Long An: Dân khốn khổ vì quy hoạch gần 300ha treo 15 năm
Tỉnh Long An định hướng quy hoạch phát triển ấp 1 cù lao Mỹ Phước là khu dân cư sinh thái với diện tích 294ha để kêu gọi đầu tư.
Thế nhưng, gần 15 năm qua người dân phải khốn khổ vì định hướng quy hoạch này.
Gần 15 năm sống khổ trong quy hoạch treo
Nằm ở vị trí biệt lập, ấp 1 cù lao Mỹ Phước, thuộc xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An được bao bọc bởi sông Vàm Cỏ Tây. Muốn vào được cù lao Mỹ Phước, PV chỉ có thể theo con đường duy nhất là qua QL62 vào trung tâm TP Tân An bằng cầu treo Mỹ An Phú và một bến đò. Cây cầu treo Mỹ An xây dựng năm 1979 đang trong giai đoạn xuống cấp.
“
Để tránh tình trạng đầu cơ bất động sản, huyện đã chỉ đạo UBND xã Mỹ An kiểm soát chặt chẽ việc tách thửa ở cù lao Mỹ Phước. Trong trường hợp người dân có nhu cầu thật sự sẽ tạo điều kiện để phát triển, phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ người dân ở đây xây dựng tạm trên đất được quy hoạch làm đất ở để người dân có thể xây cất, chia tách sổ đất cho con cái ra ở riêng.
Ông Nguyễn Văn Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa
”
Cách đây gần 15 năm, UBND tỉnh Long An định hướng quy hoạch cù lao Mỹ Phước để làm dự án khu dân cư sinh thái, khu vui chơi giải trí. Tổng diện tích định hướng quy hoạch lên tới 294ha.
Có trên 500 hộ dân đang sinh sống trên cù lao này. Người dân cù lao Mỹ Phước chủ yếu làm ruộng, một năm 2 vụ nhưng do đất bị nhiễm phèn nặng nên năng suất không cao, cái nghèo luôn đeo bám.
Nhận thông tin quy hoạch, người dân mừng vui, kỳ vọng vào cơ hội đổi đời. Ai ngờ, chừng ấy năm định hướng quy hoạch là chừng ấy năm người dân phải khốn khổ.
Sau cuốc chạy xe ôm về, lão nông Lê Văn Dã (57 tuổi, trú ở cù lao Mỹ Phước) than thở: “Sau bao nhiêu năm chờ đợi, đến nay dự án vẫn chưa được triển khai khiến cuộc sống của bà con càng khó khăn trăm bề. Vì nằm trong vùng quy hoạch nên việc tách thửa, làm nhà bị hạn chế.
Tôi có mấy công đất lúa muốn tách ra cho các con nhưng không tách được vì vướng quy hoạch. Quy hoạch treo nên cơ sở hạ tầng nơi đây cũng không được đầu tư, do cách trở về đường sá, lúa làm ra vận chuyển khó khăn, giá thường thấp hơn các vùng khác. Người dân bị bệnh phải khiêng qua QL62 mới có xe chở đi bệnh viện vì cầu treo ô tô không đi được”.
Ông Lê Thanh Hải (54 tuổi, trú ở cù lao Mỹ Phước) cho biết, 3 người con của ông đã lập gia đình từ lâu, nhưng cả 3 thế hệ với hơn chục người vẫn phải sống trong căn nhà cấp 4 chật chội. Do đông người nên ông cơi nới thêm mấy phòng xung quanh, nhìn không còn ra hình vuông hay chữ nhật.
“Cả cù lao là vùng quy hoạch treo nên không ai được xây dựng gì thêm để phát triển kinh tế cả, cuộc sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và làm thuê, làm mướn kiếm ăn qua ngày”, ông Hải cho biết.
Chưa biết khi nào hết treo
Tuyến đường bê tông là trục giao thông của ấp để các ngõ xóm kết nối vào đi QL62 và TL817 được Nhà nước và nhân dân cùng làm. Trên tuyến đường này, nhiều chỗ đã xuống cấp, hư hỏng nhưng địa phương không có kinh phí sửa chữa.
Ông Lê Văn Sang, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ An, huyện Thủ Thừa cho biết, do ấp 1 cù lao Mỹ Phước được quy hoạch thành khu dân cư sinh thái, khu vui chơi giải trí nên việc bố trí vốn xây dựng đường kết nối các ngõ xóm, hay sửa chữa tuyến đường trục giao thông phải trình lên huyện đang xem xét, cân nhắc. Không phải xã có kinh phí hoặc vận động dân là tự ý làm được.
Nói về dự án Khu dân cư sinh thái, khu vui chơi giải trí bị treo suốt 15 năm qua, ông Nguyễn Văn Quân, Phó chủ tịch UBND huyện Thủ Thừa cho biết, cuối năm 2022, UBND tỉnh mới phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho dự án này.
Theo đó, dự án có tổng diện tích 294ha, toàn bộ cù lao Mỹ Phước tại ấp 1, xã Mỹ An với 4 mặt giáp sông Vàm Cỏ Tây. Khu dân cư sinh thái, khu vui chơi giải trí là nơi cung cấp các tiện nghi ở, giải trí, chăm sóc sức khỏe, nghỉ dưỡng, thể dục thể thao... thân thiện với môi trường.
“Hiện, UBND huyện phối hợp các Sở, ngành tỉnh lập hồ sơ trình UBND tỉnh cho chủ trương đầu tư, sau đó lập hồ sơ đấu thầu dự án. Lúc đó, nhà đầu tư nào trúng thầu sẽ triển khai thực hiện”, ông Quân nói nhưng không biết chính xác thời gian nào sẽ đấu thầu dự án để người dân ở đây hết cảnh quy hoạch treo sau 15 năm chờ đợi.