Lòng dân Trung Sơn với cách mạng
Sức mạnh của lòng dân và tinh thần đoàn kết của Nhân dân xã Trung Sơn đã góp phần làm nên thắng lợi của Cách mạng Tháng 8/1945 trên địa bàn xã và huyện Gio Linh. Phát huy tinh thần đó, ngày nay xã Trung Sơn đạt được nhiều kết quả trong công cuộc xây dựng, phát triển quê hương.
Những ngày này, trên các đường thôn, ngõ xóm của xã Trung Sơn rộn ràng, nô nức cờ hoa chào đón ngày độc lập của dân tộc. Cách đây 79 năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Việt Minh, người dân xã Trung Sơn đẩy mạnh khai hoang ruộng đất, tích cực hưởng ứng “ngày đồng tâm”, “hũ gạo tiết kiệm” để giúp đỡ phong trào cách mạng đang còn non trẻ. Chính quyền xã vận động người dân các làng tự nguyện đóng góp tiền, lúa, gạo giúp đỡ cách mạng.
Chủ tịch UBND xã Trung Sơn Trần Văn Cường cho biết, mở đầu phong trào ý nghĩa này là gia đình ông Nguyễn Quốc Đán ở thôn Bến Hải ủng hộ 50 thùng lúa.
Theo gương ông Đán, các ông Nguyễn Quốc Sách, Nguyễn Ốm (thôn Bến Hải), Nguyễn Quốc Thi, Nguyễn Quốc Vịnh (thôn Kinh Môn) mỗi nhà tự nguyện ủng hộ từ 20 đến 30 thùng lúa. Khó có thể kể hết sự đóng góp quý giá về sức người, sức của mà người dân dành cho cách mạng.
Sự đồng lòng, đồng sức ấy đã góp phần làm cho phong trào cách mạng ở Trung Sơn sau tháng 8/1945 phát triển mạnh mẽ, cùng với phong trào cách mạng của các xã khác ở huyện Gio Linh liên tiếp giành được những thành quả quan trọng.
Ông Nguyễn Chúng năm nay ngoài 90 tuổi, ở thôn Bến Hải, là cháu nội của ông Nguyễn Ốm, người có nhiều đóng góp tiền của cho cách mạng năm 1945. Ông Chúng tự hào khi được lớn lên trong gia đình có truyền thống yêu nước, cách mạng.
Ông nội của ông không chỉ ủng hộ lúa cho cách mạng mà còn ủng hộ nhiều trâu, bò, tiền để tăng gia sản xuất và đảm bảo lương thực cho người dân. Ông còn nhớ nhiều chiến sĩ hoạt động cách mạng được ông nội mình nuôi giấu bí mật trong nhà suốt thời gian dài. Dù cuộc sống có nhiều thử thách nhưng gia đình ông một lòng đi theo Đảng, che giấu, bảo vệ cán bộ Việt Minh khi địch truy lùng gắt gao.
Những kế hoạch kháng chiến được cán bộ Việt Minh họp bàn từ trong ngôi nhà của ông nội để rồi sau đó tiếp tục truyền đạt đến các cơ sở. Lớn lên lập gia đình, ông Chúng sinh được 7 người con, trong số đó có 4 người đi bộ đội tại các chiến trường, hoàn thành nhiệm vụ, họ trở về xây dựng gia đình, làm giàu trên quê hương.
Những ngày kháng chiến gian khổ, lòng dân Trung Sơn luôn tin tưởng Bác Hồ, tin tưởng cách mạng nên dù có khó khăn, thách thức, họ cũng sẵn sàng vượt qua và có nhiều đóng góp cho quê hương, đất nước.
Ông Trần Hữu Hòe năm nay 70 tuổi, ở thôn Bến Hải, còn giữ nhiều tài liệu ghi chép cẩn thận về những đóng góp cho cách mạng của gia đình bố mình là ông Trần Hữu Kinh. Ông Trần Hữu Kinh đã ủng hộ tiền của cho cách mạng từ những ngày đầu kháng chiến chống Pháp cho đến những năm đánh Mỹ, từ con trâu, con bò để cày ruộng, cho đến ngôi nhà để cán bộ bí mật làm việc. Họ luôn dâng hiến mọi thứ cho cách mạng, mong muốn được góp một phần công sức của gia đình cho quê hương.
Ông Trần Hữu Cường cho biết: “Phát huy truyền thống cách mạng của gia đình, quê hương, thế hệ con cháu của các ông: Nguyễn Quốc Đán, Nguyễn Quốc Sách, Nguyễn Quốc Thi..., hôm nay nhiều người học hành đàng hoàng, trở thành cán bộ công tác ở các cơ quan cấp huyện, tỉnh. Người dân Trung Sơn luôn tự hào về thế hệ cha ông của mình nên luôn phấn đấu xây dựng quê hương bằng nhiều cách làm mới, sáng tạo, từng bước đưa Trung Sơn phát triển về mọi mặt.
Trên vùng đất cách mạng xã Trung Sơn hôm nay, nhiều ngôi nhà xây cao tầng mọc lên giữa vùng quê bình yên, hạnh phúc. Kinh tế chủ đạo của xã là phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp. Trung Sơn hiện có gần 750 ha rừng trồng các loại và hơn 500 ha cao su, chưa kể đến diện tích lớn trồng lúa, chăn nuôi. Nhờ vậy người dân có thu nhập cao, cải thiện cuộc sống ngày một tốt hơn.
Thôn Bến Hải của xã Trung Sơn bạt ngàn rừng trồng, nhiều diện tích được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC. Ông Lê Văn Cường, trưởng nhóm hộ trồng rừng được cấp chứng chỉ quản lý bền vững FSC cho biết: Trồng rừng được cấp chứng chỉ mang lại thu nhập cao, đóng góp tích cực vào việc bảo vệ môi trường. Đối với rừng trồng bình thường đến 5 năm tuổi khi khai thác chỉ bán được giá dưới 100 triệu đồng/ha. Rừng nhóm hộ của ông Cường đến thời gian 7 năm tuổi, bán mỗi héc ta trên 250 triệu đồng, trừ các khoản chi phí, thu về phần lãi rất lớn.
Phát huy truyền thống quý báu, những bài học kinh nghiệm trong Cách mạng Tháng 8, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Trung Sơn luôn đoàn kết, chung sức, chung lòng tập trung sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh. Trong quá trình này, xã luôn coi trọng công tác củng cố lòng dân, chăm lo tập hợp quần chúng thành lực lượng hùng hậu.
“Lòng dân luôn tin tưởng theo Đảng là tài sản vô giá, là niềm tự hào mà biết bao thế hệ vun đắp, tiếp sức để Trung Sơn phát triển trong thời kỳ mới. Trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước hôm nay, việc phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân ngày càng được chú trọng. Khơi dậy nguồn sức mạnh nội sinh của dân là bài học quý báu luôn được xã Trung Sơn gìn giữ và phát huy”, ông Cường nhấn mạnh.
Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/long-dan-trung-son-voi-cach-mang-188010.htm