Lớp tàu chiến mạnh nhất của Hải quân Mỹ sẽ 'tuyệt chủng' sau 4 năm nữa

Đây là sự kết thúc của một kỷ nguyên hùng mạnh và là sự khởi đầu của một cuộc tranh giành quyền lực mới trên đại dương.

Lớp tàu chiến hoạt động lâu nhất của Hải quân Mỹ sẽ tuyệt chủng trong bốn năm nữa, sau 143 năm kể từ lần hạ thủy đầu tiên. Những tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga cuối cùng dự kiến sẽ ngừng hoạt động vào năm 2027, đồng nghĩa với hơn 1.500 silo tên lửa cũng bị loại biên. Việc mất các tàu Ticonderoga sẽ khiến các tàu tuần dương Type 055 mới của Trung Quốc, trở thành tàu chiến mặt nước mạnh nhất đang hoạt động, xét về số lượng tên lửa mang theo.

Những chiếc tàu cuối cùng

13 tàu tuần dương tên lửa dẫn đường lớp Ticonderoga đang hoạt động, là những tàu cuối cùng trong số 27 chiếc được đóng và lần lượt hạ thủy từ năm 1983 đến năm 1994. Ticonderoga là một lớp tàu chiến đa năng, có khả năng tấn công mặt nước, chống tàu nổi và chống tàu ngầm. Tuy nhiên, trọng tâm chính của lớp tàu tuần dương này là tác chiến phòng không.

Lớp Ticonderoga có thể đánh chặn hầu như mọi mối đe dọa trên không và trong không gian, từ tên lửa chống tàu lướt trên mặt biển cho đến vệ tinh trên quỹ đạo thấp.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga trong đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay.

Tàu tuần dương lớp Ticonderoga trong đội hình nhóm tác chiến tàu sân bay.

Các tàu Ticonderoga đã phục vụ liên tục kể từ khi hạ thủy lần đầu tiên và trong hơn 40 năm qua, lớp tàu tuần dương này giữ vai trò là tàu phòng không chính cho mỗi nhóm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.

Trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, các tàu Ticonderoga thường được sử dụng để phóng tên lửa hành trình Tomahawk vào các mục tiêu trên bộ của đối phương. Ngày nay, khi các mối đe dọa từ trên không ngày càng phức tạp hơn, thì lớp tàu này đã quá cũ và không còn đủ khả năng đối phó.

Vào đầu những năm 2000, Hải quân Mỹ đã cho ngừng hoạt động 5 tàu đầu tiên trong lớp, tất cả đều sử dụng bệ phóng tên lửa nạp lại Mk. 26 lỗi thời. Hải quân Mỹ đã tiếp tục cho ngừng hoạt động 7 tàu nữa trong hai năm gần đây. Các tàu Ticonderoga có tuổi thọ cao nên khó bảo trì và chi phí tốn kém.

Theo Naval News, hải quân Mỹ sẽ cho “nghỉ hưu” những tàu còn lại sau khi chi hàng tỷ USD để nâng cấp chúng, nhằm kéo dài thời gian hoạt động đến những năm 2030. Tuy nhiên, nỗ lực nâng cấp đã không khắc phục được các vấn đề của tàu và Hải quân Mỹ muốn loại bỏ tất cả chúng trong vòng ba năm tới.

Lá chắn của Hạm đội

Ticonderoga được thiết kế để hoạt động như “những vệ sĩ” cho tàu sân bay, thiết giáp hạm và tàu đổ bộ lớn, bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công tên lửa của Liên Xô. Các tàu này cũng có thể hoạt động như soái hạm cho một nhóm tác chiến trên mặt nước, một lực lượng đặc nhiệm không có tàu sân bay hoặc tàu đổ bộ, với hai hoặc ba tàu khu trục khác.

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea trên sông Hudson, tháng 5/2003.

Tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Philippine Sea trên sông Hudson, tháng 5/2003.

Ticonderoga là lớp tàu chiến đầu tiên sử dụng hệ thống chiến đấu Aegis. Được đặt theo tên chiếc khiên của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp, Aegis là hệ thống chiến đấu tự động, được thiết kế để đối phó với các cuộc tấn công từ trên không của đối phương. Hệ thống này sử dụng radar mảng pha SPY-1 với tên lửa đất đối không Standard SM-2, nó có thể theo dõi và đánh chặn tối đa 100 tên lửa đang bay tới cùng lúc.

