Lớp học đặc biệt trên biên cương Mường Lạn

Khi màn đêm buông xuống, tại một số bản vùng cao trên tuyến biên giới huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La lại có những lớp học sáng đèn. Thầy giáo là những cán bộ, chiến sĩ trong bộ quân phục với quân hàm xanh màu lá. Học viên gồm đủ mọi lứa tuổi, đồng thanh ê a theo lời giảng của thầy giáo Biên phòng. Với sự vào cuộc kịp thời của cấp ủy, chính quyền, sự nhiệt huyết, tận tâm của những 'thầy giáo quân hàm xanh', nhiều người lớn tuổi, người mù chữ đã biết đọc, biết viết, góp phần nâng cao dân trí của người dân vùng biên giới Sơn La.

Trung úy Vàng Lao Lừ giảng bài cho học viên tại bản Pá Kạch. Ảnh: Thanh Thuận

Trung úy Vàng Lao Lừ giảng bài cho học viên tại bản Pá Kạch. Ảnh: Thanh Thuận

Vượt khó đi học con chữ

Một buổi chiều mùa hè, sau khi đi thăm Trường Phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Mường Lạn, chúng tôi được cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La đưa đi thăm lớp xóa mù chữ do đồn phụ trách tại bản Pá Kạch, cách trung tâm xã Mường Lạn khoảng 16km. Con đường đi trong buổi chiều biên cương như dài hơn, hun hút hơn bởi gió, những rặng lau lách bên đường. Chúng tôi đến nơi cũng là lúc bóng chiều sập xuống.

Trung úy Vàng Lao Lừ chỉnh tề trong bộ quân phục, vui vẻ chào đón mấy anh em. Anh là người dân tộc Mông, đảm nhiệm vai trò thầy giáo đứng lớp xóa mù chữ tại bản này. Để thuận tiện cho việc dạy học, Trung úy Lừ đã ở lại “cắm bản”. Vừa chỉ kịp tham quan nơi ở của Trung úy Lừ (là phòng công vụ của điểm trường), chúng tôi đã nghe thấy tiếng xe máy bên ngoài. Trung úy Lừ bảo với tôi: “Các học viên đang đến lớp đấy chị”. Tôi đi ra phía đường, từ xa đã thấy lác đác có người đi xe máy, có tốp 3 đến 4 người đi bộ trên tay là chiếc đèn pin soi đường. Những ánh đèn pin loang loáng trong đêm đều tập trung về điểm trường của bản Pá Kạch.

Pá Kạch là một trong những bản khó khăn nhất của xã Mường Lạn, giáp huyện Mường Ét, tỉnh Hủa Phăn, Lào. Bản có 109 hộ với 673 nhân khẩu, trình độ dân trí của một bộ phận nhân dân còn thấp, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn. Bản Pá Kạch hiện vẫn chưa có sóng điện thoại di động, tỷ lệ người dân không biết chữ tại đây còn cao. Trước thực trạng đó, Bộ Chỉ huy BĐBP Sơn La đã phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La chỉ đạo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sốp Cộp và Đồn Biên phòng Mường Lạn mở các lớp xóa mù chữ cho người dân bản Pá Kạch. Cũng như những lần trước, Trung úy Lừ lại xung phong lên bản dạy xóa mù chữ vì từ năm 2017 đến nay, anh đã trực tiếp giảng dạy tại 4 lớp học xóa mù chữ của xã Mường Lạn.

Đúng giờ quy định, các học viên ngay ngắn ngồi vào bàn học. Lớp học được khai giảng từ tháng 3-2021, dự kiến bế giảng vào cuối tháng 12-2021, với 20 học viên, đều là người dân tộc Mông. Khác với những lớp học xóa mù chữ trước đó, học viên lớp xóa mù chữ này trẻ hơn, có em mới chỉ 10 tuổi, lớn tuổi nhất là ngoài 30 tuổi. Nhiều học viên là lao động chính trong gia đình, ban ngày phải đi làm nương, chăn trâu, kiếm củi phụ gia đình nên chỉ có thể học vào buổi tối. Độ tuổi, trình độ, nhận thức không đồng đều là một trong những yếu tố khó khăn cho quá trình giảng dạy của thầy giáo Lừ. Bên cạnh đó, các điểm dân cư ở cách xa nhau, đường đi hoàn toàn là đường đất nên gặp trời mưa, đường trơn trượt gây khó khăn cho việc đến lớp của các học viên. Phụ huynh các em cũng không yên tâm cho con đi lại nếu trời mưa gió, vì đường trơn lại phải đi đường vòng qua đồi mới đến lớp học. Tuy nhiên, các học viên đều khắc phục khó khăn, đến với lớp học của thầy giáo Biên phòng.

