Lớp học của thầy BiO
Vừa tan ca, anh Hoàng Trọng Khánh, công nhân Công ty Liên doanh BiO - Pharmachemie (thuộc Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn), chưa kịp ăn uống đã tất tả chạy về nhà trọ để kịp giờ đón 'học sinh' vào lớp. Gần như ngày nào cũng vậy, sau 21 giờ anh mới ăn cơm tối, nhưng nguồn năng lượng dành cho các em học trò nhỏ lại luôn tràn đầy.
Lớp dạy kèm miễn phí
Chúng tôi đến đường 22 (phường Phước Long B, quận 9, TPHCM) tìm lớp học của anh Khánh. Ngay từ đầu hẻm nhà trọ, cô bán tạp hóa tận tình chỉ: “À, chú Khánh dạy học ở đây ai cũng biết, mọi người gọi là lớp học chú BiO đó. Cứ đi cuối hẻm là thấy ngay lớp học”.
Đến nơi, lớp dạy kèm miễn phí của học trò nghèo nhiều năm qua là một căn phòng trọ nhỏ, có gác, chừng 20m2. Hiện có 43 em đang theo học, chủ yếu là con em lao động nghèo ở quận 9, quận Thủ Đức, nhiều em là con công nhân.
Dù làm công nhân, lương không cao nhưng anh Khánh vẫn tự bỏ tiền thuê nhà mở lớp dạy học, tự trang bị bàn ghế, bảng phấn. Bảng viết ở lớp học tầng trệt thậm chí chỉ là tấm gạch hoa áp tường phòng trọ. Có lúc trên “bục giảng”, anh Khánh vẫn mặc nguyên bộ quần áo công nhân chưa kịp thay, say sưa giảng giải về sự nở vì nhiệt của chất lỏng, định luật bảo toàn khối lượng, các phương trình hóa học, những bài văn… Còn phía dưới là đám trò say mê nghe, dung nạp nhiều kiến thức mới mẻ từ anh. Anh còn tự mua quà bánh làm phần thưởng cho học trò có thành tích tốt.
Anh Khánh quê ở Huế, năm nay 38 tuổi. Năm 2010, anh nghỉ việc công nhân ở Đà Nẵng vào TPHCM làm công nhân cho Công ty Liên doanh BiO - Pharmachemie. Vào một buổi chiều năm 2010, khi đến nhà một người bạn ở khu Gò Mả (quận 9) chơi, anh thấy 4 - 5 đứa trẻ ngồi túm tụm làm bài trong một lều ốc lụp xụp. Thấy tụi nhỏ vò đầu bứt tai giải mãi không xong bài tập, thương nên anh tới giảng. Anh ngồi với đám nhỏ đến tận tối mới trở về.
“Tụi nhỏ học say mê, chỉ là không ai chỉ dạy nên không biết đúng sai. Lúc về, tụi nhỏ cứ nằng nặc dặn mai chú lại ghé nha. Rồi cứ vậy, chiều nào sau giờ làm mình cũng ghé làm “thầy giáo” cho tụi nó. Lúc đầu dạy ở một cái lều tạm bợ, sau dạy ở khu xưởng mộc, ở hành lang nhà trọ và giờ là dạy trong phòng trọ tươm tất. Lớp từ 4 - 5 đứa nhỏ cứ vậy mà lên 20, rồi giờ tới 43 luôn rồi. Mình thấy khu vực này thực sự vẫn còn nghèo, nhiều đứa trẻ không được đi học, thậm chí đang đi học vẫn có nguy cơ bỏ rất cao vì không ai chỉ dạy", anh Khánh kể.
Dồn hết tình thương cho trẻ nghèo
Sau gần 9 năm mở lớp, học trò của chú BiO có em giờ đã vào đại học, nhiều em nằm trong đội tuyển học sinh giỏi của trường, nhiều em từ học lực yếu kém trên trường đã tiến bộ, có em bị tự kỷ cũng vào lớp, giờ biết chủ động đưa tay xin phát biểu. Những người dân lao động nghèo quanh đây biết tin có lớp học chú BiO dạy miễn phí cho con nhà nghèo cũng gửi gắm con theo học.
Theo học lớp của thầy BiO 3 năm nay, em Nguyễn Ngọc Phương (học lớp 8 Trường THCS Đặng Tấn Tài) chia sẻ: “Ba con làm công nhân, mẹ buôn bán nhỏ. Hồi con học lớp 5, ba con nghe kể về chú BiO mở lớp dạy nên ba chở con tới lớp. Ở đây con học được nhiều môn mà không cần phải đi học thêm. Những bài học trên lớp khá khó, nhưng khi chú giảng lại trở nên rất dễ hiểu”.
Còn em Đặng Ngọc Tâm Như (13 tuổi, học sinh Trường THCS Phước Bình) nói: “Không chỉ dạy các môn trên lớp, chú còn dạy cho tụi con rất nhiều kỹ năng sống. Khi học tốt chú còn dẫn tụi con đi ăn, cho quà nữa”.
Anh Khánh kể, nhiều người quen cũ khi biết anh mở lớp dạy kèm cho học trò nghèo đã rất ngạc nhiên bởi anh chỉ học hết cấp 3, hỏi sao đủ trình độ để đứng lớp. Để dạy được các em, anh tự học mỗi ngày để theo kịp. May mà mình có kiến thức nền khá vững. Nhưng để có thể dạy học trò, mình phải mua sách giáo khoa về học và học cả trên mạng nữa”, anh Khánh chia sẻ.
Tuổi thơ của anh Khánh là những ngày khó nhọc, chứng kiến sự chia ly của gia đình. Lớn lên anh càng thiệt thòi khi không được học đến nơi đến chốn và hiện tại sống không người thân bên cạnh. Đó là một trong những lý do anh đặt suy nghĩ, tình thương vào những đứa trẻ khi chứng kiến sự thiệt thòi của các cháu.
Anh nói: “Mấy đứa nhỏ nhiều đứa hoàn cảnh lắm. Có cháu mồ côi, có cháu cha mẹ là dân lao động nhập cư thu nhập bấp bênh... Do vậy, giúp tụi nhỏ được đoạn nào mình vui đoạn đó”.
Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lop-hoc-cua-thay-bio-627798.html