Lòng trắc ẩn hay là bản năng, qua vụ bé gái 8 tuổi bị đánh chết?
Sự tàn ác của Trang, Thái, và hoàn cảnh bi thương của cháu bé khiến người ta muốn băm hai kẻ ác ra hàng trăm ngàn mảnh, nhưng bản năng này lại vấp phải những nguyên tắc của luật tố tụng hình sự.
Từ ngày biết được thông tin về vụ bé Vân An, tôi nghĩ nhiều người cũng có những cảm xúc giống như tôi.
Cảm xúc đó là khi thì bị đau thắt đâu đó trong tâm mà không thể nào diễn tả thành lời; khi thì bức xúc, ức chế, căm phẫn tột độ khi đọc được những dòng chia sẻ về những cực hình, đau đớn tận cùng mà bé phải gánh chịu từ khi xa mẹ đến lúc trút hơi thở sau cùng; khi thì thấy thông tin liên quan, đặc biệt là đoạn ghi hình cảnh ác quỷ đánh bé như cai ngục thời trung cổ tra tấn phạm nhân (đối thủ); và đôi khi trong sâu thẳm chỉ muốn băm hai kẻ ác ra hàng trăm, hàng ngàn mảnh cho hả cơn căm phẫn.
Rồi không ai bảo ai, lòng trắc ẩn thúc đẩy mọi người lần lượt lên tiếng, chia sẻ những thông tin mình biết để góp phần làm nổi bật sự tàn độc của hai ác quỷ đội lốt người; và mạnh mẽ kêu gọi người có thẩm quyền bằng mọi cách phải xử lý và tử hình bọn chúng về tội giết người mới tương xứng với những gì chúng đã làm với con bé.
Khi cơ quan có thẩm quyền còn đang cân nhắc, đánh giá xem các chứng cứ thu thập được có đủ cơ sở xử lý về tội giết người hay không, thì một lần nữa những người như chúng ta sốt ruột, khó chịu và nghi ngờ tại sao chậm trễ vậy, phải chăng có ẩn tình gì đây...
"Nếu chúng ta yêu cầu phải xử lý cho bằng được bọn chúng về tội giết người, phải tử hình bọn chúng, thì đến lượt chúng ta đã không còn là người có tâm tính thiện lương nữa rồi"
Rồi khi biết tin ả độc ác Nguyễn Võ Quỳnh Trang bị khởi tố thêm về tội giết người, còn người cha máu lạnh Nguyễn Kim Trung Thái chỉ bị khởi tố về tội hành hạ người khác và tội che giấu tội phạm, tổng hình phạt nặng nhất của cả 2 tội chỉ là 8 năm tù, thì tôi cũng như nhiều người vẫn chưa thỏa mãn, chỉ với một mong muốn là phải xử lý anh ta về tội giết người (không phải tội che giấu tội phạm).
Đồng thời những ai có tâm lý như vậy đều mặc định chỉ cần ngày hôm đó Thái có quát mắng hoặc tát bé vài cái hoặc hắn thản nhiên để cô ả kia đánh bé An tàn bạo đến mức có thể, bé kêu khóc thảm thiết, đau đớn tột cùng và liên tục van xin cô ả tha cho, cô ả vẫn đánh bằng tất cả sức lực của ả mà hắn không mảy may can thiệp cho thấy hắn đang có thái độ đồng tình với hành động tàn ác. Sau khi bé trút hơi thở cuối cùng, hắn bình tĩnh và lạnh lùng xóa bộ nhớ của camera nhằm che giấu hành vi tàn độc ấy, thì xét về lý luận của chế định đồng phạm trong BLHS, phải xem hắn là đồng phạm về tội giết người, không phải tội che giấu tội phạm; phải xét xử hắn với mức án chung thân hoặc tử hình mới tương xứng với hành vi và bản chất con người hắn.
Khi người nào suy nghĩ như tôi, thì lúc đó chúng ta đã vi phạm nguyên tắc suy đoán vô tội của luật tố tụng hình sự rồi.
Hiện giờ, Thái và Trang chỉ là người bị nghi ngờ phạm tội, chỉ được xem là có tội giết người và hành hạ khi có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật của tòa án. Còn hiện giờ, chúng ta và cơ quan tố tụng phải xem bọn chúng như là người không có tội, phải tôn trọng quyền con người, quyền công dân của chúng cho đến khi bị tòa án tước bỏ bằng bản ản có hiệu lực.
Và một khía cạnh nữa, bản chất nhân đạo của pháp luật hình sự hiện đại không cho phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người phạm tội, không được đòi hỏi hay áp dụng các biện pháp trả thù đối với người phạm tội cho dù có tính tàn ác. Nếu chúng ta yêu cầu phải xử lý cho bằng được bọn chúng về tội giết người, phải tử hình bọn chúng, thì đến lượt chúng ta đã không còn là người có tâm tính thiện lương nữa rồi.
Hơn nữa cá nhân tôi hàng ngày vẫn rao giảng về quyền con người, về sự thượng tôn pháp luật, về sự tuân thủ nguyên tắc suy đoán vô tội... Tôi vẫn thường giảng khi chứng cứ buộc tội không vững chắc, thì phải tuyên bố bị cáo không phạm tội. Nhưng trớ trêu là nay tôi lại cứ muốn phải xử lý hai đứa ấy về tội giết cho bằng được. Những đòi hỏi này của tôi hoàn toàn mâu thuẫn với những gì tôi đang chủ trương và truyền tải trên giảng đường.
Tôi tự hỏi cảm xúc này là gì.
Đây là sự đòi hỏi công lý hay bản năng sâu thẳm của tôi trỗi dậy? Cái bản năng chìm khuất đâu đó tưởng rằng đã khống chế được, nhưng rồi sự tàn ác của Trang, Thái, và hoàn cảnh bị thương, hình ảnh hồn nhiên của bé An, vết thương rách da thịt trên người bé và cảnh tượng bạo hành hãi hùng đã làm bản năng thức tỉnh.
Thật là quá khó để khống chế và kiểm soát cái bản năng.