Học viên được thầy Lừ chỉ dạy tỉ mỉ môn tiếng Việt và toán cơ bản. Sau vài tháng học, mọi người đã có thể đọc, viết được tên mình, tên bản, tên xã, làm được những phép tính đơn giản. Chị Vàng Thị Dá, 30 tuổi cho biết: “Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi không được đi học từ nhỏ. Nhờ đồn Biên phòng mở lớp xóa mù chữ cho dân bản, tôi rất vui khi được đi học. Tôi sẽ cố gắng học để biết đọc, biết viết, biết tính toán giúp cho việc mua bán thuận lợi hơn”.

Kiên trì xóa mù chữ cho dân

Rời bản Pá Kạch, chúng tôi tới bản Huổi Men cũng thuộc xã Mường Lạn, tìm đến lớp học xóa mù chữ khác do Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn đứng lớp. Trung úy Vì Văn Liêm là người dân tộc Lào, đã từng tham gia dạy xóa mù chữ từ năm 2020. Đây là lớp thứ 2 anh đảm nhiệm. Để tiện cho việc đứng lớp, Trung úy Liêm cũng ở lại “cắm bản”. Ban ngày, anh tăng gia, đi phổ biến kiến thức làm nông cho bà con, giúp bà con những việc phù hợp khi vào mùa vụ...

Huổi Men cũng là bản biên giới, có 38 hộ dân với hơn 300 nhân khẩu. Bản cách trung tâm xã Mường Lạn khoảng 20km. Tuy nhiên, hiện nay, bản Huổi Men đã được thí điểm quy hoạch tập trung, dân cư đã được đưa về sống quây quần quanh bản chứ không phân tán xa như nơi khác, tạo thuận lợi cho việc đi học chữ của bà con.

Lớp học chữ cho bà con bản Huổi Men được đặt tại nhà văn hóa bản. Đó là ngôi nhà bằng gỗ, lợp ngói xi măng. Lớp học có khoảng 20 học viên, độ tuổi từ 15 đến hơn 50 tuổi, cũng đều là người Mông. Học viên nữ chiếm phần lớn trong lớp, chỉ có 2 học viên nam. Hầu hết học viên đều đã lập gia đình, có con nhỏ.

Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận

Trung úy Vì Văn Liêm, cán bộ Đồn Biên phòng Mường Lạn, BĐBP Sơn La dạy xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số tại bản Huổi Men, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La. Ảnh: Thanh Thuận

Trung úy Vì Văn Liêm cho biết, những học viên nữ đã có gia đình rất khó khăn với việc đi học tối. Điển hình như chị Vừ Thị Sai, do hoàn cảnh khó khăn, lại phải chăm mẹ già, con nhỏ nên hay nghỉ học. Trung úy Vì Văn Liêm cho biết thêm: “Thời gian đầu, việc đi học thất thường của một số học viên, bên cạnh nhận thức kém, còn do hoàn cảnh tác động. Ban ngày, chị em phải đi làm nương, đến chiều tối mới về, lại còn phải cơm nước, chăm sóc con cái xong mới đến lớp được. Có người khi đã xong việc nhà thì đã muộn giờ học nên nghỉ học luôn... Tình trạng đó diễn ra liên tục đặc biệt vào dịp thu hoạch hoa màu, nhiều lần tôi phải đến nhà vận động học viên đi học”.

Khi được thầy giáo Biên phòng kiên trì vận động, họ đã dần thay đổi nhận thức, chăm chỉ đến lớp học chữ. Trong lớp học ấm áp, những học viên gác lại những lo toan cuộc sống, say sưa đánh vần những chữ cái phổ thông theo nhịp hô của thầy. Những đôi tay vốn chỉ quen với cái cuốc, cái liềm, con dao quăng phát rừng, làm nương rẫy, nay run run nắn nót từng nét chữ trên trang giấy trắng. Những chữ cái phổ thông dần được các chị, các cô, chú quen mặt và biết ghép từ để tạo thành những câu hoàn chỉnh...

Thiếu tá Lò Văn Tuân, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lạn cho biết: “Thời gian qua, các lớp xóa mù chữ trên địa bàn Mường Lạn đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Các đồng chí được đơn vị giao đứng lớp đã luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt làm tốt công tác dân vận, thường xuyên tham mưu cho Đảng ủy, Ban Chỉ huy đơn vị triển khai các mô hình phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương”.

Những lớp học đặc biệt mỗi tối trên biên cương Mường Lạn đã và đang góp phần nâng cao dân trí, mang lại cuộc sống tốt đẹp hơn đến với cư dân biên giới - những người luôn sát cánh cùng BĐBP bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.

Thanh Thuận

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/lop-hoc-dac-biet-tren-bien-cuong-muong-lan-post445584.html