Lộn xộn quản lý đất đai, doanh nghiệp kiện tụng gần 10 năm
Vụ kiện đòi diện tích đất 2 mặt tiền đường Thụy Khuê trông ra Hồ Tây giữa 2 doanh nghiệp kéo dài gần 10 năm chưa xong.
Chuyển giao Việt Hà kèm theo đất đai, tài sản
Năm 2011, CTCP Quan hệ quốc tế đầu tư sản xuất (Ciri) đệ đơn khởi kiện đòi 306 m2 đất tại Thụy Khuê (Hà Nội).
Theo doanh nghiệp này, năm 1993, Sở Thương mại Hà Nội có quyết định giao quyền sử dụng nhà đất tại số 128-130D Thụy Khuê cho Công ty Việt Hà kinh doanh. Công ty Việt Hà đã quản lý sử dụng toàn bộ diện tích này.
Năm 1999, Công ty Việt Hà cho Công ty TNHH Hiệp Hưng thuê toàn bộ nhà đất có diện tích 450 m2, thời hạn thuê là 10 năm, tiền thuê là 5 triệu đồng/tháng để mở rộng sản xuất hàng may thêu xuất khẩu.
Đến năm 2004, Nhà nước giải phóng mặt bằng làm đường kè Hồ Tây và thu hồi một phần diện tích. Diện tích còn lại là 300 m2.
Năm 2002, Ủy ban nhân dân (UBND) TP. Hà Nội có quyết định chuyển giao nguyên trạng Công ty Việt Hà thuộc Sở Thương mại Hà Nội về Công ty Ciri thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình - Cienco (thuộc Bộ Giao thông - Vận tải), trong đó có nhà đất nêu trên.
Cũng trong năm 2002, Công ty Việt Hà và Công ty Ciri đã lập biên bản bàn giao với sự có mặt của nhiều cơ quan nhà nước như Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính), Sở Tài chính vật giá Hà Nội, Chi cục Tài chính doanh nghiệp Hà Nội. Khi bàn giao có biên bản trên cơ sở kiểm tra hiện trạng.
Thời điểm bàn giao, Công ty Ciri không biết việc Công ty Việt Hà ký hợp đồng mua bán với bị đơn. Sau khi Công ty Hiệp Hưng khởi kiện thì Công ty Ciri mới biết.
Đến năm 2005, Công ty Ciri được UBND TP. Hà Nội cho thuê 306 m2 đất đang sử dụng tại số 128-130D Thụy Khuê để làm văn phòng giao dịch. Năm 2006, Công ty Ciri được Sở Tài nguyên môi trường và nhà đất Hà Nội (nay là Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) ký hợp đồng thuê đất 30 năm.
Nay Công ty Ciri đề nghị tòa án buộc Công ty Hiệp Hưng phải trả lại cơ sở nhà đất này. Số tiền trước đây Công ty Việt Hà đã nhận của Công ty Hiệp Hưng là 926 triệu đồng, Công ty Ciri trừ vào tiền thuê nhà và yêu cầu Công ty Hiệp Hưng phải trả số tiền thuê nhà còn thiếu từ năm 2002 đến nay, cũng như hoàn trả nguyên trạng đất đai đã cho thuê.
Sở Thương mại Hà Nội chấp thuận bán cho Hiệp Hưng
Về phía Công ty Hiệp Hưng, người đại diện doanh nghiệp này cho biết, năm 1999, Công ty có khoảng 350 lao động, thiếu mặt bằng để sản xuất - kinh doanh mặt hàng may mặc, thêu ren xuất khẩu.
Khi đó, Công ty Việt Hà làm ăn thua lỗ, phát sinh công nợ, có khả năng phá sản. Sở Thương mại Hà Nội đã có nhiều văn bản cho phép Công ty Việt Hà được bán cơ sở vật chất để trả nợ ngân hàng và các khoản vay khác, trả lương người lao động.
Theo hợp đồng ký kết, Công ty Hiệp Hưng thuê địa điểm ở Thụy Khuê trong 10 năm, giá là 60 triệu đồng/năm. Điều 2 - Hợp đồng cho thuê có ghi: Trong lúc chờ làm thủ tục chuyển nhượng, do Công ty Việt Hà khó khăn, Công ty Hiệp Hưng đồng ý cho vay 140 triệu đồng và nếu sau 1 năm kể từ ngày 15/10/1999, bên A chưa hoàn tất thủ tục chuyển nhượng thì phải trả lãi hàng tháng. Điều 3 - Hợp đồng quy định, Công ty Việt Hà có trách nhiệm khẩn trương hoàn tất mọi thủ tục chuyển nhượng quyền thuê đất và sở hữu.
Sau 1 năm thực hiện hợp đồng thuê nhà, hai bên ký tiếp Hợp đồng chuyển nhượng số 2098/HĐ-CN và đã được UBND TP. Hà Nội cho phép. Công ty Việt Hà tiến hành bán doanh nghiệp theo Nghị định số 103/1999/NĐ-CP và Quyết định 5653/QĐ-UB của UBND TP. Hà Nội.
