Lợn đi chợ huyện
Vợ chồng lão Ất mua một đôi lợn con về nuôi, lúc mua lợn nặng sáu cân một con, nuôi gần ba tháng trời mà mỗi con chi cân nặng được khoảng gần chục cân (mỗi tháng tăng được khoảng một cân).
Vợ lão Ất bàn với chồng:
- Mai phiên chợ huyện ông mang đôi lợn nhà mình đi bán, thêm tiền mua đôi lợn khác về nuôi. Chứ đôi lợn này còi cọc, chậm lớn quá…nuôi nữa chỉ tổ tốn cám gạo thôi.
Mới gà gáy lão Ất đã dậy cho lợn ăn, lão bắt lợn cho vào hai chiếc sọt tre gánh đi bộ sáu bẩy cây số, đến cổng chợ huyện trời mới tờ mờ sáng. Bốn năm người cả đàn ông, đàn bà đứng ở cổng chợ xúm vào miệng hỏi, tay sờ tranh nhau mặc cả giá để mua đôi lợn của lão. Người thì trả bẩy chục, người thì trả tám chục…chỉ có một người trả cao hơn cả là một trăm mốt. Lão Ất nhẩm tính mua đôi lợn hết tám chục, nuôi gần ba tháng bán được trăm mốt, vậy là mỗi tháng cũng được một chục (bằng một thúng thóc). Vậy cũng được, lão đồng ý bán luôn.
Bán được lợn rồi, vẫn còn sớm chợ. Lão dạo một vòng trong chợ, đến hàng bún riêu làm một bát tự thưởng cho bản thân mấy tháng vất vả. Lão qua hàng bánh đúc mua mấy bìa về cho vợ, mua thêm củ nâu cho bà ấy nhuộm lại mấy chiếc áo nâu diện Tết.
Xong xuôi lão mới ra hàng lợn, chọn mua một đôi lợn khác về nuôi. Đi hết một lượt, lão chọn mua được một đôi lợn rất ưng ý tầm gần chục cân một con.
Lão Ất về đến nhà lúc gần trưa, lão thả lợn vào chuồng rồi gọi vợ:
- Bà ra xem đôi lợn tôi mua đẹp lắm!
- Ô..! Đôi lợn ông mua, sao giống lợn nhà mình thế? Cái đuôi này, cái khoáy này, cái chấm lưng nữa này. Đúng lợn nhà mình rồi, cái vết chàm đỏ ở khoeo chân sau đây này.
- Tôi bán lợn nhà mình ở cổng chợ, rồi tôi mua lợn ở hàng lợn…làm sao mà như thế được. Mà lợn nhà mình da nó cóc cách mà, đằng này da dẻ sạch sẽ hồng hào thế kia chứ.
- Thế ông mua đôi lợn này giá bao nhiêu?
- Tôi bán đôi lợn nhà mình được một trăm mốt, tôi mua đôi lợn này đẹp hơn giá một trăm bẩy đấy! Mấy con mụ đàn bà, nó định mua tranh mất. Tôi mà không nhanh, cũng không mua được đâu, tiền nào của ấy mà lị. Tôi còn mua bánh đúc cho bà ăn, mua củ nâu để bà nhuộm áo nữa đấy.
- Ối giời ơi là giời! Ông đúng là người giời rồi! Ông xem hai con lợn quen chuồng đang chui vào ổ kia kìa. Chồng người ta thì buôn tầu bán bè, chồng tôi bán đôi lợn nhà nuôi được một trăm mốt, rồi thêm vào sáu chục đồng nữa để mua đúng đôi lợn nhà mình. Ối giời ơi là giời! Có ai khổ như tôi không?
- Thôi chết tôi rồi! Đúng lợn nhà mình rồi, nó còn vào đúng góc chuồng để đái ỉa nữa. Mẹ cha lũ lừa đảo, chúng mày lừa ông. Thôi tôi xin bà, việc đã thế này rồi bà đừng ca thán nữa, hàng xóm người ta cười cho.
- Ông đã ấm ớ mà còn sợ người ta cười à? Tự dưng mất sáu chục bạc, mất toi sáu thúng thóc của tôi. Thế ông không biết tiếc của à?
Lão Dần đi làm đồng về tới, vào can:
- Việc đã lỡ rồi chị có mắng chửi cũng chẳng ích gì. Anh cũng chỉ là vô tình thôi, mấy người ở chợ huyện chuyên buôn bán lợn giống, họ mua những con lợn còi cọc, da bẩn cóc cách…sau đó đem tắm rửa sạch sẽ, họ đút cho mỗi con ăn vài muỗng bỗng rượu là da đỏ hồng hào, rồi họ đem bán cho người khác kiếm lời. Họ mồi chài khéo lắm! Anh Ất lúc đó cũng không thể biết được là lợn nhà mình, vì anh có thường xuyên cho lợn ăn đâu mà biết hết đặc điểm của lợn. Thôi cũng là mình cho lợn đi chợ huyện chơi một buổi hai bác ạ.
Có lẽ đôi lợn do được lão Ất cho đi chợ huyện chơi, nên từ hôm về thì hay ăn chóng lớn hẳn lên!
Vợ chồng lão Ất nuôi thêm bốn tháng nữa, lúc bán cân mỗi con nặng gần một tạ đấy.
Chuyện làng quê
Nguồn VHPT: https://vanhoavaphattrien.vn/lon-di-cho-huyen-a15986.html