Lọt tầm ngắm của Bộ tài chính, loạt công ty nhà Vicem đang làm ăn ra sao?

Doanh thu sụt giảm, một số công ty thuộc Vicem báo lỗ từ năm ngoái đến quý I năm nay, có đơn vị lỗ lũy kế hơn 1.000 tỷ đồng.

Lọt tầm ngắm của Bộ tài chính, loạt công ty nhà Vicem đang làm ăn ra sao?

Lọt tầm ngắm của Bộ tài chính, loạt công ty nhà Vicem đang làm ăn ra sao?

Bộ Tài chính vừa ban hành quyết định thanh tra tại Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) và 3 công ty con gồm Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Tam Điệp, Công ty TNHH MTV Xi măng Vicem Hải Phòng và Công ty Cổ phần Xi măng Vicem Hà Tiên.

Nội dung thanh tra sẽ tập trung vào các vấn đề liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản tại doanh nghiệp; hạch toán doanh thu, chi phí và báo cáo kết quả kinh doanh; thực hiện nghĩa vụ với ngân sách nhà nước; và chấp hành các quy định của pháp luật về tài chính khác đối với doanh nghiệp.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Vicem đối mặt với hàng loạt khó khăn lớn trong sản xuất kinh doanh xi măng, xuất phát từ nhu cầu thị trường giảm mạnh, cả ở trong nước lẫn xuất khẩu. Kết quả kinh doanh của tổng công ty và các đơn vị thành viên đều xuống dốc trông thấy.

Năm 2023, Vicem ghi nhận doanh thu hơn 24.006 tỷ đồng, giảm 19% so với năm 2022. Lỗ sau thuế hơn 1.129 tỷ đồng. Đây là năm đầu tiên công ty làm ăn thua lỗ kể từ lúc công bố thông tin năm 2016. Lợi nhuận của doanh nghiệp này đã đi lùi bốn năm liên tiếp. Lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2023 là 2.240 tỷ đồng.

Ban lãnh đạo Vicem cho rằng 2023 là "năm khó khăn chưa từng có trong tiền lệ". Ảnh hưởng tình hình thế giới, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi, nguồn cung xi măng vượt xa so với nhu cầu; giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vẫn ở mức cao.

Tính đến ngày 31/13/2023, Vicem ghi nhận khoản đầu tư tài chính dài hạn là 4.055 tỷ đồng; trong đó đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết là 3.730 tỷ đồng. Công ty có khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là 2.400 tỷ đồng, chủ yếu là các hợp đồng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng.

 Nhà máy xi măng Tam Điệp (Ảnh: Vicem)

Nhà máy xi măng Tam Điệp (Ảnh: Vicem)

Vicem Tam Điệp cũng không mấy lạc quan khi doanh thu và lợi nhuận năm 2023 đều sa sút. Cụ thể, doanh thu thuần giảm 13% so với năm trước, còn 1.207 tỷ đồng. Trong khi đó, chi phí vận hành lại tăng 22% lên 140 tỷ đồng còn chi phí tài chính giảm không đáng kể khiến công ty lỗ sau thuế 66 tỷ đồng (năm trước lãi 2 tỷ đồng).

Kinh doanh kém hiệu quả trong nhiều năm đã khiến lỗ lũy kế tại ngày kết thúc năm 2023 của Vicem Tam Điệp lên 1.127 tỷ đồng.

Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, nợ phải trả của Vicem Tam Điệp chiếm tới 95% tổng nguồn vốn, đạt 1.191 tỷ đồng. Dư nợ vay đạt 737 tỷ đồng, chiếm 62% nợ phải trả. Các khoản vay này chủ yếu tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) (165 tỷ đồng), Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) (154 tỷ đồng), Vicem (230 tỷ đồng),…

Năm 2023 cũng là năm đáng buồn của Vicem Hải Phòng khi các chỉ tiêu kinh doanh đều lao dốc. Cụ thể, doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt giảm 16% và 98% so với năm trước còn 2.754 tỷ đồng và 1,5 tỷ đồng.

Năm nay, Vicem Hải Phòng đặt chỉ tiêu tổng doanh thu ở mức gần 2.405 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế ở mức âm gần 79,2 tỷ đồng.

Tương tự, Vicem Hà Tiên cũng trong tình cảnh kinh doanh sa sút. Quý I/2024, doanh thu thuần của công ty sụt giảm 12% so với cùng kỳ năm trước, đạt 1.494 tỷ đồng; song do giảm được giá vốn nên lợi nhuận gộp tăng 16%, đạt 103 tỷ đồng.

Trong kỳ, các loại chi phí tiết giảm không đáng kể nên công ty lỗ thuần 23 tỷ đồng. Trừ đi các loại chi phí, công ty lỗ sau thuế 25 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ sau thuế 86 tỷ đồng.

Không chỉ làm ăn kém hiệu quả, Vicem Hà Tiên cũng gặp khó dòng tiền khi dòng tiền kinh doanh âm 132 tỷ đồng, nguyên nhân do tăng khoản phải trả (227 tỷ đồng) và giảm các khoản phải thu (124 tỷ đồng). Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ âm 183 tỷ đồng khiến lượng tiền và tương đương tiền cuối kỳ giảm 30% so với đầu kỳ, còn 425 tỷ đồng.

Bình An

Nguồn VietTimes: https://viettimes.vn/lot-tam-ngam-cua-bo-tai-chinh-loat-cong-ty-nha-vicem-dang-lam-an-ra-sao-post176307.html