Long Cốc chuyển mình
PTĐT - Trên chặng đường xây dựng nông thôn mới, xã Long Cốc, huyện Tân Sơn đã gặp không ít khó khăn để đạt được các tiêu chí. Dù xuất phát điểm thấp nhưng Long Cốc đang dần khai thác những lợi thế sẵn có và tạo ra đột phá hứa hẹn trong tương lai về một xã nông thôn mới vùng cao.
Chúng tôi về Long Cốc vào một ngày cuối tháng 7, nắng vàng óng trải rộng khắp mọi nẻo đường. Đã nhiều lần dong xe trên mảnh đất này, nhưng chúng tôi vẫn không thể rời mắt khỏi những đồi chè trải dài, xanh mướt nhấp nhô nối tiếp nhau đến tận chân trời.
Là một xã thuần nông có trên 800 hộ dân với hơn 90% là đồng bào dân tộc thiểu số. Bắt đầu xây dựng nông thôn mới năm 2010, Long Cốc không có những lợi thế phát triển kinh tế như các xã trong huyện, cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm của xã hầu như còn tạm bợ, chưa được đầu tư đồng bộ… Bên cạnh đó, do thu nhập thấp, nên đóng góp của người dân theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” không đáng là bao. Nhưng bằng sự hỗ trợ từ các nguồn vốn của Đảng và Nhà nước, sự quyết tâm của người dân đã khiến Long Cốc hôm nay có “sự chuyển mình” mạnh mẽ. Đến nay, Long Cốc đã hoàn thành 11/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, diện mạo các khu đã có nhiều khởi sắc; kết cấu hạ tầng nông thôn, thủy lợi, trường học, trạm y tế xã… được quan tâm từng bước đáp ứng nhu cầu phục vụ dân sinh. Hiệu ứng tích cực của xây dựng nông thôn mới diễn ra từ “cú hích” của việc Long Cốc trở thành một điểm phát triển du lịch sinh thái của tỉnh trong thời gian gần đây. Các vùng sản xuất chè được áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng, chăm sóc và sản xuất chè theo hướng sạch và an toàn. Thu nhập của người dân ngày càng được nâng lên, giá trị thương hiệu chè Long Cốc đang từng bước khẳng định vị trí của mình trên thị trường.Người dân Long Cốc chia sẻ rằng, chẳng ai có thể tin nổi vùng đất trước kia chỉ có núi và chè nay có thể trở thành điểm đến tham quan của nhiều đoàn học sinh, du khách vào dịp lễ, ngày cuối tuần. Dẫn chúng tôi qua những nương chè đạt tiêu chuẩn VietGAP ở khu Măng 2, bà Phạm Thị Hạnh, Giám đốc HTX sản xuất chè an toàn xã Long Cốc cho biết: Hiện nay chè an toàn Long Cốc đáp ứng đầy đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật và chế biến chè an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với các sản phẩm chè đặc sản đa dạng như Bát Tiên, Phúc Vân Tiên, chè Shan tuyết... Đến Long Cốc du khách không chỉ được tận mắt chiêm ngưỡng và trải nghiệm với những “ốc đảo” chè - nơi được ví như “Vịnh Hạ Long trên cạn” vùng Đất Tổ mà còn được thưởng thức những đặc sản ẩm thực đặc trưng miền Trung du. Vài năm trở lại đây, bên cạnh giá trị sản lượng hơn 8.000 tấn chè/năm đảm bảo ổn định đời sống người dân, cây chè ở Long Cốc đang dần hòa mình vào “ngành công nghiệp không khói” để mang lại giá trị lớn hơn cho địa phương. Theo lãnh đạo xã nhận định, việc phát triển du lịch sinh thái ở xã cũng đang góp phần khơi dậy những tiềm năng phát triển du lịch ở các địa phương khác trong huyện. Ngoài việc tập trung vào phát triển cây trồng mũi nhọn, lãnh đạo và chính quyền xã còn khuyến khích phát triển các mô hình chăn nuôi trang trại như mô hình nuôi gà sạch thả vườn của anh Hà Văn Thi ở khu Bông 3 với thu nhập 100 triệu đồng/năm; mô hình trang trại tổng hợp của ông Hà Văn Quý ở khu Cạn cho thu nhập 200 triệu đồng/năm,…
Đi trên con đường bê tông rộng thênh thang uốn mình bên những đồi chè xanh yên bình và thơ mộng, chúng tôi thực sự vui mừng với những đổi thay nơi đây. 100% đường trục chính, giao thông liên xã được nhựa hóa, bê tông hóa; các đoạn đường ngõ, xóm được cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa, thuận tiện cho trẻ đến trường và người dân đi lại. Từ ngân sách địa phương, ngân sách Nhà nước hỗ trợ và nhân dân đóng góp, xã đã xây dựng mới và mở rộng thêm được 5 tuyến đường dài hơn 1km ở 5 khu dân cư với tổng mức đầu tư xây dựng gần 7,5 tỷ đồng. Kết hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, chính quyền và lãnh đạo địa phương đã linh hoạt lồng ghép các chương trình, dự án như: 30a, chương trình 135 vào xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, hỗ trợ phát triển sản xuất. Hoàn thiện hệ thống công trình thủy lợi nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất nông nghiệp, nâng cấp mới 1 đập thủy lợi và 1km kênh mương dẫn nước, thường xuyên tu sửa các kênh mương cũ đảm bảo công tác tưới tiêu cho nhân dân.Song song với đầu tư cơ sở vật chất, hỗ trợ sản xuất, việc thực hiện các tiêu chí về văn hóa, xã hội và môi trường cũng được xã quan tâm chỉ đạo thực hiện. Năm 2018, xã đã xây dựng mới công trình nhà lớp học trường tiểu học và một nhà điều hành trường mầm non. Duy trì tốt công tác phổ cập, nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học; chất lượng chuẩn y tế xã, công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân được bảo đảm. Nhân dân các khu tích cực tham gia phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”… Tuy nhiên, Long Cốc vẫn còn nhiều khó khăn khi tỷ lệ hộ nghèo đến nay vẫn chiếm trên 12%; thu nhập bình quân đầu người mới đạt 25 triệu đồng/năm; lao động làm việc trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp chiếm tỷ lệ cao; hình thức phát triển kinh tế sản xuất quy mô nhỏ, phân tán; hệ thống hạ tầng sản xuất nông nghiệp dù đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.Chủ tịch UBND xã Hà Ngọc Chất cho biết: Thời gian tới xã sẽ tiếp tục tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát huy thế mạnh sẵn có ở địa phương nhằm tăng thu nhập cho nhân dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 10%. Đồng thời, tích cực đẩy mạnh tuyên truyền vệ sinh môi trường khu dân cư, di dời chuồng trại bất hợp lý, mất vệ sinh và xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông... phấn đấu năm 2019, xã sẽ đạt thêm 4 tiêu chí về giao thông nội đồng, nhà ở dân cư, hộ nghèo, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật. Long Cốc sẽ sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất, tích cực vận động người dân tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/201908/long-coc-chuyen-minh-166020