Long Biên tiên phong 'một cửa' không giấy, vì lợi ích thực chất cho người dân
Thực hiện chủ trương của TP, UBND quận Long Biên đã sớm triển khai đồng bộ Bộ phận 'một cửa' hiện đại từ quận đến 14 phường, đặc biệt mạnh dạn đột phá, tiên phong đổi mới nhiều tiêu chí thông qua chuyển đổi số, nhằm mang tới lợi ích thực chất cho người dân và tiết kiệm ngân sách.
Số hóa một lần, sử dụng mãi mãi
Cuối chiều làm việc, sắp hết giờ giao dịch hành chính, Bộ phận “một cửa” UBND quận Long Biên vẫn khá đông người dân giải quyết thủ tục hành chính (TTHC), được công chức hướng dẫn tận tình. Anh Nguyễn Trọng Tiến đang làm chuyển đổi địa điểm kinh doanh (tại phố Nguyễn Văn Cừ, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên), chia sẻ: “tôi thường đến giải quyết giấy tờ, luôn được phục vụ niềm nở. Nhất là Bộ phận “một cửa” ứng dụng các phương thức chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, tạo nhiều thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp”.
Nhằm đáp ứng xu thế chuyển đổi số trong giải quyết TTHC, với phương châm đưa vào giải pháp công nghệ thì phải chứng minh được hiệu quả và lợi ích thực chất cho người dân, nên trong quá trình triển khai quyết định của TP về mô hình Bộ phận “một cửa” hiện đại các cấp, Văn phòng HĐND&UBND quận đã tham mưu cải tiến 6 trong số 42 tiêu chí của mô hình theo hướng hiện đại, tiết kiệm ngân sách, hiệu quả, sát thực tế.
Nổi bật là cải tiến thay thế hệ thống máy xếp hàng, lấy số tự động bằng hệ thống thẻ từ. Nhận thấy đầu tư máy lấy số này đạt công suất sử dụng thấp (mỗi ngày ở “một cửa” quận chỉ khoảng 200 lượt và phường hơn 10 lượt người đến giao dịch), UBND quận quyết định chuyển sang đầu tư hệ thống thẻ từ kết nối bàn điều khiển thứ tự thông qua sóng radio, sạc điện tại chỗ. Thiết bị rung gọi công dân có 1 chân cắm với bộ phát điều khiển trung tâm có nút bấm, gồm sạc cho bộ điều khiển trung tâm và 20 thẻ rung; bộ điều khiển cho kết nối tối đa 99 thẻ.
So với máy lấy số tự động, loại thẻ này vẫn bảo đảm thứ tự và sự ưu tiên cho công dân khi đến giao dịch, lại không đòi hỏi bảo trì hàng năm, không yêu cầu phần mềm và kết nối internet hoặc điều kiện kết nối phức tạp; không tiêu hao vật tư phụ liệu; không xả giấy, nên tiết kiệm công sức vệ sinh trụ sở; không phát tiếng ồn do gọi loa trên hệ thống... Thẻ tiêu thụ rất ít điện năng, nhỏ gọn, trong khi bán kính hoạt động lớn, hỗ trợ công dân không phải ngồi liên tục chờ gọi loa, lại có tần suất tái sử dụng lớn, nhiều lựa chọn mua sản phẩm, dễ thay linh kiện... Đặc biệt, đầu tư cả hệ thống thẻ từ cho Bộ phận “một cửa” từ quận đến 14 phường tốn chưa tới 40 triệu đồng, trong khi hệ thống cũ đầu tư gần 2 tỷ đồng, phí bảo trì 200-300 triệu đồng/năm.
Trong việc công khai TTHC, với 346 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của quận và 191 TTHC thẩm quyền UBND các phường, Văn phòng HĐND&UBND quận đã tổ chức biên tập lại các tài liệu, văn bản của TP rồi số hóa, chia sẻ dữ liệu lên hệ thống quận, phường. Người dân chỉ dùng điện thoại quét mã là vào thẳng TTHC cũng như văn bản QPPL cần tra cứu. Chính nhờ “số hóa một lần, sử dụng mãi mãi” đã tiết giảm in ấn hàng trăm nghìn trang tài liệu giấy và thời gian làm việc của hàng chục cán bộ lãnh đạo, công chức cơ sở.
Thứ ba, UBND quận cải tiến phương thức đánh giá sự hài lòng về giải quyết TTHC bằng cách áp dụng sáng kiến trong mã hóa biểu mẫu đánh giá, lấy ý kiến của công dân, tổ chức. Văn phòng HĐND&UBND quận đã chia sẻ dữ liệu lên hệ thống dùng chung, giúp tổ chức, cá nhân có thể nhập số điện thoại để thực hiện đánh giá mọi nơi mọi lúc hiệu quả, khách quan (cán bộ không làm thay được), lại tiết kiệm ngân sách hàng trăm triệu đồng. Nửa đầu năm nay, quận tiếp nhận hơn 1.700 ý kiến đánh giá đối với Bộ phận “một cửa” quận và 14 phường, với hơn 30.000 lượt tiêu chí đánh giá.
