Lớp kem mới cho chiếc bánh cũ?

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới khu nghỉ dưỡng của tổng thống, nơi nổi tiếng với các cuộc gặp chính trị lịch sử - Trại David. Cuộc gặp diễn ra hôm nay 18.8 sẽ đánh dấu một năm đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc đưa mối quan hệ 'nồng ấm' trở lại và kỳ vọng sẽ tạo ra chất keo dính mới cho mối quan hệ ba bên.

Thắt chặt sợi dây an ninh

Hội nghị thượng đỉnh sẽ thúc đẩy nỗ lực của chính quyền Tổng thống Biden nhằm thể chế hóa hợp tác an ninh ba bên - ràng buộc ba quốc gia thành một “liên minh” (hình thức) được xây dựng dựa trên khả năng chia sẻ thông tin tình báo, phòng thủ tên lửa, an ninh mạng và răn đe hạt nhân.

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21.5.2023. Ảnh: Pool

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida trong cuộc họp G7 ở Hiroshima, Nhật Bản, ngày 21.5.2023. Ảnh: Pool

Washington có các thỏa thuận phòng thủ tập thể chính thức với cả Tokyo và Seoul một cách riêng biệt, nhưng họ muốn hai quốc gia đồng minh này của họ hợp tác chặt chẽ hơn trước những lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh gia tăng của Trung Quốc.

Đối với các quan chức an ninh Mỹ, các bước này đã trở nên cấp bách hơn từ những chiều hướng cho thấy một liên minh khác có chiều hướng thắt chặt hơn - giữa Triều Tiên, Trung Quốc và Nga. Trong dư âm kỳ lạ của Chiến tranh Triều Tiên, Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu đã có chuyến thăm mang tính biểu tượng cao tới Bình Nhưỡng vào cuối tháng 7, cùng với một quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Trước chuyến thăm của Bộ trưởng Shoigu, Mỹ và Hàn Quốc đã triệu tập cuộc họp chính thức đầu tiên của Nhóm tư vấn hạt nhân (NCG) mới tại Seoul, với sự tham dự của quan chức an ninh quốc gia cấp cao của Mỹ Kurt Campbell nhằm trấn an người Hàn Quốc về cam kết của Mỹ về chiếc ô an ninh trên bán đảo Triều Tiên. Cuộc họp còn trở nên kịch tính hơn bởi chuyến thăm đầu tiên của một tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân của Mỹ tới Hàn Quốc, kể từ năm 1981.

Hội nghị thượng đỉnh Trại David sẽ cung cấp một số lớp kem mới trên chiếc bánh ba bên đã tồn tại một cách khá hình thức trong nhiều năm qua. Chất keo dính mới này có thể ở dạng một tuyên bố chung về những nhận thức và lợi ích an ninh chung đối với những vấn đề ở khu vực cũng như vấn đề Ukraine.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng sẽ khởi động một loạt sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng, theo các quan chức cấp cao của chính quyền Hoa Kỳ. Mặc dù hội nghị thượng đỉnh khó có thể tạo ra một thỏa thuận an ninh chính thức, trong đó các quốc gia cam kết bảo vệ lẫn nhau trong trường hợp một nước bị tấn công, nhưng họ sẽ nhất trí về trách nhiệm khu vực và thiết lập một đường dây nóng ba chiều để liên lạc trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Ngoài ra, một hội nghị thượng đỉnh ba bên hàng năm cũng nằm trong chương trình nghị sự của cuộc gặp cấp cao tại Trại David cũng như các vấn đề an ninh kinh tế như hợp tác về chất bán dẫn và thương mại trong lĩnh vực công nghệ với Trung Quốc.

Tuy nhiên, những nội dung hợp tác trên rất hạn chế so với những gì người Mỹ ban đầu kỳ vọng sẽ thúc đẩy trong chương trình nghị sự. Hoa Kỳ muốn tạo ra một cuộc đối thoại răn đe mở rộng ba bên - thực tế là mở rộng cơ chế NCG hiện tại mới chỉ có với Hàn Quốc. Nhưng kế hoạch này bị cả chính phủ Nhật Bản và Hàn Quốc phản đối.

Trên thực tế, các quan chức Nhật Bản thì cảnh giác với bất kỳ cuộc thảo luận hạt nhân đa phương nào, vốn được coi là vượt quá giới hạn chính trị ở Tokyo. Trong khi người Hàn Quốc không muốn làm giảm tầm quan trọng của Tuyên bố song phương Washington của họ, được thông qua vào đầu năm nay trong hội nghị thượng đỉnh Biden - Yoon.

Hội nghị Thượng đỉnh tại Trại David thực chất là cuộc gặp gỡ muộn của sự kiện đã được lên kế hoạch bên lề Hội nghị G7 ở Hiroshima nhưng đã không thể diễn ra do Tổng thống Biden khi đó phải gấp rút về nước để giải quyết các cuộc đàm phán về trần nợ công của Mỹ.

Những khác biệt lợi ích

Biểu tượng của một hội nghị thượng đỉnh tại Trại David, nơi diễn ra nhiều cuộc gặp gỡ nổi tiếng, sẽ vẫn thu hút sự chú ý. Nó sẽ đánh dấu sự kiện đầu tiên mà các quan chức Mỹ hy vọng sẽ là một cuộc gặp mặt thường niên giữa các nhà lãnh đạo ba nước, chính thức hóa quan hệ và hợp tác của họ. Nhưng những khác biệt thực sự về lợi ích và ưu tiên cho thấy “cây cầu quá dài để có thể bắc qua”, như lời một quan chức Mỹ chia sẻ.

