Long An: Lợi nhuận vụ Đông Xuân 2019 - 2020 tăng dù còn nhiều khó khăn English Edition
Chiều 09/4, UBND tỉnh Long An tổ chức hội nghị trực tuyến sơ kết cây trồng vụ Đông Xuân 2019 - 2020, triển khai kế hoạch Hè Thu 2020 và sản xuất lâm nghiệp 2020. Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh chủ trì hội nghị.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, khô hạn, xâm nhập mặn sớm, thiếu nước ngọt phục vụ cây trồng, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, các huyện phía Nam thiệt hại giảm năng suất từ 30 - 60% khoảng 3.800ha và 990ha diện tích mất trắng (tại 2 huyện Thủ Thừa, Tân Trụ). Lúa Đông Xuân 2019 - 2020, diện tích gieo sạ toàn tỉnh ước đạt 227.235ha, đạt 99,98% so với kế hoạch, bằng 98% so với cùng kỳ (giảm 4.733ha). Do hạn, mặn, thiếu nước tưới, huyện Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước và TP.Tân An chủ động bỏ vụ, một số ít diện tích chuyển sang trồng cây khác.
Vụ Đông Xuân, diện tích giảm nhưng năng suất tăng, giá cũng tăng từ 200 đồng – 1.400 đồng/kg (tùy giống lúa) nên nông dân có lợi nhuận tăng, ước bình quân từ 15 - 20 triệu đồng/ha, cao hơn 2 - 3 triệu đồng/ha so với cùng kỳ. Hiện, vụ Đông Xuân 2019 - 2020 đã thu hoạch 226.245ha, năng suất khô ước đạt 64,6 tạ/ha, tăng 1,2 tạ/ha so với cùng kỳ. Sản lượng ước đạt 1,46 triệu tấn, giảm khoảng 9.200 tấn so với cùng kỳ, đạt 54% kế hoạch năm 2020 (2,7 triệu tấn).
Bên cạnh đó, một số cây trồng khác tương đối ổn định và trong năm 2019, toàn tỉnh chuyển đổi trên 2.500ha đất lúa sang các cây trồng khác (thanh long, mít, dừa, bưởi, sầu riêng,…).
Để bảo đảm sản lượng lúa 2020 đạt trên 2,7 triệu tấn, tỉnh triển khai kế hoạch vụ Hè Thu 2020 có diện tích gieo sạ khoảng 217.640ha, sản lượng trên 1 triệu tấn; vụ Thu Đông 2020 khoảng 47.200ha, sản lượng trên 222.000 tấn.
Dự kiến lịch thời vụ xuống giống Hè Thu 2020: Đợt 1 từ 15/4 - 25/4, đợt 2 từ 13/5 - 23/5, đợt 3 từ 13/6 - 25/6. Những vùng không chủ động được nguồn nước, sử dụng nước mưa kiên quyết không gieo sạ khi chưa bắt đầu mùa mưa nhằm tránh thiệt hại. Riêng về giống, ưu tiên sản xuất các giống lúa phù hợp với cơ cấu mùa vụ, thị trường xuất khẩu, cần chú ý tới các giống phù hợp với diễn biến nguồn nước, tình hình xâm nhập mặn. Nhóm giống lúa chủ lực là OM 4900, OM 5451, Nếp, Đài thơm 8, RVT, Nàng hoa 9, ST, OM 6976,… Sử dụng các giống lúa chống chịu hạn, phèn mặn trung bình - khá như AS996, OM 5451, OM 6976,... cho những vùng khó khăn về nước tưới, chịu ảnh hưởng phèn, mặn.
Tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh – Phạm Văn Cảnh đánh giá cao công tác chỉ đạo của ngành Nông nghiệp và các địa phương để vụ Đông Xuân đạt kết quả tích cực trước ảnh hưởng hạn, xâm nhập mặn. Để đạt mục tiêu sản lượng 2020 thì các ngành chức năng cùng địa phương cần tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng thủy văn, xâm nhập mặn để chủ động ứng phó; tập trung mọi điều kiện khắc phục bất lợi của thời tiết để ứng dụng thâm canh, phòng trừ dịch bệnh; chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp với điều kiện sản xuất.
Ngoài ra, thực hiện đề án Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp nhằm tăng lợi nhuận, nâng cao hiệu quả và chất lượng nông sản hàng hóa. Vụ Hè Thu tới, các địa phương cần tuân thủ lịch thời vụ; riêng các huyện, thị có diện tích lúa Hè Thu sớm đã gieo sạ cần tập trung chỉ đạo quản lý, theo dõi sát tình hình sâu bệnh./.