Lồng bè giăng kín mặt nước, tàu nát chắn lối vào ra cảng Cái Rồng
Hiện cảng Cái Rồng, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) đang tồn tại nhiều bất cập gây khó khăn cho phương tiện neo đậu, làm mất ATGT đường thủy.
Một chiếc tàu xi măng "neo chết" ngay luồng vào cảng Cái Rồng
Lồng bè giăng kín mặt nước
Cảng Cái Rồng là một trong những đầu mối quan trọng kết nối hệ thống giao thông thủy từ đất liền với các tuyến đảo thuộc huyện Vân Đồn, Cô Tô của tỉnh Quảng Ninh, nên lượng phương tiện thủy ra, vào rất đông. Nhưng thời gian qua, nhiều chủ phương tiện tàu, thuyền thường xuyên ra, vào và neo, đậu tại cảng Cái Rồng đều lo ngại, bức xúc về về tình trạng vùng mặt nước cảng bị lấn chiếm tùy tiện, gây mất ATGT.
Ghi nhận của PV Báo Giao thông, khu vực mặt nước cảng Cái Rồng có rất nhiều lồng bè nuôi trồng thủy sản, khiến tàu, thuyền rất khó đi lại, đặc biệt là khi cần neo, đậu để tránh trú mưa bão.
Ông Đặng Ngọc Thiết, đại diện Công ty TNHH Vận tải Ka Long – doanh nghiệp được giao quản lý, khai thác cảng Cái Rồng xác nhận, hiện có tới 34 hộ sử dụng lồng bè nuôi, trồng thủy sản trong vùng nước cảng.
"Việc này không chỉ gây trở ngại cho công tác quản lý, đảm bảo ATGT đường thủy nội địa mà còn gây ô nhiễm môi trường do mọi chất thải sinh hoạt trên bè cơ bản đều thải trực tiếp xuống mặt nước", ông Thiết nói.
Hàng chục lồng nuôi trồng thủy sản ngang nhiên neo đậu trong vùng mặt nước cảng Cái Rồng.
Tàu cũ nát chắn lối vào cảng
Ngạc nhiên hơn là sự tồn tại của ba tàu xi măng tải trọng lớn, cũ nát đỗ chắn ngay ở luồng vào cảng Cái Rồng nhiều năm nay. Lên một chiếc tàu xi măng to nhất, đậu chiếm luồng nhiều nhất, PV Báo Giao thông chỉ thấy mấy bộ quần áo cũ phơi ở dây và một con chó rất dữ dằn liên tục sủa.
Theo những ngư dân sinh sống quanh đây, trên mấy chiếc tàu cũ nát này có vài người sinh sống, thường đêm muộn họ mới về tàu để ngủ. Hiện không ai biết chủ nhân thực sự của những chiếc tàu này.
Ông Nguyễn Văn Đức, thuyền trưởng một tàu vận tải khách du lịch tuyến Vân Đồn – Cô Tô cho hay: "Ngày thủy triều xuống thấp thì tàu của tôi phải lựa mới có thể lọt qua luồng vào cảng đã bị mấy tàu cũ nát chắn. Sao không sớm di chuyển mấy chiếc tàu này đi nơi khác để tạo thuận lợi cho phương tiện vào, ra cảng?"
Những chiếc tàu xi măng cũ nát nằm chềnh ềnh chắn ngang luồng vào cảng Cái Rồng nhiều năm nay
Tránh nhiệm... "đá" vòng quanh?
Liên quan đến vấn đề trên, ông Đào Văn Vũ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Vân Đồn cho biết: Việc tồn tại của các bè nuôi hải sản tại khu vực mặt nước cảng do trước đây được cơ quan chức năng cấp phép. Tuy nhiên, hiện nay, các hộ không còn nuôi trồng nữa. Sở dĩ họ vẫn còn neo đậu trong mặt nước cảng là đang chờ có chính sách hỗ trợ để di chuyển đi nơi khác.
Đối với những tàu xi măng đậu ở luồng vào cảng, ông Vũ cho hay đây là trách nhiệm của Công ty TNHH Vận tải Ka Long do khu vực này đã được giao cho doanh nghiệp.
"UBND huyện cũng đã nhiều lần chỉ đạo có biện pháp di dời các tàu này", ông Vũ nói.
Các loại phương tiện đỗ lộn xộn trong cảng Cái Rồng trước sự "bất lực" của cơ quan quản lý
Tuy nhiên, Công ty TNHH Vận tải Ka Long - đơn vị được giao quản lý, vận hàng hệ thống cảng tại Cô Tô, Vân Đồn với hàng ngàn lượt phương tiện thường xuyên neo đậu lại cho hay: Hệ thống cảng thủy nội địa huyện Vân Đồn và Cô Tô cơ bản là cảng tổng hợp vừa phục vụ cho hành khách vừa phục vụ các hoạt động dân sinh được xây dựng đầu tư đã lâu, nên đã xuống cấp, quá tải trầm trọng.
"Kể từ khi được UBND tỉnh giao quản lý, Công ty đã bỏ ra gần 20 tỷ đồng để đầu tư vào cơ sở hạ tầng cảng nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu bởi lượng phương tiện đổ về tăng nhanh cả về số lượng chất lượng và qui mô tải trọng", Ông Đặng Ngọc Thiết, đại diện Công ty TNHH Vận tải Ka Kong cho biết.
Hạ tầng mặt cảng Cái Rồng nhỏ hẹp, xuống cấp nghiêm trọng.
Theo ông Thiết, Công ty Ka Long đã có các văn bản báo cáo những bất cập và xin đề xuất được đầu tư nâng cấp cảng Cái Rồng từ cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được phê duyệt để triển khai.
Ông Thiết cũng cho rằng, để bảo đảm ATGT tại cảng, UBND huyện Vân Đồn cần hỗ trợ di dời các nhà hàng nổi, bè nổi, các cơ sở sửa chữa tàu, vận chuyển hải sản… đang hoạt động không phép ra khỏi vùng nước cảng. Đặc biệt di dời các tàu cá tuyến khơi hiện neo đậu không đúng vị trí quy định làm cản trở, lấn chiếm luồng tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT.
"Lộn xộn như thế này vừa gây khó cho công tác quản lý vừa cản trở công tác đảm bảo an toàn, nhất là khi có sự cố xảy ra sẽ không thể đảm bảo được việc cứu hộ, cứu nạn", ông Thiết cho hay.