Lớp học đặc biệt ở TPHCM, cụ ông cụ bà rủ nhau tham gia để bớt cô đơn, tụt hậu
Sợ cô đơn, tụt hậu khi không am hiểu công nghệ, nhiều người già rủ nhau tham gia lớp học dùng mạng xã hội, điện thoại thông minh (smartphone).
Để không lạc lõng, tụt hậu
14h, ông Nguyễn Phương (67 tuổi) chở vợ đến quận 1 (TPHCM) tham gia lớp học đặc biệt. Tại đây, ông, bà và những người cùng tuổi được hướng dẫn sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Trước đây, ông Phương chỉ sử dụng điện thoại cơ bản. Thế nên khi sở hữu chiếc điện thoại thông minh, ông cảm thấy bối rối.
Đặc biệt, khi biết chiếc điện thoại mới tích hợp nhiều tiện ích, ứng dụng có lợi, cần thiết cho cuộc sống, ông càng tò mò. Đôi lúc, ông cảm thấy ức chế vì không hiểu, sử dụng được những tiện ích mà thiết bị này đem lại.
Ông chia sẻ: “Tôi không biết đặt xe ôm công nghệ, không biết đặt đồ ăn, chuyển khoản… qua điện thoại mà phải nhờ người thao tác nên thấy rất phiền. Do đó, khi biết có lớp học dạy sử dụng điện thoại thông minh, tôi thấy cần thiết nên động viên vợ cùng đăng ký tham gia.
Mục đích của tôi là sau khóa học, vợ chồng có những hiểu biết nhất định về điện thoại thông minh, sử dụng được các ứng dụng cơ bản như: Chuyển khoản, đóng tiền điện, nước, gọi, đặt xe, mua thức ăn”.
Trong khi đó, bà Bùi Thanh Lam (64 tuổi) quyết định tham gia lớp học sử dụng điện thoại thông minh do Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ, Thành đoàn TPHCM tổ chức, để bản thân không cảm thấy lạc lõng khi không hiểu biết về công nghệ.
Ở nhà, con cháu bà Lam thường xuyên liên lạc, trò chuyện thông qua mạng xã hội. Thành viên gia đình, bạn bè của bà còn tạo nhóm chat để chia sẻ hình ảnh, khoảnh khắc đáng nhớ trong khi bà chỉ biết nhấn nút nghe, gọi trên điện thoại…
Những ngày đầu mới học, bà Lam nhớ trước quên sau bởi có quá nhiều thao tác và từ ngữ tiếng Anh. Tuy nhiên bà cố gắng ghi chép những kiến thức chưa nhớ, đọc kỹ tài liệu được giáo viên ở lớp cung cấp rồi thao tác theo.
Cùng lớp với bà còn có ông Phan Gặp (82 tuổi, quận Phú Nhuận, TPHCM). Ông Gặp vốn là giáo viên dạy các môn Toán, Lý, Hóa bằng tiếng Anh. Dù đã về hưu, cao tuổi nhưng khi có điện thoại thông minh, ông vẫn mày mò tìm hiểu và có thể sử dụng ở mức cơ bản.
Khi biết có lớp học, ông quyết định tham gia để mình không tụt hậu. Cụ ông tâm sự: “Dù đã về hưu nhưng tôi vẫn sử dụng điện thoại thông minh để tải và cài đặt ứng dụng cần thiết như: Máy tính, từ điển, bản đồ…
Hàng ngày, tôi vẫn sử dụng các ứng dụng này để giải đề Toán, Lý, Hóa như một cách rèn luyện trí não. Tôi cũng biết sử dụng mạng xã hội và một số ứng dụng khác. Tuy nhiên, tôi vẫn đi học để hoàn thiện những kiến thức về điện thoại thông minh.
Đến lớp, tôi được hướng dẫn về các phần mềm, tiện ích cần thiết và không nên có trên điện thoại của mình. Tôi cũng được chia sẻ về cách nhận biết, xử lý thông tin giả trên mạng xã hội, các cuộc gọi mạo danh để không bị lừa”.
