Long An hôm nay English Edition
45 năm trôi qua kể từ Đại thắng mùa Xuân năm 1975, cùng với cả nước, Long An ra sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng lại quê hương, viết tiếp những trang sử hào hùng của dân tộc.
Khôi phục sản xuất
Trong chiến tranh, Long An bị tàn phá nặng nề, đất đai hoang hóa, nhất là vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh, khiến cho việc sản xuất gặp rất nhiều khó khăn. Theo lời kể của nguyên Bí thư Huyện ủy Mộc Hóa - Nguyễn Văn Tấn, trước đây, vùng này dân cư thưa thớt lắm! Mỗi năm chỉ sản xuất một vụ lúa nhưng năng suất thấp. Cũng nhờ có chủ trương điều động, bố trí lại dân cư, đưa lao động từ những nơi khác đến khai phá mà vùng đất nhiễm phèn trở thành những cánh đồng trù phú, bạt ngàn, là vựa lúa của tỉnh và khu vực.
Bên cạnh thực hiện chương trình khai phá Đồng Tháp Mười, một dấu ấn nổi bật của tỉnh trong những năm đầu sau giải phóng là tạo nên bước đột phá về phân phối lưu thông. Theo đó, Long An là địa phương đầu tiên trong cả nước thành công xóa bỏ cơ chế tập trung quan liêu, bao cấp, khắc phục tình trạng nhiều giá, góp phần ổn định thị trường, khuyến khích sản xuất phát triển. Với việc đổi mới cơ chế quản lý, nền kinh tế của tỉnh phát triển nhanh chóng, đạt nhiều thành tựu quan trọng, được Trung ương đánh giá cao.
Không chỉ bứt phá mạnh mẽ trong sản xuất nông nghiệp, lĩnh vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ của tỉnh cũng có nhiều khởi sắc. Nếu như những năm 2000, kinh tế của tỉnh vẫn là thuần nông, công nghiệp chỉ mới bắt đầu phát triển với quy mô nhỏ, lẻ thì nay trở thành một trong những tỉnh, thành có nền công nghiệp tăng trưởng khá trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2016-2020 ước đạt khoảng 9,62%/năm; cơ cấu kinh tế 3 khu vực I, II, III năm 2020 lần lượt là 14,5%, 52%, 33,5%.
Công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường được quan tâm thực hiện. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp quy mô khá lớn, công nghệ tiên tiến đầu tư vào Long An. Năm 2019, tỉnh tiếp nhận đầu tư 109 dự án FDI với số vốn đăng ký hơn 320 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu duy trì mức tăng trưởng khá cao, khoảng 14,5%/năm, với gần 26 tỉ USD giai đoạn 2016-2020. Thị trường không ngừng mở rộng, hàng hóa của tỉnh xuất khẩu vào các thị trường có yêu cầu cao. Hoạt động nhập khẩu có sự đa dạng hóa thị trường, tăng nhập khẩu các mặt hàng cho sản xuất và xuất khẩu.
Nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, nhiều năm qua, tỉnh huy động mọi nguồn lực xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông phục vụ phát triển công nghiệp vùng kinh tế trọng điểm (Đức Hòa, Bến Lức, Cần Giuộc và Cần Đước). Nhờ những chủ trương đúng đắn, quyết sách sáng tạo, Long An ngày nay phát triển toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Bức tranh KT-XH được điểm tô bằng nhiều sắc màu tươi sáng. Tiềm năng, lợi thế của từng địa phương được khai thác hiệu quả, góp phần đưa tỉnh nhà phát triển nhanh, bền vững.
Nỗ lực bứt phá
Những năm gần đây, công tác cải cách hành chính được xem là một trong những “điểm sáng”, thể hiện sự quyết liệt, đột phá của tỉnh. Môi trường đầu tư tiếp tục được cải thiện, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) luôn ở mức khá cao, đặc biệt năm 2018, Long An được xếp hạng đứng thứ 3 cả nước. Thu ngân sách năm 2019 vươn cao với con số ấn tượng hơn 18.300 tỉ đồng, tăng hơn 20% so với cùng kỳ, đưa Long An trở thành địa phương đứng đầu các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long về thu ngân sách.
Công tác cải cách hành chính được xem là một trong những “điểm sáng”, thể hiện sự quyết liệt, đột phá của tỉnh
(Trong ảnh: Trung tâm Hành chính công huyện Cần Đước)
Nhiệm kỳ 2015-2020, toàn tỉnh có 10 thị trấn được công nhận đô thị loại V và TP.Tân An được công nhận đô thị loại II. Đồng thời, tỉnh đã quy hoạch nhiều khu đô thị đa chức năng ở Bắc Bến Lức, Nam Bến Lức, Đức Hòa, Đông Cần Giuộc, Bắc Thủ Thừa, ven Trục động lực kết nối Tiền Giang - Long An - TP.HCM. Chương trình đầu tư xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần thay đổi tích cực diện mạo nông thôn, nâng cao đời sống và thu nhập của người dân.
Theo Sở nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 80 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 49,6% tổng số xã toàn tỉnh, trong đó có 2 xã nông thôn mới nâng cao (xã Phước Hậu, huyện Cần Giuộc và xã Hòa Phú, huyện Châu Thành). Huyện Châu Thành được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới tại Quyết định số 256/QĐ-TTg, ngày 14-02-2020. TP.Tân An cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Đời sống người dân được cải thiện rõ nét khi thu nhập bình quân đầu người đạt 72,67 triệu đồng/năm, hộ nghèo giảm chỉ còn 1,52%.
Nông thôn ngày càng khang trang từ chương trình xây dựng nông thôn mới
(Trong ảnh: Đường giao thông xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa)
Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ, an sinh xã hội được bảo đảm. Hoạt động của hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả. Cơ sở vật chất và trang thiết bị trường học được tăng cường đầu tư, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia theo tiêu chí mới đạt 50,5%. Trình độ dân trí ở các địa phương vùng sâu, biên giới được nâng lên. Học sinh, sinh viên thuộc diện gia đình chính sách, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ, tạo điều kiện học tập.
Gắn bó cả đời với địa phương nên hơn ai hết, ông Huỳnh Văn Minh (ngụ ấp 6, xã Tân Bửu, huyện Bến Lức) rất vui mừng khi chứng kiến sự đổi thay của quê hương. Ông nói: “Trước đây, điện, đường, trường, trạm cái gì cũng thiếu hoặc xuống cấp. Cuộc sống người dân vất vả không kể sao cho hết. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm của Đảng, chính quyền, đến nay, Tân Bửu cơ bản đạt 19/19 tiêu chí nông thôn mới, diện mạo nông thôn cũng như đời sống người dân được nâng lên”.
Từ những thành quả qua 45 năm xây dựng, đổi mới, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, với tinh thần đoàn kết, chung sức của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, Long An sẽ tiếp tục bứt phá mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới, đưa tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/long-an-hom-nay-a94492.html