Lòng suối bị 'rút ruột' vì 'loạn' khai thác cát tại xã Chiềng Đông, Điện Biên
Nhiều năm qua, trên dòng suối chảy từ chân cầu quốc lộ 279 qua địa phận các bản Pó, Nôm, Chăn… (thuộc địa phận xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) xuất hiện tình trạng người dân tự mua máy móc, khai thác cát trái phép.
Tình trạng này liên tục tái diễn trong thời gian dài với mức độ ngày càng ồ ạt, phức tạp hơn, kéo theo nhiều hệ lụy, cho thấy công tác quản lý của chính quyền địa phương còn lỏng lẻo, chế tài xử lý chưa nghiêm.
Dòng chảy bị nắn dòng, nguy cơ sạt lở cao
Xuôi hàng chục km theo quốc lộ 279, vừa đến chân cầu bản Pó (xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) chúng tôi đã nghe rõ tiếng máy hút cát đang vận hành từ phía suối khu vực các bản Pó, Nôm, Chăn vọng lại. Đi qua bản Pó vào sâu phía trong trên con đường liên bản, tiếng máy hút cát càng trở nên ầm ĩ hơn. Không khó để nhận ra những chiếc máy đang nhả khói đen kịt, nằm ngay bên bờ suối trên những chiếc bè mảng như thế này là để vận hành hút cát. Bên bờ suối phía đối diện cũng tồn tại hàng loạt những chiếc máy khác đang chạy hết công suất, bám vào bờ sông để hút cát.
Trung bình tại một điểm khai thác cát sỏi trên dòng suối này ít nhất có một máy vận hành, nhiều thì tập trung từ 2 đến 3 máy; cùng với đó là hệ thống vòi hút, ống dẫn chuyền tải vươn dài, nằm ngổn ngang trên các bờ ruộng, bờ suối. Dọc bờ suối, nhiều đống cát có khối lượng lớn được tập kết ngay sát ven đường, nằm liền kề với những diện tích trồng ngô. Để có diện tích tập kết vật liệu, nhiều chủ máy hút cát đã sử dụng diện tích canh tác nông nghiệp để khoanh vùng làm bến bãi.
Ít ai nghĩ rằng, một không khí lao động công khai, tất bật, khẩn trương đang diễn ra như thế này lại là các hoạt động trái phép, nằm trong vùng chưa được chính quyền, ngành chức năng quy hoạch, cấp phép khai thác cát, sỏi. Tại các điểm khai thác cát, người lao động đang tấp nập be bờ để ngăn cát chảy, vận hành máy, điều chỉnh hệ thống ống hút...
Một người tự xưng là chủ một điểm tập kết cát, sỏi trên dòng suối này cho biết, vật liệu xây dựng được nhiều người khai thác tại đây chủ yếu là cát, chất lượng cát thuộc dạng trung bình với giá bán từ 220-250.00 đồng/khối. Điểm khai thác cát này hoạt động từ năm 2019; để có đầu máy nổ và các thiết bị khác phục vụ khai thác cát, 4 hộ dân trong bản đã chung tiền, đầu tư mua sắm, trung bình cứ 2 ngày sẽ hút được số lượng cát khoảng 1 xe tải cỡ nhỏ. Diện tích bến bãi tập kết cát được sử dụng từ diện tích ruộng của bản thân các gia đình góp tiền. Trao đổi với phóng viên, người xưng là chủ bãi tập kết cát này cũng cho biết: "Việc khai thác cát trên suối chưa xin phép chính quyền địa phương hay cơ quan chức năng nào cả, do thấy nhiều người trong bản đã làm nên tôi rủ mấy gia đình cùng làm".
Hệ lụy của việc người dân địa phương ồ ạt khai thác cát, “rút ruột” lòng suối đã khiến dòng chảy bị nắn dòng, biến dạng, nước đục ngàu; diện tích đất canh tác của người dân các bản nằm hai bên suối bị xâm thực, nguy cơ sạt lở rất lớn, nhất là vào mùa mưa lũ. Bên cạnh đó, tiếng ồn và khói của động cơ máy hút cát gây ô nhiễm môi trường, phá vỡ sự tĩnh lặng, yên bình vốn có của bản làng nơi đây. Đồng thời, những chuyến xe tải chở cát ra khỏi khu vực cũng làm tăng nguy cơ xuống cấp của đường bê-tông liên bản vừa mới đưa vào sử dụng gần đây. Đặc biệt, nguy hại hơn, việc khai thác cát trái phép này còn tác động xấu đến môi trường, cảnh quan thiên nhiên khu vực phía trước Di tích cấp quốc gia đặc biệt hang Thẩm Púa (thuộc Quần thể Di tích cấp quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ); tình hình an ninh trật tự bản làng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do mâu thuẫn giữa người có diện tích canh tác với các chủ khai thác cát.