Chính quyền Tổng thống Biden đang cố gắng tận dụng những thành quả đạt được trong năm qua để tạo ra các cấu trúc hợp tác có thể tồn tại dài hơn nhiệm kỳ của các chính quyền đương nhiệm đang nắm quyền ở Seoul và Tokyo. Ẩn đằng sau đó là nỗi sợ hãi, được cảm nhận mạnh mẽ ở Nhật Bản và Hàn Quốc, rằng cuộc bầu cử ở Mỹ có thể trao lại quyền lực cho một tổng thống Mỹ không thực sự gắn kết với mối liên minh này.

Trong khi đó, ở cả Nhật Bản và Hàn Quốc, có một bộ phận quan điểm đang tìm cách đảo ngược những tiến bộ ngoại giao mà hai nước đạt được trong năm qua. Những khúc mắc giữa hai nước trong lĩnh vực lịch sử thời chiến giữa hai nước có thể tái xuất hiện bất cứ lúc nào. Và có những lỗ hổng trong nhận thức chiến lược giữa ba nước phần lớn vẫn chưa được giải quyết, đặc biệt là ở Washington.

Trong khi Hàn Quốc và Nhật Bản bị ràng buộc bởi liên minh của họ với Mỹ, họ lại không chia sẻ các ưu tiên an ninh giống nhau. Đối với Hàn Quốc, vấn đề trung tâm đã và sẽ luôn là vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. Và vì thế, Hàn Quốc không sẵn lòng đối đầu với Trung Quốc, quốc gia vốn được coi là có ảnh hưởng rất lớn với Triều Tiên. Đối với Nhật Bản, trong khi Triều Tiên là một mối lo ngại chung, trọng tâm an ninh của họ lại là Trung Quốc và liên minh đang được củng cố giữa Trung Quốc và Nga.

Nhưng người Nhật Bản cũng có cùng quan điểm với người Hàn Quốc về sự cần thiết phải tránh bất kỳ con đường nào dẫn đến chiến tranh kinh tế toàn diện với Trung Quốc. “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, Nhật Bản nhận thấy mình đang ở trong một tình thế ngày càng nhạy cảm, bị kẹt giữa người bảo đảm an ninh và đối tác kinh tế hàng đầu của mình”, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Tanaka Hitoshi nhận định gần đây.

Sự bất ổn của "cạnh" Nhật - Hàn trong "tam giác" quan hệ

Nguồn gốc lớn nhất của những thách thức tiềm ẩn đối với tiến trình hướng tới hiệp ước an ninh ba bên Mỹ - Nhật Bản- Hàn Quốc là nỗ lực thúc đẩy quan hệ Hàn Quốc - Nhật Bản mà không thực sự giải quyết các vấn đề về lịch sử thời chiến.

Những tiến bộ gần đây trong tiến trình bình thường hóa quan hệ phần lớn là nhờ sự thay đổi quan điểm lãnh đạo ở Seoul. Tân Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol đã bác bỏ rất rõ ràng việc sử dụng chiêu bài chống Nhật Bản trong chính trị nội địa của Hàn Quốc và thực hiện các bước để đơn phương giải quyết vấn đề lao động cưỡng bức, tranh cãi về xả nước thải hạt nhân Fukushima, vấn đề kiểm soát xuất khẩu và các rào cản kéo dài đối với hợp tác an ninh như sự cố kiểm soát hỏa hoạn của năm 2018.

Tuy nhiên, mức độ tín nhiệm cá nhân của ông Yoon vẫn tương đối thấp, mặc dù sự ủng hộ dành cho chính quyền của ông đã phần nào ổn định. Điều đó nói rằng, sự phân cực của chính trị Hàn Quốc vẫn không thay đổi, và những thành tựu này có thể đổ sông đổ bể nếu có sự thay đổi chính quyền ở Seoul.

Về phía mình, Nhật Bản cũng nhận thấy rằng, vị Tổng thống Hàn Quốc đã thực hiện các bước đi nghiêm túc và thậm chí mạo hiểm về mặt chính trị để cải thiện quan hệ với họ và lợi ích của Nhật Bản là hỗ trợ những nỗ lực đó. Tuy nhiên, Thủ tướng Kishida không sẵn lòng - và có lẽ không thể về mặt chính trị - đưa ra những nhượng bộ đáng kể về các vấn đề lịch sử, chẳng hạn như việc yêu cầu hai tập đoàn Nhật Bản đóng góp cho quỹ mà Hàn Quốc sử dụng để bồi thường cho các nạn nhân lao động cưỡng bức thời chiến. Bất kỳ quyết định nào của Chính quyền Kishida liên quan đến vấn đề lịch sử cũng đứng trước áp lực từ các thành phần bảo thủ và theo chủ nghĩa xét lại của đảng Dân chủ tự do (LDP) cầm quyền.

Khi các nhà lãnh đạo ba nước bắt tay ở Trại David, họ đã cố tin rằng các vấn đề lịch sử đã được giải quyết một cách hiệu quả. Điều đó có lẽ sẽ được phản ánh trong những lời có cánh tại hội nghị, nhưng đó là một ảo ảnh nguy hiểm cho bất kỳ tầng hợp tác nào xây dựng bên trên.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lop-kem-moi-cho-chiec-banh-cu-i340373/