Lớp nhà văn trẻ loay hoay làm chủ ngôn ngữ mẹ đẻ
Lớp nhà văn sinh ra trong môi trường đô thị, sự toàn cầu hóa mạnh mẽ gặp không ít khó khăn trước đòi hỏi phải viết thuần Việt, làm chủ tiếng Việt và giữ được bản sắc.
Trong buổi giao lưu "Một phiên bản tốt hơn của chính mình" diễn ra chiều 25/3 tại Hà Nội, tác giả Đức Anh cùng các nhà văn, nhà phê bình thế hệ mới đã chia sẻ những khó khăn và nỗ lực tìm bản sắc trong ngòi bút sáng tác ngày nay.
Buổi giao lưu quy tụ đa dạng những gương mặt văn chương 9X. Tại đây, họ chia sẻ với nhau những câu chuyện nghề viết, những thách thức lứa 9X gặp phải trên chặng đường khẳng định tên tuổi của mình.
Trước kia, thế hệ nhà văn 8X đã có rất nhiều tọa đàm để bàn về chân dung văn chương thế hệ ấy. Nhưng theo nhà văn Đức Anh, thế hệ 9X phân mảnh hơn, mỗi người một thể loại. Nhà văn chia sẻ: "Có người theo đuổi văn học giải trí, có người chọn con đường văn chương cho riêng mình, có người lại như tôi, đi giữa hai lằn ranh ấy. Chúng tôi có sự phân biệt giữa cộng đồng độc giả và gu sáng tác của mình". Với buổi giao lưu lần này, các nhà văn cố gắng gọi tên, định danh thế hệ sáng tác của mình.
Bối rối giữa muôn trùng bản sắc
Nhà văn Đức Anh là một người đã dành nhiều thời gian mài giũa ngòi bút của mình ở thể loại văn học trinh thám. Anh là một trong những cái tên nổi bật ở thể loại này. Trong tác phẩm mới nhất, Nhân sinh kép, một lần nữa, anh thách thức giới hạn sáng tạo, rời khỏi vùng an toàn và dấn thân vào thể loại phiêu lưu kỳ ảo.
Đây cũng là một tác phẩm bàn về cuộc khủng hoảng bản sắc và sự mất mát danh tính. Nhà văn cho biết bản thân anh ngoài đời cũng đã trải qua những bối rối, trăn trở của thời đại.
Anh cho biết những nhà văn 9X như anh sinh ra trong thời kỳ văn hóa xã hội có nhiều ngoại lai. Lớn lên, khi đặt bút viết văn, họ bị ảnh hưởng bởi những gì đã tiếp nhận trong quá trình toàn cầu hóa.
Cùng lúc đó, xã hội Việt Nam quay lại với giá trị bản địa. Độc giả ngày nay yêu cầu nhà văn phải viết cho ra chất Việt Nam. Nhận thấy độc giả Gen Z ngày nay đòi hỏi tính chất bản địa trong văn chương cao, nhà văn Đức Anh cảm thấy trăn trở, phải xoay sở với tư duy toàn cầu và chất bản địa được yêu cầu trong tác phẩm của mình.
Theo cây viết này, nhà văn ngày nay muốn thành công phải viết thuần Việt. Anh nói: "Chúng tôi may mắn được sống trong thời đại mà có thể xem được phản hồi từ độc giả về tác phẩm của mình trên mạng và qua đó, tôi nhận thấy đến 80% độc giả yêu cầu tính thuần Việt trong tác phẩm". Đức Anh cho rằng sự thuần Việt phải từ ở bối cảnh tác phẩm, ở ngôn ngữ tác phẩm. Có những yếu tố này, tác phẩm sẽ dễ được độc giả đón nhận.
Nhà văn Đức Anh cho rằng lứa nhà văn sinh ra trong môi trường đô thị, sự toàn cầu hóa mạnh mẽ sẽ gặp không ít khó khăn trước đòi hỏi này. Tất nhiên, có những trường hợp có thể coi là "thiểu số" như nhà văn Đinh Phương, theo anh Đức Anh, là trong văn đã có hơi thở bản địa rõ ràng một cách tự nhiên rồi, nhưng không ít lứa nhà văn 9X, lại phải lội ngược về gốc để viết ra văn Việt thuần khiết hơn, ít lai tạp hơn.
Nhà văn Đức Anh bộc bạch: "Bây giờ, tôi mới hiểu rằng việc làm chủ ngôn ngữ tiếng Việt rất quan trọng".
Chúng tôi may mắn được sống trong thời đại có thể xem được phản hồi từ độc giả. Đến 80% độc giả yêu cầu tính thuần Việt trong tác phẩm.
Nhà văn Đức Anh.
Nhà văn Nhật Phi, người thành công với cuốn tiểu thuyết có tính toàn cầu hóa cao là Người ngủ thuê, đã chia sẻ những trăn trở trong việc níu giữ tính Việt Nam trong sáng tác.
Anh chia sẻ rằng khi trưởng thành, những gì phổ biến nhất quanh anh là tiểu thuyết phương Tây và những câu chuyện chiến tranh Nhật Bản, do vậy, anh chỉ có thể viết những gì mình tiếp thu. Nhật Phi cho biết: "Sau này, thế hệ độc giả phát triển quá nhanh, trong giới viết văn cũng phát triển rất nhiều hướng. Tôi bắt đầu cảm thấy mình không bắt kịp nữa".
