Lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ yếu thế ở Gia Lai

Lớp tiếng Anh miễn phí cho trẻ em yếu thế ở Gia Lai

Xuất phát từ mong muốn bổ túc tiếng Anh cho trẻ em, đặc biệt là trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và lan tỏa những việc làm ý nghĩa đến với cộng đồng, dự án tiếng Anh cho em yếu thế được ra đời để hành trình yêu thương cho đi được tiếp tục nối dài.

Lớp học tiếng Anh đặc biệt

Đều đặn vào sáng thứ 7 hàng tuần, một nhóm khoảng 12-15 em học sinh của Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai lại cùng nhau tham gia vào lớp học tiếng Anh miễn phí.

Tại lớp học, các em được giáo viên hướng dẫn những nội dung cơ bản như: phát âm, từ vựng, ngữ pháp đến luyện tập giao tiếp với các chủ đề: chào hỏi, giới thiệu bản thân... Để dễ hình dung, các em được thoải mái giao tiếp, rèn kỹ năng nghe - nói thông qua việc xem video, nghe nhạc hoặc tham gia các trò chơi. Không khí lớp học vì thế luôn sôi nổi.

Chia sẻ về mục tiêu của dự án, chị Trần Thị Kim Phùng Thủy cho biết: Ngoài việc bổ túc tiếng Anh, dự án thông qua vui chơi học tập tiếng Anh để bổ trợ kỹ năng xã hội cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Bên cạnh đó, gia tăng môi trường rèn luyện tiếng Anh cho thành viên câu lạc bộ tiếng Anh nói riêng và người tham gia dự án nói chung. Sau cùng, điều lớn nhất mà dự án muốn hướng tới là lan tỏa, khuyến khích tinh thần học tập chủ động và trao gửi tình nhân án tới với mọi người.

Lớp học có 15 em học sinh với nhiều lứa tuổi khác nhau

Lớp học có 15 em học sinh với nhiều lứa tuổi khác nhau

Tại lớp học, các giáo viên không chuyên sẽ cùng nhau bàn bạc, thiết kế giáo án phù hợp, tập trung luyện cho các em kỹ năng nghe và nói tiếng Anh. Chị Thủy là người tổ chức ổn định, sắp xếp lớp học còn thầy giáo đứng lớp của dự án đặc biệt này là bạn Nguyễn Viết Minh - học sinh lớp 8.1, Trường Trung họ cơ sở Lý Tự Trọng (TP. Pleiku, tỉnh Gia Lai).

Viết Minh cho biết, mỗi buổi học diễn ra trong khoảng 1 giờ 30 phút. Lúc đầu, các em học sinh còn tự ti, e dè, không dám phát biểu vì sợ sai. Nhưng được khuyến khích động viên, các em dần cởi mở. Sau 2 buổi học, các em mạnh dạn hơn khi giáo viên đặt câu hỏi, nói sai ở đâu thì được sửa ngay ở đó.

Giáo án của lớp được soạn theo sách giáo khoa, phần lớn thời gian ở lớp Minh sẽ luyện phát âm cho các em. Minh đưa bài học vào các trò chơi, hay những câu nói hóm hỉnh, góp ý nhẹ nhàng để giúp các em học sinh hào hứng và tiếp thu dễ hơn.

“Thời gian đầu các em còn tâm lý e ngại khi học tiếng Anh nên tụi em đã gặp khó trong quá trình tiếp cận để giảng dạy. Lớp học nhiều độ tuổi khác nhau, em nhỏ nhất 8 tuổi, có bạn lớn 14-15 tuổi nên khả năng tiếp thu cũng khác nhau. Nhiều bạn tiếp thu rất nhanh, ngược lại có nhiều bạn thì tụi em phải thật kiên nhẫn, chậm rãi dạy từng từ. Tuy nhiên, một tín hiệu tích cực đó là các em đều hào hứng và mong muốn được theo học chứ không có tâm lý nản, muốn bỏ cuộc. Đó đã là một thành công bước đầu đối với chúng em” - Minh tâm sự.

Dù là lớp học miễn phí, song Minh vẫn đặt ra các quy tắc để lớp đạt được chất lượng giảng tốt nhất. Như bao lớp học khác, các em học sinh đều phải chấp hành nghiêm túc việc hoàn thành bài tập về nhà là thuộc lòng cách viết và phát âm các từ vựng, câu ngắn. Nếu quá 3 lần không thuộc bài, các bạn sẽ phải chép phạt để có ý thức hơn.

