Lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc của thầy giáo mang quân hàm xanh
Trong lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc, thầy giáo trẻ Vàng Lao Lừ mặc quân phục xanh cùng hàng chục học sinh độ tuổi khác nhau tập đọc, tập viết.
Lớp học xóa mù chữ của thầy giáo quân hàm xanh
Trong tổng số 120 học sinh, thanh niên dân tộc thiểu số tiêu biểu được vinh danh năm 2019, trung úy – thầy giáo Vàng Lao Lừ nổi bật với bộ quân phục xanh.
Cứ 19 giờ hàng ngày, trong một phòng học nhỏ của trường tiểu học bán trú Mường Lạn (huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La) leo lét ánh đèn từ nguồn điện năng lượng mặt trời.
Thầy Lừ đứng lớp với hàng chục học sinh. Những học sinh của thầy giáo quân hàm xanh ở nhiều độ tuổi khác nhau. Nhỏ tuổi thì lên 6, lên 7, cũng có học sinh đã lên chức ông, chức bà.
Lớp học này chỉ mới được tổ chức khoảng gần 1 năm.
Trước đó thầy Lừ đã hoàn tất công cuộc xóa mù chữ ở bản Co Muông cách đó dăm quả núi.
Trong cuộc hành trình cõng chữ lên non còn nhiều vất vả, thầy Lừ dần quên tuổi của mình nhưng chẳng thể nào quên được khuôn mặt, giọng nói, nét chữ của từng học sinh.
Thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ sinh ra trong một gia đình nghèo tại huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La.
Ngay từ thuở còn đi học, chàng trai người dân tộc Mông hiếu học đã ấp ủ ước mơ trở thành một chiến sĩ biên phòng, sắc phục xanh lá cây, rong ruổi non cao bảo vệ từng tấc đất quê hương.
Nghĩ là làm, học xong lớp 12, Vàng Lao Lừ viết đơn xin đi nghĩa vụ quân sự. Nhờ ý chí và phấn đầu không ngừng nghỉ sau khi hoàn thành 2 khóa huấn luyện tại Tiểu đoàn huấn luyện – Cơ động, anh được phân công về đồn Biên phòng Mường Lạn và làm công tác quần chúng.
Đi sâu, đi sát vào quần chúng, trung úy Vàng Lao Lừ nhận thấy bà con có mong muốn được học con chữ.
Anh Lừ tâm sự: “Tôi cũng là một thanh niên người dân tộc Mông. Nhờ con chữ tôi mới có cơ hội làm bộ đội biên phòng.
Do vậy con chữ rất quan trọng. Chính vì thế tôi muốn đem con chữ của mình đến bà con.
Tôi hy vọng rằng sau những lớp học xóa mù. Học sinh có thể vận dụng những kiến thức đã học áp dụng vào trong cuộc sống.
Khi bà con được học con chữ, tôi thấy họ rất vui vẻ. Đây cũng là niềm vui và động lực để tôi tiếp tục hành trình mang con chữ đến đồng bào”.
Để có được một lớp học nhỏ xinh với hàng chục học sinh đủ mọi lứa tuổi là những ngày băng rừng, lội suối đến từng thôn bản để vận động bà con đi học.
Nhớ về quãng thời gian này, trung úy Vàng Lao Lừ trải lòng:
“Lớp học của tôi đặc biệt vì mọi người đủ mọi lứa tuổi. Học sinh nhỏ cũng có mà người lớn cũng có. Có người đang là công an viên, hội trưởng hội phụ nữ.
Nhưng để có 36 học sinh này thời gian đầu mình phải mất nhiều công sức vận động họ. Do cuộc sống của người Mông là tự cung tự cấp. Cho nên họ nghĩ rằng chỉ cần làm nương rẫy là đủ mà không cần học chữ”.
Với những khó khăn kể trên, anh Vàng Lao Lừ đã dần dần thuyết phục bà con bằng việc chỉ cho họ nhiều biện pháp canh nông như cách chăm sóc, lựa chọn con giống, phòng trừ sâu bệnh…
Đến khi cuộc sống của người dân thay đổi theo hướng tích cực, khấm khá hơn họ mới tin và theo anh học chữ.
Sau gần 3 năm mở lớp dạy xóa mù chữ cho đồng bào người Mông. Đến nay, khóa học sinh đầu tiên của thầy Lừ đã đọc thông, viết thạo, biết tính toán và ứng dụng và đời sống.
Thế nhưng cuộc hành trình gieo con chữ của thầy giáo quân hàm xanh Vàng Lao Lừ vẫn chưa dừng lại.
