Long An ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu nông nghiệp

Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 11 ngày 14-4-2021 của Tỉnh ủy Long An về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 – 2025, ngành nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả khả quan.

Theo đó, đối với cây lúa, ngành nông nghiệp đã phối hợp với Tập đoàn Lộc trời xây dựng vùng sản xuất lúa đạt chuẩn xuất khẩu đồng thời tiếp tục xây dựng mô hình điểm, mô hình nhân rộng ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, duy trì những kết quả đã triển khai giai đoạn 2016 -2020 trên địa bàn các huyện Đồng Tháp Mười.

Kết quả khả quan

Tính đến tháng 7-2023, diện tích sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao là 47.174,55 ha, đạt 78,6% so với kế hoạch.

Thông qua mô hình đã tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất như sử dụng giống xác nhận, giảm được lượng giống gieo sạ 10-20 kg/ha so với ngoài mô hình; sử dụng phân đạm chậm tan, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) đảm bảo thời gian cách ly theo tiêu chuẩn xuất khẩu (đặc biệt là tiêu chuẩn xuất khẩu Châu Âu) nên giảm được phân bón và thuốc BVTV; ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc BVTV nên không tiếp xúc trực tiếp với thuốc, giảm được 20-30% lượng thuốc BVTV so với cách phun thông thường, giúp bảo đảm sức khỏe người nông dân...

Cán bộ tín dụng Agribank tỉnh Long An thăm mô hình nuôi bò ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Cán bộ tín dụng Agribank tỉnh Long An thăm mô hình nuôi bò ở huyện Đức Hòa, tỉnh Long An

Đối với cây thanh long: Tiếp tục tập trung chỉ đạo xây dựng mô hình điểm, mô hình nhân rộng và duy trì kết quả của chương trình giai đoạn 2016-2020. Nội dung triển khai tập trung vào các nội dung như hỗ trợ hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ, sản phẩm sinh học cải tạo đất, sản phẩm sinh học đối kháng nấm bệnh,… ứng dụng công nghệ trong sản xuất (hệ thống tưới tiên tiến, đèn led) và các thiết bị phục vụ sản xuất (bút đo pH, bút đo độ mặn), hướng dẫn quy trình sản xuất thanh long theo hướng sạch,… đồng thời, tập trung các giải pháp quản lý sử dụng chỉ dẫn địa lý thanh long Châu Thành Long An.

Tính đến tháng 7-2023, có 4.945,43 ha thanh long ứng dụng tiến bộ trong sản xuất, đạt 82,42% kế hoạch đến năm 2025.

Nhìn chung, qua thực hiện mô hình đã giúp người dân từng bước thay đổi tập quán canh tác theo truyền thống, chuyển sang thực hiện sản xuất thanh long theo hướng sạch, cụ thể là sử dụng phân bón thuốc bảo vệ thực vật nằm trong danh mục cho phép, đúng lúc, đúng cách, mở sổ ghi chép lại quá trình sản xuất, vệ sinh vườn, tăng cường sử dụng phân hữu cơ, hạn chế sử dụng phân vô cơ, áp dụng công nghệ tưới nước kết hợp với tưới phân bón nhằm tiết kiệm lượng phân sử dụng.

Đối với bò thịt: Tiếp tục triển khai xây dựng mô hình điểm chăn nuôi bò thịt, hỗ trợ nông dân chuyển đổi bò giống, hỗ trợ gieo tinh nhân tạo các giống chất lượng cao cho 6.326 con bò cái sinh sản; trang bị cơ giới hóa và bình ni tơ, hỗ trợ vắc-xin, tổ chức lớp đào tạo dẫn tinh viên và các lớp tập kỹ thuật với sự tham gia của 307 người.

Nhìn chung, thông qua việc triển khai chương trình đã có sự chuyển biến rõ rệt đối với bà con chăn nuôi trong vùng, đặc biệt chủ động được nguồn bò giống, nâng cao giá trị đàn bê, làm chủ được kỹ thuật trên phần mềm mà đơn vị tư vấn hướng dẫn, chuyển giao về kỹ thuật ủ chua thức ăn để dự trữ, làm đá khoáng, xử lý chất thải đặc biệt là xử lý phân gia súc bảo đảm an toàn sinh học và vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc ứng dụng công nghệ giống đã làm tăng năng suất (trọng lượng) lên khoảng 30% và giảm khoảng cách 2 lứa đẻ.

Tỉnh đã hỗ trợ 2 doanh nghiệp cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, toàn tỉnh có 6 doanh nghiệp được công nhận là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Các huyện tập trung thực hiện các chính sách hỗ trợ đối với các HTX, tổ hợp tác, doanh nghiệp. Đã xây dựng 6 chuỗi cung ứng nông lâm thủy sản gắn với truy suất nguồn gốc. Lũy kế đến nay, đã xây dựng được 28 chuỗi rau, thanh long, chanh, gạo, thịt gà, thịt heo, bò và thủy sản; hỗ trợ 2.061.000 tem truy xuất nguồn gốc; phối hợp Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM khảo sát, xây dựng và trao 10 giấy chứng nhận đủ điều kiện tham gia chuỗi (thịt gà, trứng gà, thịt bò, nước mắm, rau, chuối).

Tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ các HTX áp dụng VietGAP nhằm đáp ứng yêu cầu thị trường và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nâng cao nhận thức về kinh tế tập thể, hợp tác xã

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm trong giai đoạn 2023-2025: Tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Đề án thực hiện chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với tái cơ cấu Ngành nông nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng phù hợp với tình hình thực tế.

Tập trung triển khai, hướng dẫn các doanh nghiệp, HTX các quy định, rào cản kỹ thuật của các thị trường xuất khẩu, quy trình sơ chế, chế biến, bảo quản nông sản bảo đảm an toàn thực phẩm... nhằm đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản; triển khai quản lý, giám sát mã số vùng trồng, mã kho đóng gói.

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Đức Hòa tham quan mô hình điểm xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An

Lãnh đạo Agribank Chi nhánh Đức Hòa tham quan mô hình điểm xây dựng vùng chăn nuôi bò thịt tập trung ứng dụng công nghệ cao tỉnh Long An

Tiếp tục xây dựng hoàn chỉnh các mô hình, mô hình điểm trong ứng dụng công nghệ cao, duy trì và nhân rộng sản xuất theo lộ trình; tiếp tục củng cố các HTX, tổ hợp tác, phấn đấu đến năm 2025 củng cố 110 HTX hiện có, thành lập mới 26 HTX và 263 tổ hợp tác.

Triển khai xây dựng mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, mô hình giảm lượng phân bón vô cơ trong sản xuất,...

Tập trung đào tạo nâng cao trình độ quản lý về công nghệ sinh học, công nghệ thông tin,… cho đội ngũ cán bộ ngành nông nghiệp; nâng cao năng lực, nhận thức cho cán bộ, công chức các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội về kinh tế tập thể, HTX…

TÂM QUÂN

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/dong-bang-ket-noi/long-an-ung-dung-cong-nghe-cao-gan-voi-tai-co-cau-nong-nghiep-20230914081706982.htm