Lỏng lẻo trong mối liên kết doanh nghiệp nông nghiệp
Tái cơ cấu nông nghiệp chưa đồng đều ở các địa phương, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu, tổn thất sau thu hoạch còn cao, mối liên kết giữa các doanh nghiệp nông nghiệp còn lỏng lẻo... gây ra những hậu quả cho chính các doanh nghiệp.
Đây là thông tin được đưa ra Diễn đàn "Doanh nghiệp đồng hành cùng nông nghiệp, nông dân, nông thôn năm 2020" - lần thứ 3 do Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam tổ chức chiều ngày 6/1, tại Hà Nội.
Với diện tích gần 100 ha hợp tác và liên kết đã ứng dụng công nghệ cao trong các trang trại chuyên trồng các loại rau an toàn, hoa cao cấp, đào cảnh, đào thế, bà con nông dân thôn Khả Lễ, phường Võ Cường, thành phố Bắc Ninh, các chủ trang trại xã Phú Lâm (Tiên Du), các chủ trang trại ở phường Tân Hồng, Đình Bảng (thị xã Từ Sơn) cho thu nhập bình quân 350 triệu đồng/ ha/năm. Điển hình liên kết, hợp tác trong sản xuất cây ăn quả là trang trại của anh Nguyễn Văn Long xã Đình Tổ và trang trại của anh Nguyễn Văn Nho ở xã Hoài Thượng, huyện Thuận Thành sản xuất 2,4 ha cam đường canh theo tiêu chuẩn VietGAP. Năm 2019 sản xuất 30ha xuất bán 1.400 tấn quả cho thu nhập 31,5 tỷ đồng. Phát triển kinh tế trang trại, xây dựng các mô hình liên kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong các trang trại, doanh nghiệp nông nghiệp góp phần tạo viejc làm ổn định và thu nhập khá cho nhiều người lao động nông thôn.
Ông Nguyễn Xuân Vững – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Ninh – cho biết, đến nay toàn tỉnh có 2.846 trang trại, gia trại. Trong đó 248 trang trại đủ tiêu chí trang trại với tổng vốn đầu tư 628,3 tỷ đồng, có 148 trang trại và 156 doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất cho giá trị kinh tế cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, việc liên kết, hợp tác ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nói chung và tại Bắc Ninh nói riêng vẫn còn một số hạn chế. Theo đó, diện tích đất nông nghiệp ít và manh mún cho nên khó tích tụ ruộng đất, dẫn đến người muốn liên kết, hợp tác đầu tư sản xuất thì không có đất và người có đất lại không có khả năng đầu tư. Việc liên kết, hợp tác ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất chưa thu hút được nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư. Trình độ kỹ thuật của người dân ở nhiều nơi chưa đáp ứng được yêu cầu của sản xuất.
Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội NN&PTNT Việt Nam – đánh giá, năm 2019, lượng doanh nghiệp nông nghiệp trong năm qua tiếp tục tăng trưởng mạnh, đã thành lập được hơn 2.700 doanh nghiệp mới. Tuy nhiên, yếu kém như tái cơ cấu nông nghiệp chưa đồng đều ở các địa phương, công nghiệp chế biến chưa đáp ứng được yêu cầu, tổn thất sau thu hoạch còn cao, mối liên kết giữa doanh nghiệp với doanh nghiệp còn lỏng lẻo... là những tồn tại của ngành nông nghiệp Việt Nam.
"Chúng tôi đi tìm hiểu khá nhiều doanh nghiệp, thấy rằng các doanh nghiệp Việt Nam có mối liên kết quá kém, nhất là khi ra nước ngoài, thậm chí có tình trạng doanh nghiệp này nói xấu doanh nghiệp khác. Vừa rồi có những sản phẩm sạch phải khóc vì minh bạch thị trường kém quá nên người làm ăn tử tế bị phá giá và thiệt hại rất lớn”, ông Hùng chia sẻ.
Do đó, để phát triển nông nghiệp bền vững, ông Hồ Xuân Hùng cho rằng cần phải kết nối mạnh mẽ doanh nghiệp với doanh nghiệp, doanh nghiệp với nông dân, doanh nghiệp với hợp tác xã.
Để nâng tỷ trọng giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020 chiếm từ 25% - 30%, bên cạnh việc thúc đẩy các liên kết giữa doanh nghiệp, trang trại, nhà khoa học thì tạo điều kiện thuận lợi trong việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài để các doanh nghiệp yên tâm sản xuất cũng là vấn đề được đặt ra.
Hiện doanh nghiệp Việt Nam đã có mặt tại 193 vùng, lãnh thổ trên thế giới. Các thị trường lớn như châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ... cũng chiếm thị phần không nhỏ trong tỷ lệ xuất khẩu của doanh nghiệp Việt Nam. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, nước ta có 8,6 triệu hộ nông dân, hơn 13.000 doanh nghiệp... nên các doanh nghiệp cần phải đi tắt đón đầu để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. "Tiềm năng của nông nghiệp còn rất lớn, vấn đề là phải biết nắm thời cơ, có công nghệ cao, có thị trường, đặc biệt là chế biến sâu nâng cao giá trị gia tăng thì nhất định nông nghiệp Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ hơn nữa, gia tăng thứ hạng quốc tế", ông Phùng Đức Tiến đánh giá.