Vũ khí quan trọng nhất trên tàu Ticonderoga là 122 silo phóng thẳng đứng Mk 41, mỗi silo có thể chứa một tên lửa phòng không SM-2, một tên lửa đánh chặn đạn đạo SM-3, một tên lửa đa năng SM-6, một tên lửa hành trình tấn công mặt đất Tomahawk hoặc một ngư lôi chống tàu ngầm ASROC. Mỗi silo còn có thể mang tới bốn tên lửa phòng không tầm ngắn Evolved Sea Sparrow.

Mk 41 rất linh hoạt trong việc hoán đổi những loại tên lửa mang theo, nếu nhiệm vụ liên quan đến việc bảo vệ tàu sân bay, nó sẽ được triển khai tên lửa phòng không, nếu nhiệm vụ liên quan đến tấn công các mục tiêu trên bộ, nó sẽ mang theo tên lửa hành trình...

Ngoài các tên lửa được lưu trữ trong các silo, Ticonderoga có thể mang tới tám tên lửa chống hạm Harpoon trong các ống gắn trên boong. Mỗi tàu cũng có hai khẩu pháo Mk 45, hai trực thăng, hai hệ thống chống tên lửa Phalanx, hai khẩu pháo 25mm và sáu ngư lôi chống tàu ngầm 324mm.

Lịch sử của tàu tuần dương

Tàu tuần dương xuất hiện vào nửa sau thế kỷ 19. Các lực lượng hải quân trên thế giới muốn có một con tàu nhỏ hơn và nhanh hơn tàu chiến, một con tàu có thể trinh sát phía trước và xác định vị trí hạm đội đối phương. Một khi đã xác định được vị trí hạm đội địch, hạm đội chiến đấu chính có thể dễ dàng triển khai đội hình tấn công.

Tàu tuần dương USS Chicago được đưa vào hoạt động từ năm 1885.

Tàu tuần dương USS Chicago được đưa vào hoạt động từ năm 1885.

Qua nhiều năm, nhiệm vụ của tàu tuần dương đã phát triển. Khi máy bay trên tàu sân bay đảm nhiệm vai trò trinh sát, tàu tuần dương đã được cải tiến để mang theo một số lượng lớn súng phòng không, nhằm bảo vệ các thiết giáp hạm và tàu sân bay khỏi các cuộc tấn công từ trên không. Đến thời đại tên lửa, tàu tuần dương được phát triển thành tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, sử dụng radar và tên lửa đất đối không để tăng phạm vi bảo vệ trước tên lửa và máy bay của đối phương.

Việc áp dụng silo phóng thẳng đứng đã giúp tăng số lượng tên lửa mà tàu tuần dương có thể mang theo, giúp nâng cao hiệu quả chiến đấu trên biển. Một số tàu tuần dương, như lớp California, sử dụng năng lượng hạt nhân giúp chúng có thể theo kịp các tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân. Khi Chiến tranh Lạnh kết thúc và mối đe dọa tên lửa đạn đạo xuất hiện, hệ thống chiến đấu Aegis đã được sửa đổi để chống lại chúng bằng tên lửa SM-3.

SM-3 không chỉ có thể tấn công đầu đạn tên lửa ở quỹ đạo Trái Đất thấp mà còn có thể tấn công cả vệ tinh. Năm 2008, tàu tuần dương USS Lake Erie đã bắn hạ USA 193, một vệ tinh đã hỏng của chính phủ Mỹ bằng tên lửa SM-3 ở độ cao hơn 200 km.

Việc loại biên tàu Ticonderogas đã diễn ra từ lâu và đã có nhiều nỗ lực để thiết kế một mẫu tàu thay thế. Vì nhiều lý do, chủ yếu là thiếu kinh phí và các ý tưởng không hiệu quả nên vẫn chưa có lớp tàu tuần dương hoàn chỉnh nào được đưa vào sử dụng rộng rãi. Hải quân Mỹ có kế hoạch thay thế các tàu tuần dương Ticonderoga bằng tàu DDG(X), một tàu khu trục tên lửa dẫn đường mới và chỉ có 96 hầm chứa tên lửa, so với 122 hầm chứa của Ticonderoga.

Tàu khu trục bị đánh giá thấp hơn tàu tuần dương về kích thước và sức mạnh, nghĩa là sau năm 2027, Hải quân Mỹ sẽ không có tàu tuần dương trong biên chế. Hải quân Mỹ đã có kế hoạch tăng cường sức mạnh cho các tàu DDG(X) bằng các tàu robot mang theo thêm tên lửa. Điều này cho thấy rằng, hải quân Mỹ đang đuối sức và dần đánh mất vị thế là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới.

Lê Hưng (Nguồn: Popular Mechanics)

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/lop-tau-chien-manh-nhat-cua-hai-quan-my-se-tuyet-chung-sau-4-nam-nua-ar881060.html