Dù vậy, nhà văn Nhật Phi cho rằng lứa nhà văn loay hoay đang bàn đến ở đây vẫn là người Việt Nam và có toàn cầu hóa đến đâu cũng không thoát được khỏi cái chất Việt Nam của mình.
Nỗ lực nói lên tiếng lòng
Nhà văn Hiền Trang được các bạn văn nhận xét là người có tính "quốc tế" nhất trong buổi giao lưu. Khi được hỏi về cách nữ nhà văn trẻ đưa yếu tố thuần Việt vào tác phẩm, nhà văn cho biết bản thân cô ít khi nghĩ về bản sắc khi sáng tác. Cô ít nghĩ đến chuyện mình là một phụ nữ, mình là một người Việt Nam vì với cô, đấy là những cái đương nhiên.
Suy nghĩ của nhà văn này thay đổi khi cô bắt đầu sáng tác thơ để đăng ở tạp chí nước ngoài vào cuối năm ngoái. Cô chia sẻ: "Mình bắt đầu viết bằng tiếng Việt, sau mới chuyển sang tiếng Anh. Nhưng rồi, mình nhận ra 'cái thứ' này mình viết tiếng Anh thì sẽ không ai đăng cho mình cả".
Cô bắt đầu phải suy nghĩ lại, cố gắng nghĩ xem nên viết gì thể hiện bản sắc của mình. Từ đây, Hiền Trang lật ngược quá trình: sáng tác bằng tiếng Anh, rồi chuyển ngữ sang tiếng Việt.
Nữ tác giả kể: "Về sau mình phát hiện ra cách tiếp cận ấy giống với Haruki Murakami, một nhà văn được cho là có tính quốc tế cao, một nhà văn rất 'không Nhật'. Murakami viết những gì ông nghĩ bằng tiếng Anh, sau đó dịch lại sang tiếng Nhật và từ đó, ông tạo ra được một giọng văn rất riêng cho mình".
Quay về câu chuyện sáng tác của Hiền Trang, cô cho biết đã thử lại cách sáng tác này thêm vài lần nữa. Trong hành trình ấy, cô nhận ra có những thứ khiến cô cảm thấy ngượng khi phải viết ra bằng tiếng Việt.
Theo cô, người Việt không nói những câu như "Mẹ ơi, con yêu mẹ quá" trong một hoàn cảnh ngẫu nhiên như người nước ngoài. Khi nhận ra có những thứ cô không thể diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ, Hiền Trang quyết định sử dụng tiếng Anh như để viết cho một người lạ, một người không thân.
Nhà văn cho rằng khi sáng tác bằng tiếng Anh, một ngôn ngữ xa lạ, cô cảm thấy bớt trần trụi, bớt hổ thẹn hơn, do đó, dễ nói lên tiếng lòng mình hơn.
Nhảy từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia, nữ nhà văn nhận thức được điểm yếu, lỗ hổng ngôn ngữ của chính cô. Trong sự loay hoay ấy, Hiền Trang nhận ra có những câu cô cảm thấy "đúng" trong tiếng Việt nhưng không "đúng" trong tiếng Anh và ngược lại. Cô loại bỏ hết những đoạn "thừa" ấy đi, giữ lại văn bản mà cả người Việt lẫn người Anh đều hiểu.
Nhà văn chia sẻ: "Cách làm ấy có thể không phải là một cách làm tốt, có thể làm xói mòn tính bản địa, để lại một thứ tiếng Việt bị Tây hóa. Nhưng cách làm ấy tạo ra cho tôi một tiếng nói riêng của tôi".
Nữ nhà văn nhớ lại lần cô trao đổi với nhà văn Nguyễn Thanh Việt - một nhà văn người Mỹ gốc Việt. Nhà văn này không hề biết tiếng Việt nhưng ông luôn nhận thức được dòng máu Việt Nam của mình. Theo Hiền Trang, nhà văn này đã tỏ ra bất ngờ khi biết tác phẩm của mình được dịch ra tiếng Việt nhưng tên tác giả vẫn ghi là Viet Thanh Nguyen chứ không phải là Nguyễn Thanh Việt. Ông bất ngờ và cảm thấy giờ đây, người Việt Nam đã coi ông là "người ngoài".
Trước câu chuyện này, Hiền Trang chợt nghĩ: "Bạn có thể không nói anh ấy là người Việt, nhưng bạn cũng không thể nói anh ấy không phải là người Việt được".
Theo nữ nhà văn, sự giao thoa, sự uốn cong thể loại ngày nay xuất hiện ở khắp nơi. Có những sáng tác độc giả có thể không nói "nó là Việt Nam" nhưng cũng không thể nói "nó không phải Việt Nam" được.
Cuối năm ngoái, trong lần trao đổi với phóng viên từ Ủy ban Nobel, Annie Ernaux đã gửi lời nhắn nhủ tới người viết trẻ rằng trong sáng tác, "không cần cố viết hay, chỉ cần viết thành thật". Có lẽ, trong cái loay hoay tìm kiếm bản sắc, một số nhà văn trẻ tiếp cận một lối viết thành thật với bản thân mình, để từ đây, bản sắc của người viết văn có thể dần lộ diện.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lop-nha-van-tre-loay-hoay-lam-chu-ngon-ngu-me-de-post1415504.html