỡ/ Quần áo nát, gạo dầu ngùn ngụt lửa/ Sách vở dép giày vùi dưới hố sâu/ Tấm màn trắng xóa/ Xé chia nhau chít vội lên đầu/ Cả khu phố già đi hàng chục tuổi/ Những bó hương bên đường nghi ngút khói/ Những bó hương châm nát cả bầu trời/ Người trồng rau, chữa khóa, vá may/ Người nhặt củi, quét đường lam lũ/ Từ nay chung buổi giỗ…" (Khâm Thiên).
3.Sau 1975 cho tới nay, Hà Nội trở về với thời bình, gắn với những câu chuyện, cảm xúc, tâm sự riêng của từng cá nhân. Và chỉ có sự chân thành trong tình yêu Hà Nội là nguồn cơn duy nhất khiến những bài thơ, câu thơ lưu luyến mãi trong ký ức người đọc.
Có những bài thơ không có từ Hà Nội nào nhưng đầy ắp những địa danh của Hà thành: "Gửi về cho chị Tây Hồ lạnh/ Gió cố nhân lùa liễu ho khan/ Khói hương Quán Thánh ngô lai nướng/ Phố vắng rộng dài hai đi hoang/ Thiền Quang một miếng thu rớt lại/ Ngầy ngậy thơm hoa sữa vắng chồng/ Nhật Tân đôi chút sương xuống sớm/ Giọng Bắc hồ nghi bay thinh không…" (Gửi chị - Nguyễn Hùng Vỹ).
Nỗi nhớ quắt quay da diết của người phải chia xa Hà Nội lâu ngày mới được trở về hiện lên trong những câu thơ của Thanh Tùng làm ta xúc động rưng rưng: "Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/ Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy/ Hà Nội ơi, nguồn mộng mơ dày như cỏ mùa xuân…" (Hà Nội).
Chắc không phải ngẫu nhiên mà một loạt bài thơ về Hà Nội đều được các nhạc sĩ phổ nhạc thành những ca khúc nổi tiếng, đi vào lòng công chúng, chắp thêm một đời sống nữa cho tác phẩm. Bài thơ vừa dẫn bên trên của Thanh Tùng đã được nhạc sĩ Phú Quang phổ thành ca khúc "Hà Nội ngày trở về".
Tương tự như vậy, các bài thơ "Tôi muốn mang Hồ Gươm đi" (thơ Trần Mạnh Hảo), "Có phải em mùa thu Hà Nội" (thơ Tô Như Châu), "Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa" (thơ Bùi Thanh Tuấn) đều trở thành những ca khúc có độ "phủ sóng" đặc biệt…
4.Còn có một Hà Nội trong những giọng thơ nữ với những sắc màu riêng. Những năm gần đây, Đặng Hà My có lẽ là nhà thơ nữ viết về Hà Nội nhiều hơn cả. Tập thơ "Nhiên sơ" (NXB Văn học, 2011) của chị có 46 bài thì đã có tới hơn một phần ba trong số đó viết về Hà Nội hoặc có những câu thơ về Hà Nội.
Nỗi nhớ của người con gái sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, nay phải bôn ba nơi góc bể chân trời dễ khiến bất cứ ai trong chúng ta nao lòng: "Em chưa thể cùng anh về với biển/ Bởi nơi em chưa dịu sóng Tây Hồ/ Cát nơi ấy trùng khơi nơi ấy/ Em mang về vời vợi chiết vào thơ/ Chẳng có ngôi sao nào giấu được vào tay áo/ Cho thiên đường thơm thảo giấc yêu/ Em vẫn thế nghiêng mây đường Yên Phụ/ Ươm vu vơ tóc hương ngát mây chiều" (Nghiêng xuống Tây Hồ).
Và còn đây nữa là nỗi cô đơn của một người con gái khác, trong một đêm Hà Nội xa cách người yêu: "Xa một tuần có lâu quá không anh/ Sao em thấy ngày cứ dài đến thế/ Đêm Hà Nội thơm nghẹn lòng hoa sữa/ Ngôi sao em ngân ngấn khóc chân trời…" (Đêm Hà Nội nhớ - Bùi Sim Sim).
Nguồn VNCA: http://vnca.cand.com.vn/ly-luan/loi-xua-xe-ngua-hon-thu-thao-631381/