Lớp học vẹn tròn yêu thương của cô giáo Vỵ
Khuyết tật vận động, khuyết tật trí tuệ, khuyết tật ngôn ngữ - những đứa trẻ không 'vẹn tròn' cơ thể, trí tuệ ấy được ấp ôm bởi lòng nhân ái của cô giáo đã nghỉ hưu Hoàng Thị Vỵ ở thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái. Cô Vỵ như người mẹ thứ hai khi dành tâm sức, tình thương để tự nguyện dạy chữ miễn phí, chăm sóc cho những đứa trẻ vốn nhiều thiệt thòi
Những đôi mắt háo hức nhìn theo cây thước gỗ của cô giáo Hoàng Thị Vỵ, thôn Ngòi Khang, xã Bảo Ái, huyện Yên Bình trong mỗi tiết lên lớp như càng tiếp thêm động lực để cô Vỵ dạy các con biết chữ. Khó khăn lắm những học sinh này mới có thể nắn chỉnh khuôn miệng sao cho âm phát ra được " tròn vành, rõ chữ". Phải mất cả tháng luyện tập, các em mới có thể đọc và nhớ được từng chữ, từng từ như vậy. Cô giáo Hoàng Thị Vỵ tâm sự, học sinh ở đây đa phần đều không thể theo học trên lớp với các bạn cùng trang lứa, các em thật sự thiệt thòi. Mình nghỉ hưu, có thời gian, muốn làm điều gì đó giúp các em và gia đình phần nào vơi bớt vất vả, thiệt thòi.
"Tôi vốn là giáo viên nên tôi cũng có kinh nghiệm về dạy học, tôi cũng học hỏi các kinh nghiệm trên nhiều kênh thông tin đại chúng, cầm tay uốn nắm từng động tác của từng bạn một, tùy theo từng dạng khuyết tật để cố gắng dạy các bạn"- cô Vỵ chia sẻ.
Suy nghĩ của một người đầy lòng nhân hậu, không toan tính thiệt hơn đã thôi thúc cô Vỵ tự tìm tòi, nghiên cứu những cách thức tiếp cận, chăm sóc trẻ khuyết tật, rồi chủ động đến tận nhà nhiều em để dạy chữ, hỗ trợ gia đình chăm sóc các em và mở lớp ngay tại thôn để các học trò "đặc biệt” tham gia lớp học. Một phụ huynh học sinh của lớp học nói: "Khi xuống lớp con được hỏi hỏi rất nhiều, con thay đổi từng ngày".
Để có lớp cho các con đến học, cô Vy đã mượn tạm Nhà văn hóa thôn Ngòi Khang. Bàn học thì được xin từ một số gia đình trong thôn; bảng phấn và đồ dùng dạy học thì cô Vỵ tự chuẩn bị. Đơn giản là vậy, mà từ nơi này, nhiều đứa trẻ đã biết đọc, biết viết, biết ca hát, biết vâng lời cha mẹ khi về nhà và phần nào tự chăm sóc được bản thân. Cô Vỵ xúc động chia sẻ: "Tôi cũng làm công tác động viên tư tưởng gia đình, vận động gia đình cố gắng hợp tác với tôi để cùng nhau dạy các cháu, cố gắng học cùng các cháu, dành nhiều thời gian cho các bạn hơn...."
Có những lúc tưởng chừng không thể duy trì được lớp học vì nhiều phụ huynh không giữ được sự bền bỉ dẫn đến nản lòng; sách vở thì thiếu, đồ dùng học tập không phải em nào cũng có; sĩ số của lớp cũng ít khi được đông đủ bởi các em bị đau ốm thường xuyên phải đi viện…. Thế nhưng mưa dầm thấm lâu, từ sự kiên trì và trái tim nhân hậu, hành động ấm áp, nghĩa tình của cô giáo Vỵ mà lớp học dần dần được nhiều người biết đến và tin tưởng gửi con. Ông Lê Chí Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Bảo Ái, huyện Yên Bình cho biết: "Lớp học tình thương dạy trẻ khuyết tật của bà Hoàng Thị Vỵ hết sức đặc biệt, trên tinh thần tự nguyện, giúp cho các cháu được học. Đến nay các cháu cũng đã biết đọc biết viết, đây là nguồn động viên rất lớn với các gia đình và địa phương hết sức ủng hộ".
Đến nay, đã có 17 trẻ khuyết tật được cô Vỵ mang lại những đổi thay trong cuộc sống; trong đó có 13 em có thay đổi rõ rệt về kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp, 4 em đọc và viết tương đối thành thạo, có em đã đến được trường với các bạn. Với cô giáo Hoàng Thị Vỵ, hạnh phúc chính là được chứng kiến những đổi thay ấy từ những học trò đặc biệt của mình.
Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/lop-hoc-ven-tron-yeu-thuong-cua-co-giao-vy-post1059755.vov