Sân chơi bổ ích
Chị Thiềm Phương Anh, phụ trách mảng đào tạo và nghiên cứu khoa học của Trung tâm Phát triển khoa học và công nghệ trẻ cho biết, mô hình lớp học nói trên được thành lập từ năm 2013 và duy trì đến nay. Trước đó, trung tâm chỉ chú trọng dạy học viên làm quen với máy vi tính.
Sau này, trung tâm dạy thêm về cách sử dụng máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh. Những năm gần đây, nhu cầu sử dụng điện thoại thông minh của người cao tuổi tăng cao.
Để đáp ứng nhu cầu trên, trung tâm đã tăng số buổi học từ 5 - 6 buổi/khóa lên 12 buổi/khóa. Chị Anh cho biết: “Hiện nay, các cô chú đến đây chủ yếu mong muốn được học cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính bảng.
Các cô chú muốn sử dụng điện thoại thông minh để kết nối với con cháu, làm chủ ứng dụng có lợi để tự phục vụ một số nhu cầu trong cuộc sống hàng ngày như: Đặt đồ ăn, đặt xe, sử dụng bản đồ để tìm đường…”.
Mỗi buổi học kéo dài trong 2 giờ đồng hồ. Đầu buổi học, các cụ cao tuổi thường dành một khoảng thời gian sinh hoạt chung, thậm chí tổ chức sinh nhật cho nhau.
Khi lớp học bắt đầu, các cụ sẽ được những tình nguyện viên trực tiếp hướng dẫn, thao tác và giải đáp thắc mắc về chiếc điện thoại thông minh. Nhiều cụ ông, cụ bà sau các buổi học tự tin cho biết bản thân đã có thể kết nối với con cháu, làm chủ được một số ứng dụng, tiện ích có lợi trên điện thoại của mình.
Sau 7 buổi học, ông Phương không chỉ biết đọc báo trên điện thoại mà đã bước đầu có thể dùng mạng xã hội để kết nối với bà con, bạn bè. Ông cũng không phải nhờ người khác thao tác khi đặt xe, gọi thức ăn… qua mạng.
Ngồi cũng dãy với ông Phương, cụ bà đang sinh sống ở TP Thủ Đức (TPHCM) tự hào chia sẻ, các buổi học giúp bà dễ dàng kết nối với con gái và cháu ngoại đang sinh sống ở nước ngoài.
Nếu như trước đây, bà chỉ có thể nghe tiếng con gái và cháu ngoại thì hiện nay, cụ đã biết cách gọi video để nhìn thấy mặt con cháu cho đỡ nhớ.
Cụ bà còn đùa rằng, mình có thể tham quan không gian sống của con gái đang định cư ở nước ngoài mà không cần xuất ngoại nhờ việc sử dụng thành thạo mạng xã hội.
Trong khi đó, bà Lam cho biết bản thân hạnh phúc như khám phá được thế giới mới khi có thể làm chủ một số công nghệ, ứng dụng trên điện thoại thông minh.
Bà chia sẻ: “Trước đây, tôi có sử dụng điện thoại thông minh nhưng không rành. Đến lớp học, biết nhiều thứ về chiếc điện thoại của mình, tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Tôi không chỉ biết cách chụp ảnh, quay phim mà còn được hướng dẫn cách tạo ra bức ảnh đẹp, thước phim hay để chia sẻ lên mạng xã hội, gửi cho bạn bè, người thân… Những điều ấy khiến tôi rất vui.
Ngoài ra, khi đến lớp, tôi còn được gặp gỡ, trò chuyện với những người cùng tuổi nên tinh thần rất thoải mái. Tôi thấy lớp học là một sân chơi bổ ích vừa đem lại kiến thức vừa giúp người cao tuổi có nơi sinh hoạt đồng trang lứa”.