Long An: Nhiều mô hình hay trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc
Thời gian qua, các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đều tập trung củng cố, xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ). Đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đáp ứng yêu cầu công tác phòng, chống tội phạm trong tình hình hiện nay.
Ban chỉ đạo (BCĐ) các địa phương, cơ quan, doanh nghiệp tiếp tục duy trì hoạt động 146 mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào TDBVANTQ. Trong đó, ở địa bàn dân cư có 121 mô hình; trong cơ quan, doanh nghiệp 35 mô hình. Ở địa bàn dân cư có nhiều mô hình điển hình: Đội Honda khách phòng, chống tội phạm; Cổng an ninh, trật tự (ANTT); Tiếng loa ANTT; Ánh sáng ANTT, Camera an ninh; Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới; Phối hợp tuần tra gắn với chốt chặn phòng, chống tội phạm; Chốt dân phòng; Tổ chức công nhân tự quản ở khu nhà tập thể, khu nhà trọ có đông công nhân, lao động lưu trú; Khu nhà trọ công nhân văn hóa; Củng cố hệ thống chính trị của xã, tuyên truyền nâng cao việc chấp hành pháp luật của nhân dân; Phát huy sức mạnh tổng hợp xóa tệ nạn, chuyển hóa địa bàn nông thôn;…
Trong cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường có các mô hình: Trường học an toàn về ANTT; Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội xâm nhập học đường; Đảm bảo ANTT, an toàn cơ quan; Tổ công nhân tự quản; Câu lạc bộ nhà trọ an toàn về ANTT; Thanh niên xung kích an ninh; Mỗi cán bộ, công nhân, viên chức, phóng viên, cộng tác viên là một an ninh viên; Phối hợp 3 lực lượng giữ gìn ANTT khu công nghiệp;...
Hay trong tôn giáo cũng đang thực hiện các mô hình: Xóm đạo bình yên; Vùng giáo an toàn về ANTT; Kết hợp tuyên tuyền, giáo dục pháp luật trong giáo dân; Tín đồ họ đạo Cao đài Chơn Lý không vi phạm pháp luật; Kết hợp tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong giáo dân; Đồng bào Công giáo chấp hành tốt luật an toàn giao thông; Phật giáo sống tốt đời, đẹp đạo;…
Nổi bật, mô hình Camera an ninh đang được triển khai, thực hiện rộng rãi, mang lại hiệu quả thiết thực. Từ mô hình này đã phục vụ công tác điều tra, khám phá rất nhiều vụ án đặc biệt nghiêm trọng về giết người, cướp tài sản, trộm cắp tài sản và tai nạn giao thông,…
Hay như mô hình Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới ở xã Bình Hòa Tây được thành lập xuất phát từ tình hình một số phần tử đối lập với Đảng nhân dân Campuchia đến khu vực cột mốc 202, 203 thuộc địa phận ấp Bình Bắc, để tuyên truyền xuyên tạc, gây rối và đập phá tài sản của người dân trên địa bàn vào tháng 7/2015.
Đội Dân phòng xung kích bảo vệ ANTT biên giới của xã hiện có 30 đội viên, là những thanh niên tiêu biểu. Ngoài tham gia giải quyết, ngăn chặn những vụ việc gây mất ANTT, các thành viên Đội Dân phòng xung kích đã tăng cường vận động, nhắc nhở gia đình, người dân trong khu vực biên giới chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nâng cao ý thức cảnh giác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, tệ nạn xã hội và các hành vi xâm phạm an ninh quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND xã Bình Hòa Tây, huyện Mộc Hóa - Lê Hoàng Thiện cho biết: “Qua thời gian hoạt động đã khẳng định mô hình hiệu quả rất cao trong công tác bảo đảm ANTT biên giới, nhất là sự chủ động, kịp thời”.
Tại thị trấn Cần Giuộc, huyện Cần Giuộc, năm 2018, BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội, xây dựng phong trào huyện đã chọn khu phố 3, thị trấn Cần Giuộc để làm điểm xây dựng phong trào TDBVANTQ với mô hình Khu phố tự quản về ANTT gắn với camera an ninh. Mô hình này mang lại nhiều hiệu quả thiết thực, được nhân rộng trên toàn địa bàn thị trấn và tiếp tục được duy trì, nâng chất trong năm 2019 với tên gọi Khu phố tự quản về ANTT gắn với ánh sáng đô thị và camera an ninh. Năm 2019, BCĐ huyện chọn thị trấn Cần Giuộc để xây dựng mô hình điểm Quản lý, cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người nghiện ma túy và đẩy lùi ma túy trong cộng đồng dân cư.
“Từ khi triển khai đi vào thực hiện 2 mô hình trên đã góp phần nâng cao tinh thần cảnh giác, đấu tranh, phòng, chống tội phạm trong nhân dân, cơ quan, tổ chức. Công tác quản lý, cảm hóa, giáo dục đối tượng được quan tâm thực hiện hiệu quả với sự phối hợp chặt chẽ của các ngành, đoàn thể. Các ngành, đoàn thể đã nhận quản lý, cảm hóa, giáo dục nhiều người nghiện ma túy” - Trung tá Nguyễn Tấn Thuận - Đội trưởng Đội Xây dựng phong trào BVANTQ Công an huyện Cần Giuộc, cho biết.
Năm 2013, Liên đoàn Lao động tỉnh đã xây dựng Đề án số 01 về xây dựng tổ chức công nhân tự quản ở khu nhà tập thể, khu nhà trọ có đông công nhân, lao động lưu trú. Đề án ra đời, thực hiện được đông đảo chủ nhà trọ, công nhân và các cấp Công đoàn, chính quyền địa phương đồng tình cao. Đầu năm 2020, toàn tỉnh đã thành lập được 305 tổ công nhân tự quản tại các khu nhà trọ, đạt hơn 52% (chỉ tiêu đề ra trên 40%).
“Thông qua tổ công nhân tự quản ở khu nhà trọ, những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chế độ, chính sách lao động được phổ biến kịp thời, giúp chúng tôi dễ dàng nắm bắt, hiểu rõ, thực hiện” - công nhân Nguyễn Văn Hùng, ở trọ tại thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức, bày tỏ./.