Lồng tiếng cho phim ngoại: Nhiều hứa hẹn
Không chỉ dừng lại ở phim hoạt hình, khán giả Việt giờ đây còn được thưởng thức nhiều bộ phim điện ảnh người đóng với bản lồng tiếng chất lượng.
Cơn sốt có thật
Chính thức khởi chiếu tại Việt Nam từ ngày 27-12, tác phẩm kinh dị, hài 404: Chạy ngay đi của điện ảnh Thái Lan đang gây sốt phòng vé Việt. Ngay trong tuần đầu ra mắt, phim đã đạt doanh thu hơn 19 tỷ đồng, vượt qua phim Việt ăn khách là Chị dâu. Một trong những yếu tố tạo nên thành công của bộ phim được cho là từ dàn diễn viên lồng tiếng Việt.
Anh Trần Xuân Phúc, khán giả đồng thời là người làm việc trong lĩnh vực truyền thông phim ảnh, chia sẻ: “Bản lồng tiếng giúp khán giả có cảm giác phim thân thuộc hơn, nhiều lúc có cảm giác như đang xem phim Việt chứ không phải phim Thái Lan”. Đồng thời anh cũng cho biết, việc lồng tiếng còn tác động đến chất lượng phim, như ở bản gốc, do yếu về diễn xuất của diễn viên nên nhân vật ma nữ không nổi bật. Tuy nhiên, qua phần lồng tiếng của Diệp Bảo Ngọc, nhân vật ma nữ trở nên có hồn hơn hẳn.
404: Chạy ngay đi cũng tạo dấu ấn riêng khi không chỉ được lồng tiếng mà còn sở hữu ca khúc nhạc phim Xuân thì, do nhạc sĩ Phan Mạnh Quỳnh sáng tác và thể hiện. Việc sử dụng một ca khúc tiếng Việt nguyên bản, chứ không phải nhạc Thái được dịch lời Việt là một quyết định táo bạo và đã thu hút được sự chú ý của khán giả.
Trước đó, vào đầu tháng 6, một phim điện ảnh Thái Lan khác gây sốt thị trường Việt Nam cũng có bản lồng tiếng là Gia tài của ngoại. Theo đại diện nhà phát hành CGV, với việc phát hành song song cả phiên bản phụ đề và lồng tiếng, phim đã thu hút khán giả Việt ở nhiều lứa tuổi khác nhau.
Ngay sau đó, vào tháng 8-2024, Đẹp trai thấy sai sai (Handsome Guys) trở thành bộ phim Hàn Quốc đầu tiên có bản lồng tiếng tại Việt Nam. Chất lượng lồng tiếng được đánh giá cao khi thể hiện tốt phần Việt hóa với những câu thoại “bắt trend” hay loạt từ vựng đậm chất gen Z như: mỏ hỗn, ô dề, ra vẻ…
Sự trở lại cần thiết
Các bộ phim lồng tiếng ngày càng xuất hiện phổ biến ở Việt Nam, từ phim hoạt hình cho đến phim người đóng. Năm 2024 có thể kể đến hàng loạt tác phẩm: Nhím Sonic 3, Hành trình của Moana 2, Ngôi sao 5 cánh 1 triệu đô, Shin: Cậu bé bút chì, 200% Sói bảnh, Harold và cây bút phép thuật, Cười xuyên biên giới… Gần nhất là bộ phim Chuyện nhà bánh xếp của Hàn Quốc ra rạp tại Việt Nam từ ngày 26-12 cũng có phiên bản lồng tiếng.
Vừa qua, CJ CGV Việt Nam phối hợp cùng công ty truyền thông Khang công bố các dự án phim châu Á được lồng tiếng Việt sẽ khởi chiếu tại rạp trong năm 2025. 3 dự án đầu tiên, gồm: Trẻ trâu không đùa được đâu (Bad Boyz Band) có phần tham gia lồng tiếng của cặp đôi Lê Lộc - Tuấn Dũng và phần nhạc phim sẽ do ca, nhạc sĩ Tăng Nhật Tuệ đảm nhận; NSND Hồng Vân tham gia lồng tiếng cho Rider: Giao hàng cho ma (Riders); nghệ sĩ Hồng Đào và diễn viên Quốc Trường tham gia lồng tiếng cho Yêu vì tiền, điên vì tình (Love Lies).
NSND Hồng Vân chia sẻ: “Ban đầu, tôi định từ chối vì chưa bao giờ lồng tiếng cho người khác, nhưng khi biết được nội dung phim tôi rất thích vì khá phù hợp với sở trường hài của mình”. Trong khi đó, theo tiết lộ của diễn viên Lê Lộc, để bước vào công việc lồng tiếng, cô đã hẹn gặp với nghệ sĩ Đạt Phi - người được coi là “phù thủy lồng tiếng” để lắng nghe nhiều chia sẻ kinh nghiệm.
Trước đó, trong lần đầu thực hiện lồng tiếng cho Cười xuyên biên giới, diễn viên Kiều Minh Tuấn cho biết: “Người Hàn thường nói rất nhanh và nhiều chữ. Họ lên giọng, xuống giọng liên tục, khác với cách người Việt chúng ta hay nói chuyện, nên đây thực sự là một thử thách đối với tôi. Nhưng tôi lại thấy rất hào hứng, vì nam diễn viên Ryu Seung-ryong diễn xuất vô cùng chi tiết khiến tôi rất ngưỡng mộ và học hỏi được thêm kỹ năng diễn xuất cho mình”.
Sự trở lại của việc lồng tiếng cho phim điện ảnh được cho là việc tất yếu khi phù hợp với các đối tượng khán giả nhỏ tuổi hay những người khó theo dõi kịp chữ phụ đề trên màn hình. Ngay cả với khán giả trẻ, đây cũng là trải nghiệm mang đến cảm xúc trọn vẹn, sự tập trung nhiều hơn. Vấn đề đặt ra, để các phim lồng tiếng thu hút phải có sự đầu tư từ các đơn vị phát hành, tránh trường hợp người lồng tiếng không phù hợp hay một người làm nhiều vai. Chất lượng của bản lồng tiếng sẽ là yếu tố tiên quyết thu hút khán giả, thậm chí khiến họ thích thú hơn cả bản phụ đề.
Phim lồng tiếng đã từng rất quen thuộc với nhiều thế hệ khán giả Việt Nam qua các dòng phim điện ảnh, truyền hình Hồng Công (Trung Quốc) thập niên 1980, 1990. Tuy nhiên, sau này, việc lồng tiếng, nhất là cho phim điện ảnh không còn được ưa chuộng, một phần do chi phí lồng tiếng cao hơn rất nhiều so với phụ đề, phần khác vì việc lồng tiếng bị xem là làm mất yếu tố diễn xuất giọng nói gốc của diễn viên.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/long-tieng-cho-phim-ngoai-nhieu-hua-hen-post777083.html