Lớp học bị chỉ trích vì dạy phụ nữ lấy tiền đàn ông ở Trung Quốc
Dù vấp phải chỉ trích dữ dội, những nơi dạy phụ nữ cách moi tiền, kiểm soát đàn ông vẫn nở rộ ở Trung Quốc nhiều năm qua.
Một công ty ở Trung Quốc vừa bị thu hồi giấy phép kinh doanh sau khi quảng cáo chương trình dạy phụ nữ cách "đào mỏ" đàn ông, theo Sixth Tone.
Đây được cho là trường hợp đầu tiên phải đối mặt với sự trừng phạt từ chính quyền vì nội dung dạy học gây tranh cãi.
Dạy cách thao túng đàn ông
Cơ quan giám sát thị trường ở thành phố Từ Châu, miền Đông Trung Quốc, cho biết từng yêu cầu Ling Tongtong - người đứng đầu công ty này - thay đổi các nội dung vi phạm trước đó.
Cho đến tuần trước, các tài khoản mạng xã hội của công ty trên nền tảng Weibo và WeChat đã bị xóa.
Trên mạng, Ling Tongtong tự mô tả mình là lücha biao jiaomu, cụm từ mang nghĩa “mẹ đỡ đầu của những cô gái trà xanh” (trà xanh là tiếng lóng chỉ các cô gái xảo quyệt, mưu mô nhưng bề ngoài lại tỏ ra ngây thơ).
Ling rêu rao khóa học mình cung cấp sẽ hướng dẫn những thiếu nữ trẻ, đẹp biết cách “đạt được bất cứ điều gì mong muốn từ các mối quan hệ lãng mạn”.
Thông qua các hình thức thao túng tinh thần, những người đứng lớp ở đây cho biết học viên sẽ học được cách khiến đàn ông mê mẩn, cưng chiều bằng các món quà đắt tiền hay những màn phô trương tình cảm tốn kém.
Các dịch vụ được Ling Tongtong quảng bá có giá từ 3.999 nhân dân tệ (600 USD) cho mỗi học viên. Tuy nhiên, không phải ai đăng ký cũng được đến lớp.
Một nhân viên kinh doanh giấu tên cho hay khách hàng tiềm năng được yêu cầu cung cấp lịch sử trò chuyện với người đàn ông họ muốn tán tỉnh để công ty tư vấn khóa học phù hợp.
Trong một bài đăng quảng cáo, nhân viên tên Bobo tuyên bố cô từng khiến những người ngưỡng mộ tặng cho mình các món quà trị giá hơn 500.000 nhân dân tệ khi còn là sinh viên đại học.
Trong một video khác, Ling Tongtong xuất hiện và lặp đi lặp lại thông điệp “Old men are chill, old men foot the bill” (tạm dịch: Những lão già chỉ để chơi đùa. Những lão già sẽ chi trả hết mọi hóa đơn).
Theo The Paper, mặc dù được đăng ký tại Từ Châu, công ty tư vấn về mối quan hệ của Ling Tongtong chủ yếu hoạt động trực tuyến.
Đơn vị này bị nghi ngờ giao dịch bất hợp pháp và từng bị kiện về một hợp đồng mua bán vào tháng 10. Một khách hàng cũ đã báo cáo công ty này với các nhà chức trách, sau khi phát hiện những gì được giảng dạy là sai trái.
Dù đã bị thu hồi giấy phép kinh doanh, công ty của Ling Tongtong hiện vẫn có sẵn các lớp học 1 kèm 1.
“Chúng tôi đang điều chỉnh lại chương trình giảng dạy phù hợp hơn với văn hóa Trung Quốc. Đa số khách hàng hiện tại đều ở Mỹ và nhu cầu về các lớp học của chúng tôi vẫn rất cao. Chúng tôi không hề làm điều gì bất hợp pháp”, giám đốc bán hàng tiết lộ.
Nở rộ khóa học dạy lợi dụng người yêu
Tư vấn tình yêu, tình dục và các mối quan hệ là ngành kinh doanh nở rộ ở Trung Quốc, dù những công ty này đối mặt với lời chỉ trích cổ xúy việc tôn thờ tiền bạc và lạm dụng tình cảm.
Nghệ thuật tán tỉnh (pick-up artist), viết tắt là PUA, dùng để chỉ cách bắt chuyện và cưa cẩm chuyên nghiệp một đối tượng bất kỳ. Tại Trung Quốc, PUA còn có ý chỉ những người kẻ sử dụng các chiến thuật thao túng, kiểm soát tâm lý để khiến ai đó nghi ngờ sự tỉnh táo của bản thân.
Trong thập kỷ qua, các lớp học dạy tán gái với mục đích thao túng, coi đối phương là “con mồi”, “nô lệ” nhằm thỏa mãn nhu cầu tình dục ngày càng xuất hiện nhiều hơn.
Hàng nghìn công ty và trang web đưa ra lời khuyên về hẹn hò cho nam giới mọc lên.
Một trong những trang web nổi tiếng nhất, Paoxuewang, cho biết họ có gần 2 triệu thành viên trước khi ngừng hoạt động vào năm 2018.
Langji, một công ty có tiếng khác trong lĩnh vực này, có đến hơn 400 nhân viên và 100.000 học viên vào thời điểm cuối năm 2017.
Sau các khóa học dành cho nam giới, những nơi “đào tạo” nữ giới cùng mục đích tương tự cũng dần mọc lên, như cơ sở của Ling Tongtong.
Nhiều người dùng Weibo lên án các khóa học này là “cố tình gieo rắc mối bất hòa giữa nam và nữ”.
Trên nền tảng dịch vụ tiêu dùng chính thức của Sina, công ty mẹ của Weibo, hơn 300 đơn khiếu nại được gửi đến để chống lại các dịch vụ tư vấn kiểu này.
Những khách hàng cho biết họ đã phải trả các khoản phí 2.800-26.600 nhân dân tệ và yêu cầu được hoàn lại tiền vì những gì được học đi lệch với chuẩn mực đạo đức.
Ding Jinkun, luật sư tại Thượng Hải, cho biết các lớp học dạy cách thao túng đối phương trong mối quan hệ rất có thể bị liệt vào hoạt động kinh doanh bất hợp pháp.
“Các tầng lớp như vậy và hệ tư tưởng họ tán thành về cơ bản đang khuyến khích các hành vi vi phạm pháp luật như lừa đảo, tống tiền, tự làm hại bản thân”, Ding nói.
Đối với Angela Xiao Wu, người nghiên cứu về truyền thông tại Đại học New York (Mỹ), sự phổ biến của các hình thức tư vấn kiểu này cho thấy “bản chất giao dịch của các mối quan hệ khác giới ở Trung Quốc”, điều mà cô coi là mối đe dọa đối với trật tự giới.
“Ling Tongtong và nhiều người khác như cô ta tự khẳng định mọi hành động đều được tính toán để kiếm lợi về mặt kinh tế. Điều này phần nào phản ánh thực trạng áp lực xã hội lớn khiến những người phụ nữ nghĩ rằng phải lợi dụng người khác, tập trung đầu tư vào tình yêu, hôn nhân bởi đó là cách duy nhất để có cuộc sống sung túc”, Xiao Wu đánh giá.