Lớp học ở vườn

Ngày càng có nhiều tổ chức giáo dục, bằng nhiều hình thức đang đưa học sinh trở về tìm hiểu, gắn bó với thiên nhiên, bảo vệ môi trường… qua các chương trình thực hành, trải nghiệm sống xanh.

Tận dụng tài nguyên xanh

Ba năm trước, bức xúc trước tình trạng thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, chủ nhân của một ngôi vườn xanh ở phường Bình Trưng Đông, quận 2, TPHCM, vốn là một người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, đã quyết tâm về làm vườn. Từng có cơ hội đi công tác ở nhiều nơi trong và ngoài nước, được tham quan nhiều khu vườn sinh thái nên chị quyết tâm tìm hiểu và thực hành. Trước khi bắt tay vào dự án của mình, chị xin làm tình nguyện viên ở một số vườn rau để tự tay trồng rau, làm cỏ, rồi theo nông dân đi học trồng rau sạch ở các lớp khuyến nông do thành phố tổ chức.

Ngày khởi công, nhìn mảnh đất hoang tàn, ai cũng ngao ngán vì khu đất phèn nứt nẻ, rác thải khắp nơi. Hàng xóm nghe nói chị về trồng rau, ai cũng cản vì đất này “không có một cái cây nào mọc được”. Thế nhưng, giấc mơ về một khu vườn xanh sạch đi cùng những giải pháp cho môi trường vẫn không nguôi ngoai trong tâm trí của chị. Một khu vườn không cần phải đầu tư tiền tỷ mà tận dụng từ một nguồn tài nguyên sẵn có: rác thải. Sau khi dọn dẹp, nhặt từng mảnh vụn xà bần, hàng ngày, chị bắt đầu chở rác hữu cơ về đổ xuống vườn để nuôi dưỡng đất. Nguồn rác hữu cơ được chị khai thác từ việc phân loại rác trong gia đình, từ các nhà hàng xóm, vỏ bắp, bã mía thì chị gom từ những khu chợ gần nhà. Sáu tháng sau, khu vườn đã lấp lánh màu xanh.

Chị học hỏi và phòng chống sâu bệnh bằng thảo dược; áp dụng công nghệ vi sinh trong quá trình ủ phân truyền thống bằng cỏ rác trong vườn. Mảnh đất khô cằn đã trở nên tơi xốp; khu vườn xanh mượt mà với bao loại rau, cây thuốc. Bình yên nên chim chóc rủ nhau tụ về.

Gắn việc làm vườn với bảo vệ môi trường, truyền cảm hứng cho lối sống tối giản và sống xanh, vườn còn có nhiều hoạt động tuyên truyền việc hạn chế sử dụng bao ni lông, tái chế rác thải làm nước tẩy rửa, nấu nước tắm gội bằng lá cỏ trong vườn… Ngôi nhà nhỏ trong vườn cũng được làm bằng vật liệu thân thiện bằng tre, lá dừa, bùn đất…

Những thông điệp xanh

Sự hồi sinh kỳ diệu của ngôi vườn đã là nguồn cảm hứng và thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm đến môi trường và lối sống xanh. Thế là hàng tuần, rất nhiều bạn trẻ từ Trường Đại học Nông lâm TPHCM, Đại học Bách khoa TPHCM… xin về vườn làm tình nguyện viên để thực hành trồng rau, nhổ cỏ, ủ phân. Bạn Nguyễn Phú (sinh viên Đại học Nông lâm TPHCM) chia sẻ: “Những gì tôi thực hành và học hỏi được ở ngôi vườn này thật sinh động và sâu sắc”. Sau buổi làm vườn buổi sáng, bạn Nguyễn Vũ Luân, thành viên của 2030 (tổ chức được sự hỗ trợ của Liên hiệp quốc), truyền cảm hứng cho giới trẻ Việt Nam về việc tham gia 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên hiệp quốc, cho biết: “Hàng năm, trong số các hoạt động của chúng tôi đều có chương trình tập huấn, đào tạo nguồn lực để xây dựng một thế hệ trẻ mới, hiểu biết về môi trường, hệ sinh thái bền vững… Chúng tôi về vườn để tìm hiểu sự vận hành của một mô hình vườn hướng tới hệ sinh thái tự nhiên…”.

Cô Phạm Thị Thùy Dương, Trung tâm Viện châu Á tại Việt Nam, một trong những người khởi động chương trình giáo dục “Những công dân toàn cầu” đã kết nối với khu vườn này từ rất sớm. Cô cho biết: “Chúng tôi mong muốn xây dựng một chương trình giáo dục ngoại khóa phi lợi nhuận, góp phần vào mục tiêu xây dựng lối sống xanh cho thế hệ trẻ Việt Nam thông qua các hành vi xanh và sáng kiến xanh. Năm nào chúng tôi cũng đưa các bé về đây để tìm hiểu và thực hành các hành vi thân thiện với môi trường, từ đó giúp lan tỏa tới gia đình, bạn bè và cộng đồng. Trải nghiệm thực tế ngoài thiên nhiên là phương pháp giáo dục tâm hồn cho các bé thông qua cảm xúc, tình yêu, sự tử tế và khát vọng sáng tạo”.

Với những câu chuyện từ rác, nhóm trẻ Tatuplay của cô Hà Ngọc Nga lại về vườn để tìm câu trả lời “Rác ơi bạn đi đâu thế?”. Theo cô, đến đây, các bé được học về lối sống trân quý thiên nhiên, được tìm hiểu sự sống của cỏ cây hoa lá, hiểu giá trị của từng cọng rác, bụi rau; tự mình nấu cơm, học phân loại rác, làm nước rửa chén từ vỏ cây…

Là một thành viên kỳ cựu của Hội quán các bà mẹ, nhiều năm phụ trách các lớp học ngoại khóa thiên nhiên, cô Trần Hoài Thu lại hướng các bé vào nguồn cảm hứng nghiên cứu khoa học với các chương trình ở vườn như: tìm hiểu về các loại cây rau, cây thuốc, thói quen ăn uống dưỡng sinh của người Việt; pha chế nước uống từ rau củ quả, chế biến tinh dầu, làm trò chơi, con rối… từ cỏ cây, hoa lá. Còn thầy trò Smart Home School lại biến vườn thành không gian sáng tạo: đọc sách, vẽ cỏ cây…, cô Nguyễn Thúy Hằng, giáo viên Trường quốc tế Wellspring, chia sẻ: “Ở lứa tuổi thiếu niên, các con thường bị hút vào thế giới mạng, không dễ gì tách chúng ra khỏi việc sử dụng điện thoại và máy tính bảng. Thật bất ngờ, khi về vườn các con lại nhanh chóng “buông vũ khí”, hào hứng hòa mình với thiên nhiên…”.

Đến vườn với tâm thế “Nhà con có người giúp việc…”, “Nhà con có nồi cơm điện…”, nhưng sau khi tự mình nổi lửa nấu cơm, mặt mũi lấm lem, mồ hôi nhễ nhại, bọn trẻ lại đồng thanh: “Chưa bao giờ con được ăn ngon như thế!”.

Chia tay với vườn xanh, mỗi vị khách đều được tặng hạt giống hoặc một cái cây nho nhỏ. Bớt một cọng rác, trồng thêm một cái cây, là thông điệp xanh mà ngôi vườn muốn lan tỏa.

VIỆT HÀ

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/lop-hoc-o-vuon-641827.html