Lớp học xóa mù giữa đại ngàn Bát Xát, Lào Cai

Đứng chân làm nhiệm vụ trên địa bàn hai huyện Bát Xát và Mường Khương, tỉnh Lào Cai, những năm qua, bên cạnh việc tích cực triển khai các dự án giúp nhân dân địa phương xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng (KT-QP) 345, Quân khu 2 còn phối hợp với Trung tâm học tập cộng đồng các xã Trịnh Tường, A Mú Sung, huyện Bát Xát mở các lớp xóa mù chữ cho nhân dân trên địa bàn, góp phần nâng cao dân trí nơi biên giới còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Khát vọng học cái chữ nơi non cao

Tối muộn một ngày giữa tháng 8, khu vực biên giới xã Trịnh Tường, huyện biên giới Bát Xát, tỉnh Lào Cai trời mưa rả rích, khiến cung đường đến với lớp học xóa mù chữ của bà con trong xã càng thêm khó khăn, cách trở.

Giờ tập đọc của lớp học xóa mù chữ do trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2) hướng dẫn.

Giờ tập đọc của lớp học xóa mù chữ do trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng 345 (Quân khu 2) hướng dẫn.

Mặc dù đường xa cách trở, nhưng buổi học nào cũng vậy, đúng 19 giờ 30 phút, lớp học đã đông đủ mọi thành viên, từ các mẹ, các chị đủ mọi lứa tuổi, tay cầm đèn pin, vai đeo túi đựng sách vở đã có mặt đông đủ để theo học con chữ Bác Hồ. Ở miền biên viễn xa xôi này, đa phần học viên trong lớp là người dân tộc thiểu số, sinh ra và lớn lên đã phải mưu sinh cùng cái nương, con rẫy. Bởi vậy, việc đến lớp học văn hóa là điều ít ai dám nghĩ đến.

Đồng hành với bà con, anh Tẩn A Sơn và các đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 345 không quản ngại khó khăn, vất vả, đều đặn trải qua hàng chục cây số đường trơn trượt, hố lầy sâu, ngày ngày thầm lặng mang con chữ đến với đồng bào các dân tộc nơi đây, với mong muốn: “Bà con biết chữ, sẽ tiếp thu được đầy đủ những nội dung bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện tuyên truyền, phổ biến”.

Các học viên lớp xóa mù chữ đến từ các bản vùng sâu, vùng xa xã Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai).

Các học viên lớp xóa mù chữ đến từ các bản vùng sâu, vùng xa xã Trịnh Tường (Bát Xát, Lào Cai).

Anh Tẩn A Sơn chia sẻ, năm nào cũng vậy, đều đặn trong 3 tháng hè, vào các buổi tối từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần, tại Trung tâm học tập cộng đồng của địa phương, các học viên là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì… lại phấn khởi gọi nhau đi học lớp xóa mù chữ do bộ đội, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KTQP 345 tổ chức. Phần lớn các học viên phân tán, nhà ở xa, nên phải đi bộ từ sớm để kịp giờ học. Có người đi làm về muộn, phải tranh thủ mang theo cơm nắm vừa đi bộ vừa ăn cho qua bữa tối. Cái vất vả của các mẹ, các chị là vừa đi học kiếm con chữ, vừa phải nuôi con, chăm cháu, bảo đảm cuộc sống cho gia đình. Nhưng điều đáng mừng là ai cũng thích đi học cái chữ, tự giác đến lớp, không vắng buổi học nào...

Đổi thay cuộc sống đồng bào

Dù đọc cái chữ chưa được tròn vành, rõ câu, cách ngắt nghỉ còn ngượng nghịu, nhưng mỗi khi đến giờ kiểm tra bài cũ, ai cũng sôi nổi xung phong. Những người nông dân vốn lam lũ với ruộng nương không khỏi vui sướng khi lần đầu tiên biết đọc, biết viết chính tên của mình, của các thành viên trong gia đình mình. Với trách nhiệm chủ trì phối hợp, cùng địa phương tổ chức lớp học, Đoàn KT-QP 345 xác định, địa bàn nào khó khăn thì mở lớp trước, đến từng nhà động viên bà con đi học.

Các bạn trí thức trẻ tình nguyện tận tình hướng dẫn các học viên học chữ.

Các bạn trí thức trẻ tình nguyện tận tình hướng dẫn các học viên học chữ.

“Rất cảm ơn, rất vui mừng khi được học cái chữ do bộ đội 345 tổ chức. Trước đây không biết chữ, không biết tính toán thì rất khó. Bây giờ biết đọc, biết viết, rất mừng. Cảm ơn các thầy, các cô giáo bộ đội, trí thức trẻ đã đem chữ về bản dạy cho bà con dân bản mình”, học viên Lý Lở Mẩy, thôn Lao Chải, xã Trịnh Tường bày tỏ niềm vui.

Cùng với những giờ học bổ ích mỗi ngày, cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 345 còn phối hợp với địa phương lồng ghép, đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho bà con về các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chính sách dân tộc, tôn giáo; hôn nhân và gia đình; phòng ngừa tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại gia đình; phòng chống, buôn bán, sử dụng, vận chuyển ma túy, buôn bán người, di cư tự do, tuyên truyền đạo trái pháp luật…

Cùng với dạy chữ cho đồng bào, đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng kết hợp hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn minh, khoa học.

Cùng với dạy chữ cho đồng bào, đội viên trí thức trẻ tình nguyện Đoàn Kinh tế-Quốc phòng kết hợp hướng dẫn bà con thực hiện nếp sống văn minh, khoa học.

Hành trình gần 20 năm gắn bó với vùng biên Bát Xát, Lào Cai, các thế hệ cán bộ, nhân viên, trí thức trẻ tình nguyện Đoàn KT-QP 345 luôn thấu hiểu nỗi vất vả, gian nan của đồng bào các dân tộc nơi đây. Thực hiện sứ mệnh gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện phương châm “3 bám, 4 cùng” (bám chủ trương đường lối, bám địa bàn, bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng làm, cùng nói tiếng đồng bào) và 5 có: Có hiểu biết, có tâm huyết, có trách nhiệm, có năng lực ứng xử, có bản lĩnh, những năm qua, Đoàn KT-QP 345 đã cùng địa phương xóa mù chữ cho hàng trăm lượt bà con nhân dân; trao tặng văn phòng phẩm hỗ trợ các học viên tham gia lớp học trị giá hàng chục triệu đồng.

Những ngày tháng 8, phần lớn các xã trên địa bàn biên giới huyện Bát Xát, trời mưa rả rích, nhưng không át được những âm thanh đánh vần từng con chữ đều đặn của các học viên lớp xóa mù âm vang giữa mênh mông đại ngàn. Đó không chỉ là niềm vui của các chiến sĩ thầm lặng “cõng chữ lên non” mà còn phản ánh khát vọng vươn lên thoát nghèo của đồng bào các dân tộc còn nhiều gian khó nơi đây.

Bài và ảnh: Thượng tá LÊ VIẾT XUÂN - Phó chính ủy, Trưởng phòng Chính trị, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 345

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/lop-hoc-xoa-mu-giua-dai-ngan-bat-xat-lao-cai-790837