Lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội

UBND tỉnh vừa ban hành quyết định về việc thành lập Ban Triển khai dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) ở Việt Nam tại Đồng Nai.

Vườn rau sạch của Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu - một trong số các câu lạc bộ xanh ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh:L.Phương

Vườn rau sạch của Câu lạc bộ Cánh Hoa Dầu - một trong số các câu lạc bộ xanh ở Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai. Ảnh:L.Phương

Khu DTSQ Đồng Nai là một trong 3 khu DTSQ đầu tiên của cả nước được lựa chọn triển khai dự án theo Quyết định số 1753/QĐ-BTNMT ngày 11-7-2019 của Bộ Tài nguyên - môi trường về việc phê duyệt thực hiện triển khai dự án này trên cả nước.

* Triển khai dự án thí điểm

Mục tiêu của dự án là quản lý tổng hợp tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu bảo tồn đa dạng sinh học đượ̣c lồng ghép hiệu quả vào các quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương triển khai dự án.

Có 3 khu DTSQ được lựa chọn do có tính đại diện cao về hệ sinh thái. Cụ thể, Khu DTSQ Cù Lao Chàm đại diện cho hệ sinh thái biển, Khu DTSQ Tây Nghệ An đại diện cho hệ sinh thái núi, còn Khu DTSQ Đồng Nai đại diện cho các hệ sinh thái rừng nhiệt đới.

GS-TS.Nguyễn Hoàng Trí, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia chương trình con người và sinh quyển (MAB) Việt Nam nhận định, trong số 9 khu DTSQ tại Việt Nam thì Khu DTSQ Đồng Nai có nhiều điều kiện phù hợp về tự nhiên, đa dạng sinh học, tài nguyên rừng đa dạng, đặc trưng để triển khai các dự án bảo vệ hệ sinh thái, có tiềm năng lớn cho việc cải thiện kết nối giữa các hệ sinh thái quan trọng, tiềm năng phát triển du lịch.

Đặc biệt, chính quyền địa phương luôn ủng hộ, tạo điều kiện triển khai các dự án về bảo vệ môi trường, hệ sinh thái gắn với phát triển kinh tế - xã hội bền vững, có năng lực quản lý, thực hiện các dự án này…

Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, 3 khu DTSQ được lựa chọn đang đối mặt với nhiều nguy cơ đe dọa đến đa dạng sinh học, chức năng hệ sinh thái và tính bền vững của quản lý tài nguyên thiên nhiên, từ việc phát triển du lịch và cơ sở hạ tầng đến mở rộng nông nghiệp...

Đơn cử, tại Khu DTSQ Đồng Nai, việc mở rộng nông nghiệp sang các khu rừng (trong phạm vi Vườn quốc gia Cát Tiên) đã làm giảm và chia cắt môi trường sống của nhiều loài động vật nguy cấp. Chẳng hạn, mối đe dọa lớn nhất đối với loài bò tót trong Khu DTSQ Đồng Nai là việc phá hủy và xáo trộn môi trường sống của loài này, cũng như các hoạt động khai thác bất hợp pháp (khai thác lương thực, dược liệu và sản phẩm thủ công mỹ nghệ).

Hay như mối đe dọa chính đối với loài voi châu Á là việc làm mất, suy thoái và chia cắt môi trường sống của chúng do dân số tăng nhanh dẫn đến gia tăng xung đột giữa người và voi. Ngoài ra, việc mở rộng đô thị và xây dựng các công trình thủy điện (hiện đang xây dựng hai trạm thủy điện trong khu vực này) và các cơ sở hạ tầng khác ngày càng làm giảm diện tích sinh cảnh tự nhiên.

* Nguồn kinh phí thực hiện lớn

Dự án dự kiến triển khai theo 3 hợp phần gồm: tăng cường pháp luật, chính sách và năng lực quốc gia để tích hợp quản lý đa dạng sinh học và tài nguyên thiên nhiên bền vững vào quản lý khu DTSQ; sử dụng bền vững tài nguyên, quản lý khu bảo tồn và các hoạt động phát triển thân thiện với đa dạng sinh học được lồng ghép vào việc quản lý 3 khu DTSQ tham gia dự án; quản lý tri thức, lồng ghép giới và giám sát và đánh giá dự án… Chủ dự án là Tổng cục Môi trường Việt Nam (thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường). Dự án dự kiến triển khai trong vòng 5 năm kể từ ngày được phê duyệt (giai đoạn 2019-2024).

UBND tỉnh vừa có văn bản gửi Bộ Tài nguyên - môi trường về việc cử đại diện tham gia Ban Chỉ đạo dự án lồng ghép quản lý tài nguyên thiên nhiên và các mục tiêu về bảo tồn đa dạng sinh học vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và quản lý các khu DTSQ ở Việt Nam. Theo đó, UBND tỉnh thống nhất cử Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Chánh tham gia Ban chỉ đạo dự án.

Tổng kinh phí của dự án từ nguồn vốn ODA không hoàn lại từ Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF) thông qua Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) khoảng hơn 6,6 triệu USD.

Theo Bộ Tài nguyên - môi trường, UBND các địa phương có khu DTSQ triển khai dự án và UNDP Việt Nam sẽ cung cấp vốn đồng tài trợ và vốn đối ứng cho dự án bằng tiền mặt và hiện vật (nhân sự, các dự án có liên quan hỗ trợ cho việc thực hiện dự án này) với tổng số tiền dự kiến khoảng 36,5 triệu USD.

Tại Đồng Nai, theo quyết định của UBND tỉnh, Ban triển khai dự án này do ông Trần Văn Mùi, Phó trưởng ban thường trực Ban Quản lý khu DTSQ Đồng Nai, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai làm trưởng Ban triển khai dự án.

Ban triển khai dự án có nhiệm vụ xây dựng các chương trình, kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tại hiện trường của dự án, tuân thủ các quy định hiện hành của Việt Nam và theo quy chế chung, quản lý chương trình, triển khai các quy định khác của nhà tài trợ...

Theo ông Trần Văn Mùi, nguồn vốn đối ứng bằng tiền mặt để hỗ trợ triển khai dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 200 ngàn USD tiền mặt và hơn 228 ngàn USD nguồn vốn tính bằng hiện vật. Vốn đồng tài trợ của địa phương vào khoảng 11,8 triệu USD, đây là nguồn vốn dựa trên nguồn kinh phí hằng năm để triển khai các hoạt động liên quan đến hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học, tài nguyên thiên nhiên, quản lý về nhân sự, triển khai các dự án, chương trình liên quan...

Trong đó, tập trung vào các nội dung lồng ghép phát triển đa dạng sinh học, bảo tồn tài nguyên thiên nhiên với phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục lại các vùng sinh cảnh bị ảnh hưởng bởi chiến tranh; điều tra, giám sát các loại động vật, thực vật đặc trưng, quý hiếm ở địa phương. Đồng thời, có giải pháp phát triển kinh tế bền vững cho người dân nằm trong vùng dự án, phát triển các loại hình du lịch thể hiện bản sắc địa phương gắn với bảo tồn đa dạng sinh học...

Lam Phương

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201911/long-ghep-quan-ly-tai-nguyen-thien-nhien-vao-quy-hoach-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-2974956/