Long An tăng cường phát hiện và điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV
Tăng cường phát hiện và điều trị ARV sớm cho người nhiễm HIV là giải pháp chủ chốt mà Long An tiếp tục duy trì và đẩy mạnh trong công tác phòng, chống HIV/AIDS những năm tiếp theo.
Thông tin tại sự kiện "Điều trị ARV là dự phòng" do Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh tỉnh Long An vừa tổ chức cho biết, thuốc ARV vừa có tác dụng khống chế nguồn lây HIV từ người đã nhiễm bệnh, vừa có tác dụng dự phòng lây nhiễm HIV cho những người có hành vi nguy cơ nhiễm HIV cao.
‘Điều trị ARV là dự phòng’ nhằm đưa ra hai thông điệp quan trọng:
Thứ nhất là K=K (Không phát hiện=Không lây truyền) nghĩa là người nhiễm HIV nếu tuân thủ điều trị ARV và đạt tải lượng HIV dưới ngưỡng, sẽ không không thể lây bệnh cho người khác qua quan hệ tình dục.
Thứ hai là "PrEP mỗi ngày 1 viên" - đây cũng là thuốc ARV điều trị dự phòng cho người chưa nhiễm HIV, đặc biệt đối với cộng đồng nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM).
Phát biểu tại sự kiện, ThS.BS Võ Hải Sơn,Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết: "Việt Nam đã trải qua hơn 30 năm đương đầu với đại dịch HIV/AIDS. Trong suốt hơn 30 năm qua, Việt Nam đã nỗ lực triển khai toàn diện, hiệu quả các giải pháp phòng chống HIV/AIDS từ giám sát dịch, tư vấn xét nghiệm HIV; các can thiệp, dự phòng, điều trị HIV/AIDS... Nhờ đó đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch HIV, giảm số người nhiễm mới hàng năm và số người tử vong do AIDS".
Để đạt được những thành quả đó, ngoài sự nỗ lực của Chính phủ, sự giúp sức của cộng đồng quốc tế, sự đóng góp của hệ thống y tế và sự tham gia của cộng đồng, còn nhờ vào việc Việt Nam sớm triển khai các sáng kiến và ứng dụng các tiến bộ, các khuyến cáo mới nhất của các tổ chức quốc tế.
Để tiếp tục giảm số người nhiễm mới HIV, và hướng đến mục tiêu 95-95-95 vào năm 2025, cần tăng cường, đẩy mạnh các biện pháp dự phòng cho người nguy cơ cao chưa nhiễm HIV, và giúp cho người nhiễm HIV không thể lây nhiễm HIV cho người khác… Đó cũng chính là thông điệp ‘Dự phòng là điều trị’ và ‘Điều trị là dự phòng’.
Tất cả các thông điệp này đều được các nhà khoa học khuyến cáo dựa trên những bằng chứng khoa học mạnh mẽ. Nếu trước đây người nhiễm HIV điều trị bằng thuốc kháng virus chủ yếu với mục đích để kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp, để bảo vệ hệ miễn dịch khỏe mạnh, giúp người nhiễm HIV sống khỏe mạnh và lâu dài, thì các bằng chứng khoa học gần đây được công bố khẳng định khi tải lượng virus ở mức thấp tới dưới ngưỡng phát hiện, còn không làm lây nhiễm HIV cho bạn tình qua đường tình dục.
Tương tự, nếu trước đây một người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ sử dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV bằng sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục hoặc sử dụng bơm kim tiêm sạch khi tiêm chích thì ngày nay thuốc kháng virus được sử dụng để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV.
Với những thông điệp này được phổ biến rộng rãi, thời gian qua Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả hết sức tích cực. Tỷ lệ người nhiễm HIV đạt tải lượng virus dưới ngưỡng ức chế đạt tới 96%. Như vậy có tới 96% người nhiễm HIV ở Việt Nam điều trị ARV không có khả năng làm lây truyền HIV cho bạn tình của mình. Số người chưa nhiễm HIV có hành vi nguy cơ cao sử dụng PrEP cũng tăng nhanh, Việt Nam khởi động thí điểm PrEP vào năm 2017 nhưng đến nay đã có tới gần 70.000 người sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV…
Do vậy, nếu các thông điệp này tiếp tục được phổ biến rộng rãi hơn nữa, sẽ góp phần giúp Việt Nam đạt được các mục tiêu 95-95-95 và tiến tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 như Chiến lược quốc gia đã đề ra, ThS.BS. Võ Hải Sơn cho biết.