Minh chia sẻ, ngoài kiến thức, lớp học còn mong muốn giúp các em rèn luyện kỹ năng, cũng như tự có ý thức trách nhiệm với việc học của bản thân vì nhiều em còn có tâm lý sợ học tiếng Anh. Minh cũng như các thành viên trong nhóm đều mong muốn giúp các học sinh yêu thích môn học hơn để lan tỏa với các em rằng đây là một ngôn ngữ rất đẹp và quan trọng trong cuộc sống ngày nay.

Lớp học còn là nơi gắn kết các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai

Lớp học còn là nơi gắn kết các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Gia Lai

Không chỉ học mà còn là trải nghiệm kỹ năng sống

Tại lớp học, các em còn được học tập và giao tiếp với các tình nguyện viên người nước ngoài. Đây là những tình nguyện viên nông nghiệp tới từ các nước Anh, Đức,... đang tham gia trải nghiệm quy trình làm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Lớp học cũng sẵn sàng đón chào bất cứ ai có nhu cầu trải nghiệm dạy tiếng Anh cho các em tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Cùng với đó, để các buổi học thú vị hơn và không gây áp lực cho các em nhỏ, những thầy cô "đặc biệt" đã áp dụng phương pháp “vừa học vừa chơi” bằng cách lồng ghép khéo léo tiếng Anh vào trong các trò chơi. Thông qua đó, các em vừa được vui chơi, vừa học thêm từ vựng, tăng khả năng nghe và nói. Nhờ vậy, bạn nhỏ nào cũng thích thú khi tham gia lớp học.

Em Ksor Lan (10 tuổi) khi được tham gia lớp học tiếng Anh đã rất phấn khích: “Ở trên lớp em có được học tiếng Anh nhưng em tiếp thu còn chậm. Khi được các anh chị dạy tiếng Anh em rất vui và rất thích học vì ở đây tụi em được chơi các trò chơi, được tham gia cắm hoa, tham gia các hoạt động trải nghiệm. Bây giờ em đã thuộc và biết nhiều từ vựng, có thể giao tiếp tiếng Anh cơ bản với thầy cô, em rất vui”.

Không đơn thuần được học tiếng Anh, các em còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm kỹ năng sống

Không đơn thuần được học tiếng Anh, các em còn được tham gia vào các hoạt động vui chơi, trải nghiệm kỹ năng sống

Chị Thủy cho biết thêm: “Trong mỗi buổi học, chúng tôi động viên, khuyến khích các em sử dụng tiếng Anh để giao tiếp. Điều này không chỉ giúp chúng tôi chỉnh sửa được cách phát âm của các em, mà còn giúp các em mạnh dạn hơn trong việc giao tiếp. Đồng thời chúng tôi cũng tăng cường sử dụng tiếng Anh trong lúc dạy và lúc trò chuyện để tạo thói quen nghe và trả lời nhanh cho các em. Lớp học không đơn thuần là việc dạy tiếng Anh mà thứ các em học được nhiều hơn là về kỹ năng sống để các em có thể phát triển toàn diện”.

Ngoài việc đứng lớp để truyền tải kiến thức cho các em nhỏ, các tình nguyện viên còn in sách, mua phụ kiện học tập, mua quà khen thưởng để động viên các em. Tất cả kinh phí đều do câu lạc bộ tự vận động gây quỹ.

Chia sẻ về dự định sắp tới, chị Thủy cho biết: “Được nhìn thấy nụ cười của các em mỗi khi được học thêm kiến thức mới là một nguồn động lực to lớn để thúc đẩy tụi mình hoàn thiện hơn. Dự án chỉ đang hoạt động trên địa bàn TP. Pleiku nên mình mong muốn khi dự án đã ổn định, đi vào bài bản và có nguồn nhân lực bền vững hơn sẽ triển khai trên toàn địa bàn tỉnh và xa hơn nữa là các tỉnh lân cận để có thêm nhiều trẻ em yếu thế được tiếp cận với tiếng Anh”.

Bà Nông Thị Châm - Giám đốc Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp tỉnh Gia Lai - bày tỏ: “Rất cảm ơn các bạn trẻ vì tuần nào cũng dành thời gian tới dạy học cho các con ở trung tâm. Mặc dù còn rất trẻ nhưng các bạn đã có những việc làm hết sức ý nghĩa. Mỗi bạn một tay giúp cho các bé có cơ hội được học tiếng Anh, chúng tôi rất ủng hộ và hưởng ứng hành động đẹp này”.

Thực hiện: Hiền Mai

Bài và ảnh: Hiền Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lop-tieng-anh-mien-phi-cho-tre-yeu-the-o-gia-lai-368311.html