Lớp trẻ 'giữ lửa' cồng chiêng
Đối với đồng bào Tây Nguyên, tiếng cồng chiêng theo suốt cuộc đời của họ từ khi sinh ra đến khi về với đất. Để bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của cồng chiêng, ngoài sự truyền thụ của những nghệ nhân lớn tuổi thì không thể không nhắc tới vai trò 'giữ lửa' của lớp trẻ.
Cán bộ Ðoàn “say” cồng chiêng
Buổi chiều, tia nắng xuyên qua tán lá thông rọi xuống con đường đất đỏ, buôn người Êđê nép mình bên rừng thông xanh. Tiếng Ching Kram (chiêng tre) phát ra từ ngôi nhà sàn nhỏ giữa buôn Drăh (xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk) hút hồn người qua lại. Bên trong, anh Y Vân Mlô (SN 1987), Phó bí thư Đoàn xã Cư Né đang miệt mài với bộ chiêng tre.
Từ nhỏ Y Vân Mlô đã yêu thích cồng chiêng, các nhạc cụ dân tộc. Hè năm 2004, khi xã mở lớp cồng chiêng anh đăng ký tham gia. Sau hơn một tháng học tập anh đã đánh tốt và diễn tấu được một số bài chiêng cơ bản, rồi tham gia đội chiêng của buôn Drăh. Anh cùng các thành viên sử dụng chiêng tre để tập luyện, phối hợp đội múa của buôn để tập những tiết mục đặc sắc của dân tộc mình.
Trong vai trò là Phó bí thư Đoàn xã, anh tổ chức tập luyện lồng ghép cồng chiêng cùng những làn điệu dân ca, điệu múa, kể những câu chuyện liên quan đến văn hóa cồng chiêng, ẩm thực… nhằm giúp đoàn viên, thanh thiếu niên hiểu hơn về đặc trưng văn hóa của dân tộc mình. Anh cũng là người truyền cảm hứng, giúp các bạn trẻ có ý thức giữ gìn văn hóa truyền thống trước những giao thoa văn hóa và cuộc sống hiện đại.
Vào dịp hè, khi các lớp dạy cồng chiêng tổ chức ở xã, anh cùng các nghệ nhân tận tình hướng dẫn các học viên trẻ tuổi. Hiện anh là đội trưởng đội chiêng buôn Drăh với 7 thành viên (từ 18 đến 30 tuổi). Đội chiêng thường được chọn đại diện của xã đi biểu diễn giao lưu tại các cuộc thi do huyện, tỉnh tổ chức. Drăh là buôn còn giữ được nhiều bộ cồng chiêng nhất của huyện Krông Búk.
Lớp học đặc biệt
Từ năm 2017 đến nay, Phòng Văn hóa Thông tin huyện Krông Búk tổ chức 3 lớp truyền dạy đánh chiêng tại Trường phổ thông dân tộc nội trú - THCS. Có 120 học sinh thuộc các dân tộc thiểu số (DTTS) theo học.
Nghệ nhân Y Môi Mlô (ở xã Cư Né), người trực tiếp truyền dạy cồng chiêng cho các em từ năm 2017 đến nay, chia sẻ: “Tôi rất mừng là học sinh người DTTS đã được tiếp xúc với cồng chiêng từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Mình là thế hệ đi trước sẽ dẫn đường cho người trẻ đi sau để cùng nhau giữ lấy cái nét, cái hồn của văn hóa dân tộc mình. Nhiều em còn nhỏ tuổi, lần đầu tập đánh chiêng, khi đánh một số bài chiêng còn ngắt quãng do sai nhịp, nhưng các em không nản chí mà vẫn chăm chỉ học, dõi theo từng động tác cầm dùi, gõ nhịp của nghệ nhân để học hỏi”.
Năm 2019, Trường Đại học Tây Nguyên là đơn vị sự nghiệp đầu tiên được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk lựa chọn mở lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng. Lớp học có 40 học viên là sinh viên người DTTS đang theo học tại trường. Trong 2 tháng, vào một số ngày trong tuần và các ngày cuối tuần, lớp được các nghệ nhân giàu kinh nghiệm trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột và một số tỉnh khác đến truyền dạy những kiến thức, kỹ năng cơ bản về diễn tấu chiêng đồng, chiêng tre. Trường còn chọn một số thầy cô giáo là người DTTS tham gia học đánh cồng chiêng để làm lực lượng nòng cốt.
Nghệ nhân A Biu (thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum) được mời trực tiếp đứng lớp giảng dạy cồng chiêng Bana, chia sẻ: “Trong vòng 2 tháng các học viên sẽ đánh 3 loại chiêng khác nhau, chiêng tre, chiêng đồng Êđê và chiêng đồng Bana. Sau khi hoàn thành khóa học các học viên đánh được 3 bài: chiêng đón khách, mừng chiến thắng và bài chiêng đoàn tụ”.
H’Tiên Hmok (sinh viên lớp Giáo dục tiểu học Gia Rai K16) từ nhỏ đã có một tình yêu với cồng chiêng, được nghe các nghệ nhân trong làng đánh vào dịp lễ hội nhưng chưa bao giờ được trực tiếp đánh. Khi biết có lớp học đánh chiêng được tổ chức tại trường, H’Tiên Hmok liền đăng ký tham gia. “Em theo học thấy càng yêu tiếng chiêng hơn. Em cảm thấy hạnh phúc vì bản thân đã góp một phần nhỏ vào giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đây cũng là dịp để các bạn sinh viên DTTS của trường có cơ hội giao lưu, học hỏi lẫn nhau và thắt chặt tình đoàn kết”, H’Tiên Hmok chia sẻ.
Ông Đặng Gia Duẩn, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Đắk Lắk cho biết, lớp truyền dạy cồng chiêng cho sinh viên người DTTS tại trường Đại học Tây Nguyên là một trong những hoạt động nhằm bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. Đây là lần đầu tiên Sở phối hợp tổ chức lớp truyền dạy cho đối tượng là sinh viên người DTTS. Kết thúc khóa học, Sở đã tặng 1 bộ chiêng và 12 chiếc áo Êđê cho trường Đại học Tây Nguyên. Trong những năm qua Sở cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều lớp truyền dạy diễn tấu cồng chiêng cho thanh thiếu niên ở các buôn làng.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/gioi-tre/lop-tre-giu-lua-cong-chieng-1516391.tpo