Long An đưa hàng hóa giá ưu đãi đến từng thôn, xóm

Sở Công thương tỉnh Long An đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tận dụng 19 điểm bưu cục tại các địa bàn làm điểm tập kết, mở bán các mặt hàng thiết yếu cho người dân với giá ưu đãi.

Trong thời điểm áp dụng biện pháp giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, việc đảm bảo cung ứng, phân phối đầy đủ nguồn lương thực, thực phẩm và hàng hóa thiết yếu đến từng hộ dân tại tỉnh Long An những ngày qua cũng gặp không ít khó khăn. Các đơn vị chức năng của tỉnh đã tìm giải pháp tận dụng nguồn lực, phương tiện ở các hệ thống bưu cục trên toàn địa bàn, triển khai điều phối hàng hóa, thay thế cho một số chuỗi cũng ứng phổ thông trước đây.

Với điều kiện đặc thù của địa bàn dân cư, nhiều khu vực ở Long An, người dân sinh sống phân tán, tập trung xa khu thị trấn, thị tứ. Do giãn cách xã hội và lo ngại dịch bệnh, mọi người cũng ít ra ngoài để mua hàng. Trong khi đó, thời gian gần đây, nguồn thịt heo, rau củ quả khan hiếm cục bộ nên mua bán khó khăn. Từ thực tế này, Sở Công thương tỉnh Long An đã phối hợp với Bưu điện tỉnh tận dụng 19 điểm bưu cục tại các địa bàn làm điểm tập kết, mở bán các mặt hàng thiết yếu cho người dân với giá ưu đãi. Đặc biệt là ở các vùng sâu, vùng xa của tỉnh, nơi chưa có siêu thị, các cửa hàng bách hóa cũng hiếm hoi...

Người dân các vùng nông thôn đến mua hàng tại các điểm bưu cục.

Người dân các vùng nông thôn đến mua hàng tại các điểm bưu cục.

Từ khi có điểm bán và giao hàng tại bưu cục địa phương, việc mua sắm, sinh hoạt của gia đình anh Trần Thái Sơn, ở Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa thuận lợi hơn trước. Lượng khách hàng đến mua sắm được điều phối hợp lý trong cùng một thời điểm khiến bà con cảm thấy an tâm.

"Những bà con ở xa, hay lớn tuổi gọi điện vẫn được nhân viên bưu cục ưu tiên giao hàng đến tận nhà, cũng đỡ vất vả. Trong lúc dịch bệnh, như tôi có thể chạy ra nhận hàng, chứ người già cả thì đi lại khó khăn và dịch bệnh nên cũng ít ai dám ra khỏi nhà." - anh Trần Thái Sơn cho biết.

Bên cạnh việc điều phối nguồn hàng lương thực thực phẩm, tỉnh Long An còn phối hợp với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo, các cá nhân hảo tâm… mở điểm bán gạo bình ổn tại các địa phương, cam kết giữ nguyên giá bán cho đến khi hết dịch. Một số đơn vị đã triển khai điểm bán gạo (IR 503, IR 504, OM 5451) cho tất cả người dân có nhu cầu với mức giá cố định 9.000 – 10.000 đồng/kg, thấp hơn giá thị trường từ 3.000 đến 4.000 đồng/kg. Ngoài một số điểm cố định, gạo giá ưu đãi cũng được xe vận chuyển bán lưu động đến tận thôn xóm. Việc bán gạo bình ổn giá trong lúc giãn cách đã giúp người dân giảm chi phí trong sinh hoạt hàng ngày, cuộc sống cũng bớt vất vả.

Ông Ngô Thanh Tồng, người dân xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An bày tỏ: "Bán giá này quá hợp lý, bởi lúc này, đa số người dân lao động thất nghiệp, không có nhiều tiền. Giá gạo bán vậy là rẻ hơn bên ngoài rất nhiều rồi. Cảm ơn các doanh nghiệp đã hỗ trợ cho bà con".

Sau hơn 3 ngày triển khai, các điểm bán hàng hóa tại 19 bưu cục, điểm bán gạo cố định và lưu động với mức giá ưu đãi đã kịp thời giúp người nghèo ở Long An phần nào giảm bớt khó khăn trong cuộc sống, nhất là hạn chế được tình trạng khan hàng, tăng giá. Đặc biệt, tại mỗi điểm bưu cục đều có khoảng 6 nhân viên túc trực và phương tiện giao hàng tận nhà, không để bà con vùng nông thôn thiếu thốn hay phải di chuyển nhiều trong lúc dịch bệnh.

Theo Sở Công thương tỉnh Long An, ngoài việc phục vụ cho nhân dân trên địa bàn, các đơn vị, địa phương trong và ngoài tỉnh nếu có nhu cầu đều có thể liên hệ đặt hàng, doanh nghiệp sẽ giao gạo tận nơi với giá cố định từ nay đến khi hết dịch bệnh.

Đảm bảo nguồn hàng bình ổn, giá ưu đãi cho người dân tại các điểm bưu cục xã đến hết mùa dịch.

Đảm bảo nguồn hàng bình ổn, giá ưu đãi cho người dân tại các điểm bưu cục xã đến hết mùa dịch.

Bà Châu Thị Lệ - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Long An cho biết: "Long An khi đã dừng hoạt động 125 chợ truyền thống thì việc cung ứng hàng hóa cho các địa phương có 5 phương án. Hiện đã tổ chức điểm bán hàng, xe lưu động đến các địa phương, thực hiện mô hình đi chợ hộ. Trên cơ sở tập hợp các nhu cầu của các địa phương, doanh nghiệp, khu cách ly thì đơn vị phân phối sẽ được kết nối để đưa tới tận nơi. Phải kết nối đảm bảo nguồn hàng để làm sao người dân ít đi ra đường nhất để thực hiện chỉ thị giãn cách".

Trước tình hình dịch còn diễn biến phức tạp, có khả năng phải tiếp tục giãn cách xã hội, các đơn vị chức năng tỉnh Long An đã sẵn sàng nhiều phương án, tận dụng nguồn nhân lực địa phương, như đoàn thanh niên, giáo viên… tình nguyện tham gia ở các điểm cố định và bán hàng lưu động. Nhờ đó sẽ chủ động giải quyết kịp thời, hiệu quả nhu cầu hàng hóa, phân phối kịp thời và đầy đủ đến tận nhà người dân tại một số khu vực nông thôn./.

Vinh Quang/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/long-an-dua-hang-hoa-gia-uu-dai-den-tung-thon-xom-875855.vov