Xắn tay áo lao động cùng nhân dân
Khi được hỏi bí quyết gì giúp thầy Lừ có thể vận động và thuyết phục được học sinh. Thầy Lừ trả lời: Gần gũi người dân, sống và lao động cùng họ.
Bên cạnh lớp học xóa mù chữ cho đồng bào người Mông, thầy Lừ còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người dân phát triển kinh tế, thay đổi tập quán của người dân.
Không ít lần người dân bản Co Muông nhìn thấy hình ảnh trung úy – thầy giáo Lừ xắn tay áo cùng lao động với người dân.
Chính khoảnh khắc đó đã xây dựng hình ảnh người lính cụ Hồ một lòng vì dân, thương lo cho dân.
Anh Giàng A Co, người dân bản Co Muông chia sẻ:
“Trước đây điều kiện kinh tế gia đình còn khó khăn nên không được đi học.
Nay tôi được tham gia lớp học của thầy giáo Lừ. Tôi đã biết con chữ, biết viết tên của mình. Tôi cũng được thầy Lừ hướng dẫn việc chăn nuôi, trồng cây”.
Trong nhiều năm đi vận động và mở lớp xóa mù chữ cho người dân, thầy giáo Lừ vẫn không sao quên được hình ảnh một gia đình có cả 3 bố con cùng đi học.
Thầy Lừ kể: “Một gia đình có 3 bố con đi học làm tôi rất ấn tượng. Ban đầu để thuyết phục gia đình cho con đi học khó khăn lắm. Tôi phải về nhà học ngồi nói chuyện. Sau đó hướng dẫn cho họ cách chăn nuôi, trồng trọt đem lại hiệu quả kinh tế.
Nhờ đó mà khi họ cảm nhận được cuộc sống của mình thay đổi họ mới bắt đầu đi học. Ông bố còn hỏi tôi rằng: Cả nhà 3 bố con chúng tôi có đi học được không. Tôi bảo cả nhà bác đi học cũng được.
Đến nay, gia đình đã có kinh tế khấm khá, có máy xát thóc để phục vụ bà con”.
Gần dân, sâu sát với nhân dân cũng giúp thầy giáo Lừ lập nên công trạng hiển hách khi tham gia giải cứu một vụ nữ sinh bị bắt cóc.
Mấy năm trước, bản Co Muông là mục tiêu nhắm đến của các đối tượng buôn bán người qua biên giới. Em Vàng Thị Sênh (sinh năm 2000) là học sinh của thầy Lừ cũng từng suýt là nạn nhân của bọn buôn người.
Thầy Lừ kể lại: “Hôm đó khi đang dạy học tôi không thấy Sênh đến lớp. Tôi đã hỏi em gái của Sênh sao không đến lớp thì em đó bảo có khách đến nhà.
Nhưng sáng hôm sau anh trai Sênh lại hỏi: Sênh có ngủ quên trên lớp không mà hôm qua không thấy về.
Tôi thấy chuyện chẳng lành nên đã nhanh chóng báo cáo cơ quan, điều tra và giải cứu em Sênh”.
Qua tìm hiểu, thầy Lừ được biết có 2 đối tượng lạ mặt đưa Sênh đi quê ở Yên Bái.
Sau một hồi tìm kiếm thông tin qua manh mối, cùng sự trợ giúp của cơ quan chức năng cuối cùng thầy Lừ đã giải cứu thành công nạn nhân Sênh khi em đang bị đưa ra bến xe Mỹ Đình để đưa qua Lào Cai bán sang biên giới.
Xuất phát từ câu chuyện này, trong những tiết học thầy Lừ luôn lồng ghép những bài học dạy học sinh bảo vệ chính mình.
Không chỉ có vậy thầy giáo Vàng Lao Lừ còn thường xuyên hướng dẫn, phân tích cho các em những điều hay lẽ phải hay như chuyện tảo hôn. Đối với thầy giáo Lừ dạy con chữ còn là dạy cách làm người.
Thầy Lừ chia sẻ: “Do điều kiện kinh tế nơi đây còn khó khăn và xa xôi cách trở. Trẻ con được ít có điều kiện tiếp cận văn minh nên tôi luôn muốn hướng dẫn các em từ những điều nhỏ nhất.
Dạy con chữ và dạy cách làm người để các thay đổi cuộc sống của chính mình và thế hệ mai sau”.
Mong ước của thầy Lừ cũng thắp sáng cuộc đời của nhiều đứa trẻ người Mông. Đôi bàn chân người lính mỗi tối lại miệt mài chong đèn, mang con chữ rong ruổi rẻo cao đến với đồng bào dân tộc.