Là người đã nhiều năm làm trong công tác phòng chống HIV/AIDS, Bà Lin C. Liu, Giám đốc Điều phối PEPFAR Việt Nam đã đánh giá cao việc Sở Y tế và CDC tỉnh Long An đã tổ chức chương trình ý nghĩa này với chủ đề "Điều trị là dự phòng". Là một trong hai nhà tài trợ chính cho chương trình ứng phó với HIV quốc gia của Việt Nam, PEPFAR đã đầu tư gần 900 triệu USD để hỗ trợ nhiều chương trình dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV trong 20 năm qua.
Các ưu tiên hàng đầu của chương trình PEPFAR hiện tại là hỗ trợ chương trình điều trị HIV quốc gia và mở rộng quy mô các dịch vụ PrEP tại 11 tỉnh nơi PEPFAR hoạt động. Những khu vực này chiếm hơn 50% gánh nặng HIV trên toàn quốc. Là một đối tác quan trọng, PEPFAR luôn cam kết trở thành người hỗ trợ đầy tự hào cho Chính phủ, cả trung ương và địa phương, cộng đồng và người dân nói chung hướng tới mục tiêu rất khả thi này.
Phát biểu chỉ đạo tại sự kiện, ThS.BSVõ Hải Sơn nhấn mạnh, cần chuyển tải mạnh mẽ các thông điệp sau đến cộng đồng:
Nhiễm HIV không phải là dấu chấm hết. Nếu người nhiễm HIV được xét nghiệm phát hiện sớm, được điều trị ARV sớm, tuân thủ điều trị, đạt tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện thì không chỉ sống khỏe mạnh lâu dài mà còn hoàn toàn không có khả năng làm lây nhiễm HIV cho người khác qua đường tình dục.
Người nhiễm HIV khi điều trị bằng thuốc ARV cần tuân thủ điều trị ARV theo đúng chỉ dẫn của thày thuốc để có được tải lượng HIV dưới ngưỡng phát hiện. Cần xét nghiệm tải lượng HIV định kỳ để biết tình trạng ‘tải lượng virus’ của mình.
Những người có hành vi nguy cơ cao hãy đến các cơ sở y tế để được tư vấn xét nghiệm HIV càng sớm càng tốt. Xét nghiệm HIV sớm là để bảo vệ chính bạn, gia đình và người thân của bạn. Đồng thời bạn sẽ được tư vấn và nếu phù hợp được điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV.
Tất cả mọi người, đặc biệt là cán bộ y tế, người thân, gia đình và cộng đồng không kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV; hãy hỗ trợ, giúp đỡ người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV tiếp cận đến các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS. Người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV cũng phải tự vươn lên, vượt qua khó khăn, rào cản, không tự kỳ thị chính mình.
Trong 5 năm gần đây, tình hình lây nhiễm HIV trên địa bàn tỉnh Long An đang gia tăng trở lại và tập trung chính trong nhóm quần thể nam quan hệ tình dục đồng giới, đặc biệt là nhóm sinh viên, học sinh và công nhân lao động tại các nhà máy, công ty, xí nghiệp thuộc các khu công nghiệp. Đây là một vấn đề sức khỏe nguy cơ đã tiềm ẩn từ lâu nhưng chúng ta chỉ mới đẩy mạnh can thiệp trong vài năm gần đây.
Từ năm 2018 đến nay, Long An là 1 trong 6 tỉnh, thành trên cả nước được Bộ Y tế quan tâm triển khai dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (Dự án EPIC) do CDC Hoa Kỳ tài trợ. Sự hỗ trợ này đã tạo điều kiện tốt cho Long An triển khai những giải pháp can thiệp phù hợp và đạt được kết quả bước đầu rất khả quan về mục tiêu 95-95-95 mà Chính phủ đã cam kết với quốc tế hướng tới đạt mục tiêu chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.
Mời độc giả xem thêm video: