Lòng dân, sức dân là thành lũy vững bền

Ngày 16/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm có bài viết 'Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, yêu cầu cấp bách của giai đoạn cách mạng mới'.

Bài viết có đoạn nhấn mạnh, trong giai đoạn mới cần tăng cường hơn nữa vai trò của nhân dân, thực hiện dân chủ, tăng cường đồng thuận xã hội, giám sát và phản biện xã hội: “Hệ thống chính trị, nòng cốt là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân được xây dựng, hoàn thiện, khẳng định vai trò quản lý, điều hành mọi hoạt động của đời sống xã hội... Các tổ chức chính trị - xã hội đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các giai cấp, tầng lớp nhân dân; đoàn kết, tập hợp, tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng”.

Lịch sử nước ta từ các triều đại Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời đất nước độc lập, là lịch sử do chính nhân dân là người làm nên, là người quyết định. Một dân tộc từng tự hào về Hào khí Đông A, ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, dân tộc ấy không dễ bị khuất phục. Một đất nước từng chìm đắm trong đêm dài phong kiến, dưới ách áp bức của thực dân, đế quốc, trở thành đất nước tự do, độc lập, bởi có lòng dân, sức dân là thành lũy bền vững qua mọi thời đại.

Trải qua các thời kỳ lịch sử, trên đất nước ta, mỗi địa danh lịch sử đều gắn với biết bao xương máu hi sinh và những chiến công vô cùng kỳ vĩ. Mỗi chiến công lại gắn với những con người dũng cảm, bình dị. Họ có tên chung là Nhân dân. Nhân dân là những bà bủ, bà bầm tiễn con ra trận, là những người vợ trẻ nhớ chồng “góp cho đất nước những hòn Vọng phu”. Và rồi những người con ấy đi xa không bao giờ quên ơn mẹ “Con với má không phải hòn máu cắt/Nhưng trọn đời con nhớ mãi ơn nuôi”.

Lòng dân, sức dân là nguồn cội mọi chiến thắng. Được lòng dân thì được tất cả, mất lòng dân thì đất nước lâm nguy. Khi chiến tranh tất cả dồn sức cho đánh giặc. Khi hòa bình thì phải “khoan thư sức dân”. Người xưa từng nói “chúng chí thành thành”, nghĩa là ý chí của quần chúng làm nên bức thành kiên cố. Qua việc ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3-Yagi và lũ lụt hoành hành ở các tỉnh đồng bằng Bắc bộ và Tây bắc vừa qua, một lần nữa minh chứng cho lòng yêu nước, lòng nhân ái, “thương người như thể thương thân của người dân đất Việt. Chúng ta đã thắng thiên tai bằng tình yêu thương con người vô bờ bến, biến sức mạnh tinh thần thành sức mạnh vật chất to lớn.

Nhìn lại lịch sử, thời nhà Hồ (1400-1407) chỉ tồn tại bảy năm, mặc dù Hồ Quý Ly thực hiện cải cách theo hướng “phú quốc cường binh”. Ông rất coi trọng tổ chức lại quân đội, mở xưởng rèn đúc vũ khí, đóng tàu thuyền, xây đắp hệ thống thành lũy, củng cố các nơi hiểm yếu để phòng thủ đất nước. Thế nhưng, do chỗ những cải cách ấy không thật sự xuất phát từ lợi ích thiết thân của mọi tầng lớp nhân dân, không được dân ủng hộ, cho nên khi giặc phương Bắc tràn tới, đã thất bại nhanh chóng. Vậy là thành lũy bằng sắt đá không thay thế được thành lũy lòng dân.

Nay chúng ta hướng tới mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, trong đó ưu tiên trước hết vẫn là làm sao để người dân no ấm. Đảng ta đã xác định những mục tiêu cụ thể: Đến năm 2025, Việt Nam là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp (GDP bình quân đầu người ước đạt 4.700-5.000 USD/năm). Đến năm 2030, là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao (GDP bình quân đầu người ước đạt khoảng 7.500 USD/năm). Đến năm 2045, trở thành nước phát triển, thu nhập cao (GDP bình quân đầu người phải đạt trên 12.535 USD/năm). Các mục tiêu ấy không phải là trạng thái lý tưởng mà là trạng thái khả dĩ nhất có thể thực hiện được trong từng giai đoạn, trên cơ sở tính toán kỹ lưỡng các điều kiện cho phép. Cùng với quan điểm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, “dân thụ hưởng” là một trong những điểm mới trong chủ trương của Đảng.

Khi Nhà nước thật sự là của dân thì sẽ thu hẹp khoảng cách giữa lời nói và việc làm trong đội ngũ cán bộ, công chức. Sẽ không còn chỗ cho những người nói theo, nói dựa, nói những điều trống rỗng chẳng ích gì cho công việc của dân. Sẽ không còn chỗ cho những người miệng luôn nói vì lợi ích chung mà lại nặng lợi ích nhóm, sa vào vòng xoáy quyền lực, tham lam, nhũng nhiễu, quen thói hành dân.

Trong một thế giới toàn cầu hóa, chúng ta hội nhập ngày càng sâu rộng, vươn tới cái lớn lao của loài người bắt đầu từ việc tham khảo, học hỏi bạn bè để ít tốn kém và mau đến đích. Một nước nhiều năm là quốc gia hạnh phúc như Phần Lan thì cũng không nhất thiết là xã hội mà người dân luôn sống trong cảm xúc ngập tràn. Hạnh phúc, đơn giản là hài lòng với cuộc sống mà mình đang có.

Chúng ta cũng thấy rõ một điều, những thời khắc u ám, những tiêu cực trong xã hội là một phần tất yếu của cuộc sống, hãy chấp nhận và đấu tranh để loại trừ. Tôn trọng quy luật, chấp nhận mâu thuẫn và hóa giải mâu thuẫn phải chăng chính là một trong những bí quyết để có cuộc sống hạnh phúc? Và khi ấy, yêu đất nước, yêu nhân dân tuy hai mà một. Tình yêu ấy đối với người Việt Nam tự nhiên như ánh nắng, khí trời. Nó khởi đầu từ nguồn mạch Âu Cơ, trải dài suốt mấy nghìn năm lịch sử. Các thế hệ con Rồng cháu Tiên ngày nay lên rừng xuống bể, theo cách của thế hệ công dân toàn cầu. Tầm vóc mỗi ngày mỗi cao, tài trí mỗi thời mỗi lớn, cố kết làm ăn, sinh cơ lập nghiệp, tạo nên “thế trận lòng dân” thời đại mới, tạo nên cơ đồ đất nước hôm nay.

Điều này Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định vai trò quan trọng của vấn đề xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc. Vị trí “thế trận lòng dân” được đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ với thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân.

Nhiệm vụ trước mắt rất to lớn và nặng nề. Bài học phát huy sức mạnh lòng dân, nắm bắt, tạo dựng và chớp thời cơ sẽ giúp chúng ta vững tin và chiến thắng. Tiếp tục đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị toàn diện, trong sạch, vững mạnh thật sự của Dân, do Dân, vì Dân. Tiếp tục đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Đó cũng là nguyện vọng, là ý chí của Nhân Dân.

Hải Đường

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/long-dan-suc-dan-la-thanh-luy-vung-ben-717640.html