Lớp học mùa Hè ở Tam Va

Những đợt nắng, mưa dông của tháng Sáu không ngăn được bước chân của bà con xóm Tam Va, xã Văn Lăng (Đồng Hỷ), đến nhà văn hóa theo học chương trình xóa mù chữ dành cho đối tượng từ 15 đến 60 tuổi.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Văn Lăng giúp học viên cao tuổi đánh vần.

Giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học Văn Lăng giúp học viên cao tuổi đánh vần.

Trường Phổ thông Dân tộc bán trú Tiểu học số 1 Văn Lăng đã vào kỳ nghỉ hè, nhưng mỗi buổi chiều giáo viên lại tập trung thành nhóm sinh hoạt chuyên môn sôi nổi. Các thầy, cô chuẩn bị đèn, sách vở, máy tính, xăng xe máy… để tối đến ngược núi lên xóm Tam Va và Bản Tèn dạy chữ cho bà con đồng bào Mông đang sinh sống tại đây.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyên, Hiệu trưởng Nhà trường, cho biết: Trường được giao nhiệm vụ tổ chức 2 lớp học XMC cho 51 học viên chủ yếu là đồng bào Mông đang sinh sống tại xã và cũng là điểm duy nhất của huyện thực hiện chương trình XMC từ đầu năm đến nay. Để thuận tiện cho việc đến lớp học, trên cơ sở người dân đăng ký nhu cầu học, Trường cắt cử giáo viên luân phiên lên lớp vào các buổi tối tại nhà văn hóa khu dân cư. Đầu năm 2024, khi tổ chức lớp, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn vì học viên “ngại” đi học...

Nhà trường cùng cấp ủy, chính quyền địa phương phải đến vận động từng nhà, thậm chí tổ chức hoạt động ngoại khóa mỗi tuần 1 buổi, như hát karaoke, sinh hoạt nhóm theo chuyên đề cho người dân làm quen với con chữ, tập đánh vần theo nhạc…

Các hoạt động ngoại khóa vào buổi tối không chỉ thu hút học viên mà cả các em học sinh, người dân trong vùng tham gia, trên tinh thần người biết chữ nhiều hướng dẫn người biết ít. Cứ duy trì như vậy, lớp học từ chỗ chỉ có 5-7 học viên, sau hơn 1 tháng đã lấp đầy 23 người trong diện XMC.

Ngoài ra, lớp học còn thu hút thêm gần chục người đăng ký theo học ôn lại kiến thức về các phép tính môn Toán và viết chính tả, soạn tin nhắn trên điện thoại di động. Dần dần, bà con tự tin hơn và tự giác tập trung đủ sĩ số đến lớp vào các buổi tối.

Bà Hoàn Thị Mỵ, năm nay đã 60 tuổi, các con cũng đã gần 40 tuổi và đều học hết THCS, đã gác lại những mặc cảm, tự ti cùng cháu đến lớp học. Bà chia sẻ: Con, cháu đều biết chữ cả, mình không biết chữ thấy xấu hổ lắm!. Các con, cháu đi làm, đi học cũng xấu hổ thay vì mình mang cái tiếng “mù chữ”. Bây giờ làm gì cũng phải biết chữ, thay vì phải lăn vân tay như trước. Ra chợ không biết chữ, ai bảo gì cũng tin, nhiều thứ họ quảng cáo không đúng với cái chữ ghi trên sản phẩm… mua về con cháu nói nặng lời là không biết chữ nên bị lừa, mất tiền oan… nghĩ thấy tủi thân, nên phải học chữ thôi.

Chị Hầu Thị Xay, 26 tuổi, gia đình làm dịch vụ nhỏ lẻ, kinh tế khá hơn các gia đình khác trong xóm, đi học XMC với mong muốn sẽ học lái ô tô hỗ trợ chồng kinh doanh, nên theo học chăm chỉ và làm Lớp trưởng. Chị cho biết: Trước kia, tôi đã học hết lớp 2, nhưng gia đình khó khăn, nên bỏ học theo cha, mẹ đi làm nương rẫy. Giờ đây, làm ăn luôn cần phải viết các hợp đồng, tính toán… nên tôi phải học mới làm chủ được kinh tế gia đình.

Hình thức học chữ qua hát karaoke tạo hứng thú cho các học viên.

Hình thức học chữ qua hát karaoke tạo hứng thú cho các học viên.

Để tiếp thu nhanh, hiệu quả, các cô giáo đều rèn luyện cho mình kỹ năng giao tiếp bằng tiếng Mông, rồi cho học viên thực hiện các bài học dịch từ tiếng Việt sang tiếng Mông và ngược lại. Từ tháng 2-2024 đến nay, học viên đều đã hoàn thành phần ghép vần và đọc hiểu được các đoạn văn ngắn, rút ngắn được gần 1/2 thời gian dự kiến.

Cô giáo Đỗ Thị Hợp, nhà ở xóm Khe Mong, Xã Văn Lăng, đã gắn bó với đồng bào Mông nơi đây hàng chục năm, nên khi thấy bà con sẵn sàng gác lại việc riêng để tối nào cũng đi học chữ, đã tình nguyện dành cả kỳ nghỉ hè này đi dạy học. Tối nào cô cũng vượt 8km đường rừng để đến lớp đúng 19h30 phút. Nhiều tối mưa rừng xối xả, cô cùng đồng nghiệp sẵn sàng ở lại cùng bà con bản Tam Va.

Còn cô giáo Triệu Xuân Thùy, nhà ở xã Phấn Mễ (Phú Lương), cách lớp học gần 20km, nhưng hàng tuần ở lại Trường để kịp lên lớp vào các buổi tối. Cô Thùy tâm sự: Trước đây chưa có hoạt động giáo dục buổi tối, bà con thường tụ tập xem phim, lên mạng xem các thông tin nên khi vận động đi học rất khó. Nhưng khi họ đã nhận thức XMC là nhu cầu tự thân và vượt qua được những mặc cảm tự ti vì già còn đi học như con trẻ thì Nhà trường và giáo viên luôn sẵn lòng phục vụ.

Chị Lý Thị Sinh, 21 tuổi, là học viên ít tuổi nhất, có 3 con, tối nào cũng được chồng đưa đến lớp, ẵm theo con nhỏ để học viết. Chị chia sẻ: Không biết chữ thì xấu hổ lắm! Nghe quảng cáo tuyển dụng lao động, mình cũng đi phỏng vấn. Người ta bảo không biết chữ thì không được đi làm, thế là lủi thủi bế con ngược núi về bản, còn mọi người biết chữ thì được đi làm công ty… Bây giờ thì cả nhà đi học, con học tiểu học vừa giúp mẹ học chữ, vừa ôn lại bài. Bố thì trông con và cũng ôn lại chính tả, làm Toán… Cả nhà tôi cùng nhau ôn bài, làm bài tập, rất vui.

Hằng tuần, bên cạnh các buổi học ngoại khóa, giáo viên Nhà trường còn tổ chức bữa cơm chung cuối tháng cùng học viên ngay tại nhà văn hóa. Cách làm này đã thu hút đông đảo học viên và cũng là một trong những hoạt động sinh hoạt cộng đồng bổ ích vào các buổi tối cuối tuần ở Tam Va...

Từ nay đến hết năm 2024, lớp học này sẽ hoàn thành chương trình XMC. Thời gian tới, huyện Đồng Hỷ sẽ nhân rộng mô hình lớp học XMC cắm bản cho gần 500 đối tượng trong độ tuổi từ 15-60 tại các xóm, xã còn lại.

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/xa-hoi/202406/lop-hoc-mua-he-otam-va-33c140b/