'Lon' vô tội, song 'Mở lon Việt Nam' tối nghĩa
Vụ việc Cocacola bị 'tuýt còi' vì biển quảng cáo có slogan: 'Mở lon Việt Nam' đang gây tranh luận.
Có người nói: Không gọi là “lon” thì gọi là gì, cớ sao lại phạt? Đồng ý, “lon” vô tội. Song “Mở lon Việt Nam” tối nghĩa.
Ý kiến của vị lãnh đạo Cục Văn hóa cơ sở: Gắn chữ “lon” mà không có danh từ, trạng từ ở phía sau là phản cảm, thiếu thẩm mỹ vì hai tiếng Việt Nam không thể tùy tiện sử dụng để quảng cáo một cách kém trang trọng. Nếu để “Mở lon tại Việt Nam” hay “Mở lon ở Việt Nam” có khi đã chẳng có ồn ào? Xem ra, xu hướng dùng ngôn ngữ gợi tục trong nhiều lĩnh vực từ kinh doanh đến giải trí ngày càng cao.
Có người cho rằng vì thấy hài tục “ăn nên làm ra” nên người ta mới đổ xô vào… “học tập”. Đến những người được mệnh danh là danh hài như Việt Hương còn thoải mái diễn hài tục tĩu ở đám cưới, khiến danh ca Hương Lan bức xúc bỏ về. Nhưng mấy nghệ sỹ phản ứng nghiêm khắc và quyết liệt như Hương Lan?
Một số danh hài lí giải việc xuất hiện nhiều hài nhảm, hài tục là vì cứ đổ dồn quay dịp cuối năm, không có thời gian đầu tư cho kịch bản. Cũng chỉ đúng một phần. Cứ quay sang một vài MV của ca sỹ trẻ sẽ thấy, yếu tố tục vẫn được tận dụng triệt để, trong khi rõ ràng đó là một sản phẩm tốn kém về thời gian và vật chất.
Tục mà thanh như “Bà chúa thơ Nôm” thì quá vất vả cho suy nghĩ, sáng tạo, còn tục chỉ loanh quanh, “Như cái lò”; “Mở lon Việt Nam” thì… quá dễ. Phải chăng vì dễ áp dụng, lại dễ lôi kéo sự để ý của dư luận, nên yếu tố tục ngầm ẩn dưới lớp vỏ ngôn ngữ được nhiều đối tượng “tin dùng” trong sản phẩm tung ra thị trường?