Cùng đó, UBND quận vận hành thí điểm hệ thống nhận diện khuôn mặt phục vụ tiếp nhận, trả kết quả giải quyết TTHC 24/7 trên nền tảng dữ liệu dân cư quốc gia theo Đề án 06/CP. Bằng camera AI có thể nhận diện khuôn mặt, người dân không cần tiếp xúc cán bộ giải quyết, mà từ lần đầu đến Bộ phận “một cửa” quận đã được bảo vệ đề nghị quét căn cước công dân lên máy đọc, qua đó mọi dữ liệu được chuyển về trung tâm dữ liệu và tích hợp trên hệ thống của quận nhằm tái sử dụng, các lần sau không cần xuất trình giấy tờ. Đây cũng là nguồn dữ liệu rất tốt răn đe đối tượng cò mồi dịch vụ giải quyết TTHC. Hiện toàn bộ TTHC quận, phường đã bỏ căn cước công dân khỏi thành phần hồ sơ.
Song song đó, UBND quận triển khai hiệu quả ứng dụng thanh toán trên môi trường điện tử, theo đó hạ tầng thiết bị CNTT Bộ phận “một cửa” được trang bị đồng bộ, nhiều cải tiến từ mô hình chuẩn của TP để nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) toàn trình theo triển khai chung của TP. UBND quận triển khai hệ thống mã QR động cho việc thanh toán trực tuyến, tích hợp với hệ thống giải quyết TTHC của TP, sử dụng biên lai điện tử tại Bộ phận “một cửa” 14 phường; phối hợp chặt chẽ với UBND các phường hướng dẫn người dân nộp hồ sơ trực tuyến thông qua ứng dụng VNEID và kết hợp thanh toán phí, lệ phí trực tuyến.
Cũng nhằm tạo đột phá nâng cao tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT, UBND quận triển khai 11 mô hình “phường số” theo kế hoạch của TP và chủ động thí điểm “công dân số” tại phường Giang Biên, thông qua các chiến dịch cao điểm vận động người dân kích hoạt tài khoản DVC quốc gia, Hà Nội và thực hiện TTHC trực tuyến tại nhà. Chỉ sau 1 tháng triển khai quyết liệt, tỷ lệ người dân sử dụng DVCTT tại phường này đã từ top cuối lên dẫn đầu quận với tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến 78%, thanh toán trực tuyến 58%.
Nhân rộng những mô hình mới hiệu quả
Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND, Trưởng Bộ phận “một cửa” quận Long Biên Bùi Dương chia sẻ, hơn 1 năm tiên phong cải tiến các tiêu chí mô hình “một cửa” hiện đại, thực tế tại quận đã chứng minh rõ tính đúng đắn bằng những con số cụ thể, với tỷ lệ người dân hài lòng về sự phục vụ của chính quyền quận, phường ngày càng tăng. Tiếp tục nghiên cứu những mô hình mới, phương thức phù hợp hoạt động của đơn vị và sát thực tế, từ đầu năm đến nay UBND quận đã lựa chọn triển khai một số ứng dụng chuyển đổi số trong giao dịch hành chính thực sự hiệu quả.
Đáng chú ý, cuối tháng 8 này, UBND quận sẽ vận hành “kios trả kết quả giải quyết TTHC 24/7”. Chính từ tận dụng những dữ liệu đã được số hóa và đẩy lên một cấp độ, mô hình giúp công dân đến nhận kết quả giải quyết TTHC không phụ thuộc giờ hành chính như hiện nay Bộ phận “một cửa” chỉ đến 11h30' và 16h30' đã hết giờ giải quyết TTHC, trong khi rất nhiều người dân phải hết giờ làm việc mới về đây giao dịch được.
UBND quận sẽ bố trí ngoài hàng rào Bộ phận “một cửa” hệ thống kios có trang bị camera nhận diện khuôn mặt kết hợp trích xuất dữ liệu AI theo dữ liệu Đề án dân cư quốc gia. Khi camera nhận ra đúng người đã đến làm TTHC đó, công dân ấn lệnh “cần lấy kết quả” thì hệ thống thông báo kết quả hồ sơ đang nằm ở ô tủ số mấy, mở tủ cho công dân lấy. Bất kỳ lúc nào, kể cả ban đêm, người dân đều có thể đến bên ngoài trụ sở Bộ phận “một cửa” quận để lấy kết quả giải quyết hồ sơ đã được để sẵn.
“Đây là giải pháp đột phá mang tính thay đổi phương thức giải quyết TTHC, sẽ giảm tải số lượng rất lớn công dân tập trung ở Bộ phận “một cửa”, tránh những bức xúc. Mô hình sẽ được thí điểm ở cấp quận, nhằm tạo thuận lợi tối đa cho người dân, không bó hẹp mà có thể chủ động thời gian, sắp xếp công việc phù hợp để đến lấy kết quả giải quyết TTHC bất kỳ lúc nào. Thử nghiệm một thời gian nếu thành công ở cấp quận, chúng tôi sẽ nghiên cứu nhân rộng mô hình ra các phường. Mức đầu tư chỉ khoảng 20-30 triệu đồng, UBND quận cũng như các phường sẽ chủ động kinh phí bằng cách kêu gọi xã hội hóa, chứ không chờ ngân sách nhà nước”- ông Bùi Dương khẳng định.