Ông Lò Văn H. (bản Nôm, xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên) cho biết, thực trạng khai thác cát nơi đây đã diễn ra từ nhiều năm trước, lúc cao điểm trên đoạn suối chảy qua các bản Pó, Nôm xuất hiện gần 10 đầu máy hoạt động khai thác cát bất kể ngày đêm. Điều này làm sạt lở chân ruộng, hệ thống mương nội đồng, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của người dân trong bản. Người dân cũng không dám phản ánh thực trạng lên chính quyền xã vì sợ bị chủ các đầu máy khai thác cát trả thù, gây mất đoàn kết bản làng. "Thực tế đã từng xảy ra sự việc trâu của dân trong bản bị chém, nương ngô của người dân trong bản bị phát đổ nên người dân sợ, không ai dám làm đơn phản ánh lên chính quyền xã", ông H nói.
Vấn đề nhạy cảm?
Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Lò Văn Hoan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Chiềng Đông, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên, xác nhận: Việc khai thác cát trên suối qua địa phận các bản Pó, Nôm, Chăn… trên địa bàn xã Chiềng Đông là có thật, diễn ra từ lâu.
Chủ tịch UBND xã Lò Văn Hoan cho biết: Trước đây, ở cương vị Phó Chủ tịch UBND xã, phụ trách mảng tài nguyên - môi trường - đất đai, bản thân ông đã nhiều lần trao đổi trực tiếp với Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông (ông Quàng Văn Sung, nguyên Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông) về vấn đề người dân khai thác cát chui trên suối chạy qua các bản Nôm, Pó, Chăn… Đã nhiều lần chính quyền xã huy động lực lượng công an, quân sự, cán bộ địa chính xã xuống các địa điểm khai thác cát để tổ chức tuyên truyền, vận động và thu gom đầu máy hút cát, xử phạt hành chính để ngăn chặn tình trạng khai thác cát sỏi ở đây. Tuy nhiên, đến nay tình trạng này vẫn chưa chấm dứt.
Theo lý giải của Chủ tịch UBND xã Lò Văn Hoan, tình trạng khai thác cát trên suối qua địa bàn các bản Nôm, Pó, Chăn… xảy ra mạnh hơn trong những năm gần đây là do nhu cầu cung cấp vật liệu xây dựng cho các công trình thủy lợi Nậm Chăn, công trình đường liên bản từ quốc lộ 279 vào các bản Pó, Nôm, Chăn… dẫn đến người dân khai thác cát trên lưu vực suối nhiều hơn.
Trả lời câu hỏi tại sao tình trạng khai thác cát trên suối qua các bản Pó, Chăn, Nôm đã diễn ra từ lâu mà chính quyền vẫn chưa xử lý triệt để, ông Lò Văn Hoan cho rằng: “Đây là vấn đề nhạy cảm”, “thẳng tay thì mất đoàn kết, không thẳng tay thì dân sẽ mạnh ai nấy làm”. Theo ông Lò Văn Hoan, “nhạy cảm” bởi hiện tại người nhà, họ hàng của các cán bộ trong xã Chiềng Đông cũng có đầu máy tham gia khai thác cát “chui”, hoặc cán bộ xã mua đầu máy cho người khác làm. Thực tế này dẫn đến tình trạng chính quyền xã “há miệng mắc quai” trong việc xử lý, quản lý tình trạng khai thác cát trên suối qua các bản Nôm, Pó, Chăn…
Tuy vậy, trao đổi với phóng viên TTXVN, Chủ tịch UBND xã Chiềng Đông Lò Văn Hoan khẳng định: "Chúng tôi sẽ không để tình trạng khai thác cát trái phép này kéo dài nữa. Thời gian tới, chính quyền UBND xã Chiềng Đông sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân về Luật Khoáng sản, đồng thời chỉ đạo cán bộ địa chính xuống địa bàn trực tiếp giải quyết vấn đề. Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ mời Ủy ban nhân dân huyện Tuần Giáo, cơ quan chức năng, các phòng, ban chuyên môn của huyện xuống địa bàn cùng phối hợp, cương quyết xử lý để sớm chấm dứt tình trạng khai thác cát trái phép".