Lớp xóa mù chữ ở bản Đung Giàng
'Cái mình không biết thì mình đi học. Hãy cố gắng. Đừng bỏ học nhé'. Lời động viên chân tình ấy của chị Lường Thị Chươn, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ bản Đung Giàng, xã Hồng Ngài, huyện Bắc Yên, như tiếp thêm động lực giúp học viên kiên trì hơn, quyết tâm xóa mù chữ với niềm tin cuộc sống sẽ tốt hơn.
Từ thứ hai đến thứ sáu hằng tuần, đúng 18 giờ 30 phút, bất kể trời mưa, không một tiếng trống, tiếng loa thông báo, 28 học viên lớp học xóa mù chữ ở bản Đung Giàng lại tập trung đông đủ. Không phải là lớp học của con trẻ mà là của những người đã làm bố, làm mẹ, thậm chí đã lên chức ông, bà.
Học viên của lớp chủ yếu là bà con dân tộc Thái, người nhỏ tuổi nhất là 37 và người lớn tuổi nhất đã gần 60, đa phần là lao động chính trong các gia đình. Lớp học xóa mù ở bản Đung Giàng có nhiều hoàn cảnh, độ tuổi khác nhau. Song, tất cả đến với lớp học bằng khát vọng duy nhất là học bằng được cái chữ để có kiến thức phát triển kinh tế, hướng đến cuộc sống khấm khá hơn. Những đôi tay thô ráp của bà con dân tộc thường ngày cầm cuốc, cầm dao, được cô giáo hướng dẫn tận tình, nay đã viết được tên của mình lên trang giấy trắng
Bà Hà Thị Phúc đã từng mặc cảm, tự ti và muốn bỏ cuộc khi không viết được nét chữ trên giấy bởi đôi bàn tay thô cứng chỉ quen cầm cuốc, xẻng. Bà Phúc chia sẻ: Ngày còn bé, tôi muốn được đi học chữ, nhưng vì nhà xa, lại phải theo bố mẹ làm nương rẫy. Không biết viết chữ, không biết viết tên mình tôi rất ngại. Được các chị em động viên, tôi sẽ cố gắng học bằng được cái chữ.
Còn vợ chồng anh Đinh Văn Muồn và chị Đinh Thị Khuyên thuộc diện hộ cận nghèo của bản, cái ăn không đủ nên anh chị không nghĩ đến việc đi học. Được Ban quản lý bản, nhà trường đến động viên, hai vợ chồng quyết tâm đi học để biết chữ.
Chị Đinh Thị Khuyên tâm sự: Những ngày đầu học chữ viết rất vất vả, đọc trước quên sau, phải đọc nhiều lần mới nhớ hết mặt chữ, giờ biết viết tên của mình tôi vui lắm! Nguyện vọng lớn nhất với vợ chồng tôi là sau này có thể đọc được báo để học tập, làm theo, phát triển kinh tế và sớm thoát nghèo.
Trong lớp học có cả hai mẹ con chị Đinh Thị Tiệp. Con trai của chị Tiệp tên Tuấn năm nay lên lớp 3, cũng theo mẹ đến lớp. Chăm chú nghe giảng rồi Tuấn hướng dẫn mẹ nhận biết chữ và tính toán những phép tính cơ bản. Chị Tiệp cho biết: Tham gia lớp học này, tôi thấy rất vui và bổ ích. Bản thân tôi chịu khó lắng nghe thầy giáo hướng dẫn cách viết và đọc chữ là có thể nhớ được. Sau giờ lên lớp về nhà, tôi nhờ con trai chỉ dạy thêm. Giờ tôi có thể viết được họ tên của mình rồi.
Bản Đung Giàng có 156 hộ, 722 nhân khẩu, bản có dân tộc Thái và Mường cùng sinh sống. Bình quân thu nhập của bà con đạt 25 triệu đồng/người/năm. Bản có 155 người đi làm ăn xa tại các tỉnh, 25 người đang đi học tại các trường trung cấp, cao đẳng, đại học. Tuy nhiên, trong bản vẫn còn một số bà con mù chữ, khả năng tái mù chữ cao, nhất là phụ nữ.
Do vậy, thông qua các cuộc họp bản, Ban quản lý bản đã rà soát, lập danh sách những người mù chữ và tái mù chữ, phối hợp với Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Hồng Ngài để mở lớp học xóa mù chữ cho người dân bản. Được sự nhất trí của địa phương và sự đồng thuận của bà con, lớp học xóa mù chữ của bản đã đi vào hoạt động với nền nếp quy củ.
Ông Lò Văn Thành, Bí thư chi bộ, Trưởng bản Đung Giàng, cho biết:
Các thầy giáo, cô giáo Trường PTDT bán trú tiểu học - THCS xã Hồng Ngài luôn kiên trì, miệt mài, sát cánh cùng học viên để uốn nắn viết từng con chữ, dạy tỉ mỉ từng phép tính cộng, trừ, nhân, chia. Thầy giáo Hà Văn Ngân chia sẻ:
Kết thúc khóa học, bà còn đều đọc thông viết thạo. Thầy cô đã lựa chọn kiến thức phù hợp, bổ sung lồng ghép thêm việc tuyên truyền pháp luật, cách chữa bệnh thông thường, phòng, chống bạo lực gia đình, chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình. Ngoài ra, các giáo viên còn tổ chức cho học viên tham gia sinh hoạt văn nghệ, chơi các trò chơi dân gian, rèn luyện cho các chị em khả năng tự tin trước đám đông.
Chia tay lớp học xóa mù chữ ở bản Đung Giàng khi trời đã về khuya, những ánh đèn pin rọi sáng con đường trở về nhà sau giờ học. Dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, nhưng người dân bản Đung Giàng vẫn khát khao, miệt mài học chữ, với mong muốn, quyết tâm xây dựng bản làng, quê hương ngày càng giàu đẹp.
Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/xa-hoi/lop-xoa-mu-chu-o-ban-dung-giang-syS0FslSg.html