Công ty Việt Hà đã có nhiều văn bản gửi đơn vị chủ quản và UBND TP. Hà Nội xin thanh lý chuyển nhượng nhà đất cho Công ty Hiệp Hưng.
Năm 2000, Sở Thương mại Hà Nội có văn bản báo cáo và đề nghị UBND Thành phố cho phép Công ty Việt Hà bán toàn bộ cơ sở vật chất, mạng lưới kinh doanh hiện có cho Công ty Hiệp Hưng.
Thông báo số 13/VP-CN của UBND TP. Hà Nội về biện pháp tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp và đổi mới doanh nghiệp nhà nước có nội dung: Công ty Việt Hà thuộc Sở Thương mại Thành phố nằm trong diện thực diện giao bán, khoán kinh doanh, cho thuê doanh nghiệp nhà nước.
Do đó, Sở chấp thuận bán cho Công ty Hiệp Hưng toàn bộ cơ sở vật chất của Công ty Việt Hà. Công ty Hiệp Hưng cho rằng, việc chuyển nhượng là phù hợp với pháp luật.
Năm 2002, UBND TP. Hà Nội có quyết định chuyển giao nguyên trạng Công ty Việt Hà về Công ty Ciri. Lúc này, Công ty Hiệp Hưng đang quản lý sử dụng diện tích đất nói trên.
Từ những căn cứ trên, Công ty Việt Hưng có yêu cầu phản tố đề nghị tòa án hủy hợp đồng thuê đất giữa Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội với Công ty Ciri, đề nghị tòa án hủy quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc cho Công ty Ciri thuê 306 m2 đất tại Thụy Khuê, đồng thời yêu cầu tòa án công nhận Hợp đồng chuyển nhượng số 2098.
Tại tòa án, đại diện của UBND TP. Hà Nội cho biết, theo hồ sơ lưu trữ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, khu đất ở Thụy Khuê do Công ty Ăn uống dịch vụ Hồ Gươm quản lý, sau đó được chuyển một phần về Công ty Việt Hà quản lý, sử dụng.
Sau khi chuyển giao Công ty Việt Hà, UBND TP. Hà Nội đã có quyết định cho Công ty Ciri thuê diện tích này và làm các thủ tục cho thuê tiếp theo. Về việc chuyển nhượng nhà đất giữa Công ty Việt Hà và Công ty Hiệp Hưng, hồ sơ lưu trữ của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội không có.
Tòa án xác định sai thẩm quyền giải quyết
Tòa án sơ thẩm chấp nhận yêu cầu đòi cơ sở nhà đất của Công ty Ciri, buộc Công ty Hiệp Hưng phải bàn giao toàn bộ lại nhà đất, tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng giữa Công ty Hiệp Hưng và Công ty Việt Hà vô hiệu.
Về các trách nhiệm tài chính khác, sau khi tính toán tiền thuê nhà đất, tài sản trên đất, tòa án bác yêu cầu đòi 1,7 tỷ đồng tiền thuê nhà của Công ty Ciri, buộc Công ty Ciri phải trả 2,4 tỷ đồng tài sản trên đất, tiền sửa chữa, xây dựng tại số 128 Thụy Khuê.
Sau phiên tòa sơ thẩm, nguyên đơn kháng cáo về khoản tiền phải trả và tiếp tục đòi tiền thuê nhà. Bị đơn kháng cáo toàn bộ bản án, đề nghị tòa phúc thẩm xem xét bảo vệ quyền lợi cho bị đơn theo quy định của pháp luật.
Tại cấp phúc thẩm, tòa án nhận thấy, ngay từ năm 2011, Công ty Hiệp Hưng đã có đơn phản tố cho rằng quyết định của UBND TP. Hà Nội về việc chuyển giao Công ty Việt Hà cho Công ty Ciri là không đúng quy định pháp luật.
Công ty Hiệp Hưng đề nghị tòa hủy hợp đồng cho thuê của Sở Tài nguyên và môi trường Hà Nội và Công ty Ciri, hủy quyết định cho thuê của UBND TP. Hà Nội.
Tòa án phúc thẩm cho rằng, yêu cầu phản tố này có từ giai đoạn 2011-2012. Theo Bộ luật Tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung năm 2011 và Luật Tố tụng hành chính, thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết định cho thuê đất của UBND TP. Hà Nội thuộc Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.
Như vậy, Tòa án nhân dân quận Tây Hồ phải chuyển vụ án lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội. Tuy nhiên, tòa án sơ thẩm vẫn thụ lý giải quyết vụ việc và cho rằng đơn phản tố đề nghị xem xét tính hợp pháp của quyết định cá biệt của UBND TP. Hà Nội là hết thời hiệu, không xem xét là chưa đúng.
Do đó, tòa phúc thẩm quyết định hủy án sơ thẩm, xác định Tòa án nhân dân TP. Hà Nội có thẩm quyền giải quyết sơ thẩm. Hiện vụ việc đã được chuyển lên Tòa án nhân dân TP. Hà Nội.