Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - giá trị lý luận và thực tiễn
Những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên để lại cho Đảng và cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý như cách thức Đảng tuyển chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là với cán bộ cấp chiến lược.
Chiều 20/1, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề: “Lớp học đầu tiên thời dựng Đảng - Giá trị lý luận và thực tiễn,” kỷ niệm 100 năm Ngày Bác Hồ mở lớp huấn luyện đào tạo cán bộ ở Quảng Châu (1925-2025) và 95 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2025).
Dự và phát biểu tại hội thảo, Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ cuối năm 1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), lớp huấn luyện chính trị chính thức đầu tiên được tổ chức, mở ra một bước ngoặt mới trong quá trình tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng; chuẩn bị cho việc thành lập Đảng và công cuộc cứu nước, giải phóng dân tộc.
Vượt qua mọi khó khăn, trong giai đoạn 1925-1927, Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên đã mở được 10 lớp huấn luyện, mỗi lớp học tập một tháng rưỡi cho khoảng 250-300 học viên; có thể được coi là những khóa huấn luyện cán bộ “chính quy” đầu tiên, với cách thức tổ chức quản lý lớp, huấn luyện học viên rất hệ thống, bài bản, toàn diện, thiết thực, không ham nhiều, “mở lớp nào cho ra lớp ấy.”
Đích thân lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cùng một số cán bộ chủ chốt của Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên và cán bộ Soviet trong phái đoàn đại diện của Chính phủ Liên Xô bên cạnh Chính phủ Trung Hoa Quốc dân Đảng, cán bộ của Đảng Cộng sản Trung Quốc trực tiếp tham gia giảng dạy, huấn luyện.
Các học viên tham gia chương trình huấn luyện đã được khai mở tri thức về lịch sử cách mạng thế giới, lý luận Marx-Lenin, quan điểm cách mạng của Quốc tế cộng sản và của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc; được chú trọng trang bị kiến thức lý luận đi đôi với phương pháp tư duy và phương thức hoạt động cách mạng... từ đó hình thành thế giới quan và nhân sinh quan cách mạng đúng đắn.
Cũng kể từ đây, phong trào cách mạng Việt Nam đã bước sang một trang mới, một bước phát triển cả về chất và lượng, được trang bị về vũ khí tư tưởng-lý luận và về xây dựng đội ngũ, công tác tổ chức-cán bộ, tiền đề hết sức quan trọng tiến tới việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào mùa xuân năm 1930.
“Nhìn lại 100 năm đã trôi qua, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc, giá trị, ý nghĩa và đúc kết được những bài học vô cùng quý báu từ những lớp học đầu tiên thời dựng Đảng, cứu quốc, mở đầu cho truyền thống đào tạo, bồi dưỡng cán bộ vẻ vang, rất đỗi tự hào của Đảng Cộng sản Việt Nam,” ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Xuân Thắng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh là người thầy đầu tiên trong công tác huấn luyện cán bộ của Đảng, người đã đặt nền móng vững chắc cho sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
Tại những lớp huấn luyện cán bộ, phương pháp của Người vừa đơn giản, dễ hiểu nhưng lại rất thiết thực và khoa học, tập trung vào hoạt động thuyết trình, thảo luận theo nhóm, phân vai thực hành... giúp người học vừa nắm chắc lý thuyết, vừa có khả năng vận dụng ngay những điều được huấn luyện vào hoạt động thực tiễn.
Tư tưởng, nội dung, nguyên tắc, phương pháp huấn luyện cán bộ cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt cơ sở nền tảng về lý luận và thực tiễn cho sự hình thành và phát triển quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Hơn 50 tham luận và các ý kiến trình bày tại hội thảo của các nhà khoa học, đại diện các cơ quan Đảng, Nhà nước, các Ban, Bộ, Ngành ở Trung ương và đại diện lãnh đạo một số tỉnh, thành phố, quận, huyện trên phạm vi cả nước bằng những luận cứ khoa học, từ nhiều góc độ khác nhau, các báo cáo, tham luận đã tập trung phân tích, làm sáng rõ tầm nhìn chiến lược của Hồ Chí Minh về công tác huấn luyện cán bộ; giá trị lý luận và thực tiễn của lớp học đầu tiên thời dựng Đảng; kế thừa, phát triển di sản to lớn từ những lớp học đầu tiên dành cho thế hệ cán bộ cách mạng thời dựng Đảng, kể từ khi ra đời cho đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam không ngừng bổ sung, hoàn thiện đường lối, chính sách về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng.
Nhà nghiên cứu Trương Vệ Ba của Ban Nghiên cứu và Giảng dạy Lịch sử Đảng, Trường Đảng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc nhấn mạnh: việc Nguyễn Ái Quốc mở Lớp đào tạo chính trị cán bộ thanh niên yêu nước Việt Nam tại Quảng Châu năm 1925 có vị trí và vai trò hết sức quan trọng trong lịch sử cách mạng Việt Nam và lịch sử đào tạo cán bộ của dân tộc Việt Nam, đồng thời, cũng đóng vai trò tích cực và có ảnh hưởng sâu rộng trong việc thúc đẩy cách mạng Trung Quốc.
Lớp đào tạo chính trị dành cho cán bộ trẻ yêu nước Việt Nam do Nguyễn Ái Quốc sáng lập tại Quảng Châu đã đào tạo hơn 70 cán bộ, một số cán bộ sau này vào Trường Quân sự Hoàng Phố.
Trong số họ, nhiều người đã trở thành nòng cốt của cách mạng Việt Nam sau này trở thành lực lượng trung kiên của cuộc đấu tranh vũ trang ở Việt Nam.
Trong số đó, Hồng Thủy (tức tướng Nguyễn Sơn) cũng có những đóng góp to lớn cho cách mạng Trung Quốc và là vị tướng nước ngoài duy nhất được Trung Quốc phong quân hàm vào năm 1955.
Các ý kiến và tham luận cũng cho rằng những lớp huấn luyện cán bộ đầu tiên, đã để lại cho Đảng và cách mạng Việt Nam nhiều bài học kinh nghiệm quý như cách thức Đảng tuyển chọn đối tượng đào tạo, bồi dưỡng, nhất là đối với cán bộ cấp chiến lược.
Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương cho biết, trong cuốn sách “Sửa đổi lối làm việc,” Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Mở lớp huấn luyện là một việc rất tốt, rất cần. Nhưng phải hiểu rằng: học cốt để mà làm. Học mà không làm được, học mấy cũng vô ích. Vì vậy huấn luyện phải thiết thực, sao cho những người đến học, học rồi, về địa phương họ có thể thực hành ngay.”
Theo Giáo sư, Tiến sỹ Tạ Ngọc Tấn, một trong những bài học quý từ lớp học đầu tiên thời dựng Đảng đó là học đi đôi với hành. Chỉ có gắn công tác đào tạo, bồi dưỡng với tình hình, bối cảnh, điều kiện thực tế, thực tiễn mới giúp cho cán bộ thích ứng và thực thi tốt các nhiệm vụ chính trị. Khi người cán bộ qua đào tạo mà hoàn thành được nhiệm vụ chính trị đặt ra, đó chính là biểu hiện rõ ràng nhất, thực chất nhất của chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo cũng như đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra đối với đội ngũ cán bộ./.