Lotus Evija - Ứng viên cho danh hiệu 'Siêu xe mạnh nhất thế giới'
Với 4 mô-tơ điện, tân binh Lotus Evija hứa hẹn cho công suất lên tới 1.973 mã lực và mômen xoắn 1.254 lb-ft (1.700 Nm).
Lotus cho biết siêu xe này có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong chưa đến 3 giây, trước khi đạt tốc độ tối đa 320 km/h.
4 mô-tơ điện sử dụng năng lượng do bộ pin lithium-ion đặt ở giữa xe, cho xe khả năng chạy liên tục 400 km sau mỗi lần sạc. Lotus cũng giới thiệu đây là siêu xe chạy điện sạc nhanh nhất thế giới. Với hệ thống sạc 800 kW, Evija chỉ mất 9 phút để sạc đầy pin. Tuy nhiên, vấn đề là hệ thống sạc công suất lớn như vậy hiện chưa được đưa vào khai thác thương mại trên thế giới.
Với hệ thống sạc nhanh nhất hiện nay đang được sử dụng - công suất 350 kW, siêu xe này mất 12 phút để sạc 80% pin và 18 phút để sạc đầy.
Một trong những lý do khiến Evija có các thông số ấn tượng như trên là khung xe liền khối bằng vật liệu sợi carbon trọng lượng nhẹ. Đây cũng là siêu xe đầu tiên của Lotus có thiết kế khung xe "một mảnh", với trọng lượng chỉ 129 kg. Thiết kế này giúp Evija chỉ nặng 1.680 kg.
Lotus cho biết siêu xe này được thiết kế với tiêu chí kết hợp tối ưu tính năng vận hành trên đường đua với sự êm ái trên đường phố. Do đó, hệ thống treo giống mô-tô thể thao, có 3 bộ van giảm chấn chủ động ở mỗi cầu.
Ngoài ra, xe được trang bị bộ vành magne cỡ 20 và 21 inch, đi cùng lốp Pirelli Trofeo R, bên trong là hệ thống phanh AP Racing với đĩa phanh bằng gốm carbon.
Dù không phải là xe đua, nhưng Lotus cho biết Evija được lắp tới 4 bộ tản nhiệt để giúp làm mát bộ pin. Và nhờ đó, chiếc siêu xe có thể chạy liên tục 7 phút ở chế độ đua (Track).
Một diện mạo hoàn toàn mới cho Lotus
Khác hẳn các mẫu xe khác của Lotus, tân binh Evija báo hiệu sự khởi đầu của một ngôn ngữ thiết kế mới mang hơi thở đương đại cho hãng xe Anh quốc. Phần đầu xe được chia đôi, gờ chắn bùn nhô cao và đèn pha thanh mảnh, do hãng Osram chế tạo. Lotus cho biết họ là hãng đầu tiên sử dụng đèn laser cho cả đèn pha và cốt.
Gương cửa hai bên đã được thay bằng camera tự động thò ra khi xe mở khóa. Hình ảnh do camera ghi lại, bao gồm cả một chiếc trên nóc xe, sẽ được truyền tới 3 màn hình khác nhau bên trong xe.
Với mục tiêu tối ưu hiệu suất, không có gì đáng ngạc nhiên khi Evija có nhiều trang bị khí động học. Trong đó có cánh gió sau chủ động và hệ thống giảm lực cản gió kiểu xe đua F1. Siêu xe này cũng có thiết kế kiểu đường hầm Venturi, giúp giảm lực cản của gió, hướng luồng gió qua thân xe giúp xe chạy ổn định ở tốc độ cao.
Một số điểm nhấn đáng chú ý khác gồm: bộ khuếch tán gió sau cỡ lớn và đèn hậu LED độc đáo, lấy cảm hứng thiết kế từ các buồng đốt sau của máy bay phản lực chiến đấu.
Không gian bên trong xe có phong cách khác lạ, mang tính dự báo tương lai, với sự hiện diện của nhiều chi tiết bằng vật liệu sợi carbon để trần và táp-lô thiết kế kiểu "cánh bay". Điểm nhấn là cụm đồng hồ kỹ thuật số và vô-lăng bọc da Alcantara tích hợp đủ loại nút/núm điều khiển, từ xi-nhan cho tới lựa chọn chế độ lái.
Một chi tiết thiết kế không thể bỏ qua, đập ngay vào mắt là cụm điều khiển trung tâm kiểu dốc trượt tuyết, trên đó là một loạt nút cảm ứng hình lục giác.
Ghế ngồi có khung bằng vật liệu sợi carbon bọc da Alcantara. Dây đai an toàn 3 điểm là trang bị tiêu chuẩn và 4 điểm là tùy chọn.
Lotus cho biết sẽ chỉ sản xuất 130 chiếc Evija, và khách hàng muốn mua xe sẽ phải đặt cọc 250.000 bảng Anh (310.177 USD). Chiếc đầu tiên sẽ xuất xưởng vào năm sau, với giá bán 1,7 triệu bảng (2,1 triệu USD).