Lòng yêu nước nồng nàn của nhân dân Nam Kỳ
Nhân dân Nam Kỳ luôn xứng đáng là lá cờ đầu trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm. Từ khi có Đảng lãnh đạo, cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm của nhân dân Nam Kỳ càng sôi nổi và quyết liệt hơn.
Sau ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3-2-1930), đồng chí Ngô Gia Tự được cử làm Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ. Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Ngô Gia Tự, phong trào cách mạng ở Xứ ủy Nam Kỳ đã phát triển mạnh mẽ. Nhân dịp Ngày Quốc tế Lao động 1-5-1930, hưởng ứng Lời kêu gọi của Đảng, khoảng 1.000 nông dân quận Đức Hòa (Chợ Lớn) đã biểu tình trước quận lỵ đòi giảm thuế, bỏ sưu. Dù bị thực dân Pháp đàn áp dã man, nhưng đoàn biểu tình vẫn không lùi bước, buộc địch phải nhượng bộ, nhận bản yêu sách, giảm thuế, giảm sưu. Tại Sa Đéc và Long Xuyên, các cuộc biểu tình của nông dân quận Cao Lãnh và quận Chợ Mới cũng đều giành được thắng lợi. Đặc biệt, cuộc biểu tình của công nhân và nông dân Gia Định đã lôi cuốn hàng nghìn người tham gia với một khí thế rất hùng dũng.
Trong tháng 5-1930, theo thống kê, Nam Kỳ có 12 cuộc đấu tranh nổ ra. Trong lúc phong trào cách mạng ở Nam Kỳ đang phát triển rầm rộ, đêm 31-5-1930, tại một cơ sở cách mạng ở Phú An bên sông Thị Nghè (Sài Gòn), đồng chí Ngô Gia Tự bị mật thám bắt. Trong nhà tù đế quốc, mặc dù đồng chí bị tra tấn dã man, nhưng kẻ thù không thể khuất phục được ý chí sắt đá và lòng trung thành của đồng chí đối với Đảng và cách mạng. Đầu năm 1935, trên đường vượt biển trở về đất liền để tiếp tục hoạt động cách mạng, đồng chí đã hy sinh.
Đầu năm 1938, đồng chí Nguyễn Văn Cừ bí mật rời Hà Nội vào Sài Gòn, để dự Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, được triệu tập tại Hóc Môn, Gia Định, từ ngày 29 và 30-3-1938. Tại hội nghị, đồng chí được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương. Trong lịch sử Đảng ta, đồng chí Nguyễn Văn Cừ là người giữ cương vị Tổng Bí thư trẻ nhất, khi đó, đồng chí 26 tuổi. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Ðảng lần thứ 6 diễn ra từ ngày 6 đến ngày 8-11-1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn - Gia Ðịnh), dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, cùng các đồng chí Võ Văn Tần, Phan Đăng Lưu, Lê Duẩn, hội nghị đã ra Nghị quyết lịch sử, khẳng định: “Bước đường sinh tồn của các dân tộc Đông Dương không còn có con đường nào khác hơn là con đường đánh đổ đế quốc Pháp, chống tất cả ách ngoại xâm, vô luận da trắng hay da vàng để giành lấy giải phóng dân tộc”.
Ngày 22-6-1940, nước Pháp bị phát xít Đức chiếm đóng. Ngày 23-9-1940, phát xít Nhật vượt qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc vào nước ta. Sau khi vào Đông Dương, Nhật liên tục ép Pháp nhượng bộ, ký kết các hiệp ước có lợi cho Nhật trên tất cả các mặt kinh tế, quân sự, văn hóa tư tưởng, trên cơ sở đó từng bước chi phối Đông Dương. Dân ta do đó lâm vào tình thế “một cổ đôi tròng” nên đời sống hết sức cơ cực. Tháng 10-1940 lại nổ ra chiến tranh giữa Pháp với Thái Lan.
Nhân dịp tinh thần phản chiến của nhân dân và binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp - nhất là số binh lính đang bị tập trung ở Sài Gòn để chuẩn bị sang chiến trường Pháp - Thái đang lên cao, ngày 21-11-1940, Xứ ủy Nam Kỳ đã ra thông báo cho các cấp bộ đảng nhất loạt phát động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ, ngày 22-11-1940.
Khởi nghĩa Nam Kỳ nổ ra ở 20/21 tỉnh, thành phố ở Nam Kỳ, kéo dài từ đêm 22, rạng sáng ngày 23-11 đến ngày 31-12-1940, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Vĩnh Long... Nhiều đồn bốt, công sở, đường giao thông... của địch bị phá. Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã, chính quyền cách mạng được thành lập tịch thu ruộng đất của địa chủ và phản động chia cho dân cày nghèo, trừng trị bọn phản cách mạng... Trong bão táp cách mạng, lá cờ đỏ sao vàng lần đầu được giương cao. Thực dân Pháp đàn áp hết sức dã man cuộc khởi nghĩa. Rất nhiều đồng bào, đảng viên, cán bộ, chiến sĩ đã bị địch bắt, tra tấn, tù đày, giết chóc vô cùng tàn bạo. Theo các báo cáo của chính quyền thuộc địa, tính cho đến hết ngày 31-1-1941, Pháp đã bắt 7.048 người. Hàng ngàn người bị xử tử, bị đày ra Côn Đảo, đi các trại tập trung Tà Lài, Bà Rá. Lực lượng nghĩa quân còn lại rút về Truông Mít (Thủ Dầu Một), Bình Hòa, Bình Thành trong vùng Đồng Tháp và rừng U Minh để củng cố lực lượng.
Cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ do chưa đủ điều kiện khách quan, chủ quan chín muồi nên tạm thời thất bại, nhưng đã để lại cho mai sau bài học về truyền thống bất khuất, kiên cường, lòng yêu nước quả cảm vô song của những chí sĩ yêu nước. Ngày 14-4-1948, trên cương vị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 163/SL tặng Huân chương Quân công hạng Nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ, nhằm tôn vinh ý nghĩa to lớn của cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ đối với lịch sử cách mạng Việt Nam.