Lovico Group và thương vụ 'lướt sóng' dự án điện gió tại Quảng Trị
Thương vụ lướt sóng loạt dự án điện gió cho thấy sự nhanh nhạy của giới chủ Lovico Group khi hoạt động kinh doanh của một số thành viên như CTCP Long Việt và CTCP Thủy điện ĐakRông có dấu hiệu sa sút.
Ông Võ Duy Tấn - Chủ tịch Lovico Group
Lovico Group và cụm dự án điện gió 5.100 tỉ đồng tại Quảng Trị
UBND tỉnh Quảng Trị mới đây đã cấp giấy chứng nhận thay đổi lần hai về chủ trương đầu tư dự án Nhà máy điện gió Phong Nguyên do Công ty Cổ phần điện gió Phong Nguyên (Phong Nguyên) làm chủ đầu tư. Dự án này có quy mô 16,46ha, công suất 48MW, tổng vốn đầu tư 1.911,8 tỉ đồng, khởi công từ tháng 4/2020 và vận hành phát điện chính thức từ tháng 10/2021.
Theo tìm hiểu của VietTimes, Phong Nguyên được thành lập vào ngày 6/8/2019, ban đầu đăng ký quy mô vốn điều lệ ở mức 330 tỉ đồng. Công ty này có 3 cổ đông sáng lập, bao gồm: Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Liệu (Mai Liệu) sở hữu 99% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Thủy điện ĐakRông (ĐakRông) sở hữu 0,5% VĐL và bà Lê Thị Ái Loan nắm giữ 0,5% vốn điều lệ.
Mai Liệu được thành lập trước Phong Nguyên khoảng vài ngày trước đó (26/7/2019), với quy mô vốn điều lệ 705 tỉ đồng. Công ty này có 4 cổ đông sáng lập, bao gồm: Công ty Cổ phần Long Việt (Long Việt) sở hữu 14% vốn điều lệ, Công ty Cổ phần Thương mại Đầu tư Huy Hoàng (Huy Hoàng) sở hữu 65,5% vốn điều lệ, công ty ĐakRông sở hữu 18,4% vốn điều lệ và bà Lê Thị Ái Loan sở hữu 2,1% vốn điều lệ.
Đảm nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc của công ty Mai Liệu là ông Võ Duy Tấn. Vị doanh nhân sinh năm 1959 được biết tới là Chủ tịch của Lovico Group, có cùng địa chỉ thường trú với bà Lê Thị Ái Loan và ông Võ Duy Tấn Huy (SN 1985) – Tổng Giám đốc của công ty Huy Hoàng.
Cùng ngày 26/7/2019, nhóm cá nhân và pháp nhân có liên quan tới Lovico Group nêu trên đã thành lập Công ty Cổ phần Đầu tư Mai Phong (Mai Phong). Pháp nhân này sau đó đã góp vốn thành lập, sở hữu tới 99% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần điện gió Phong Liệu (Phong Liệu) – chủ đầu tư nhà máy điện gió Phong Liệu, công suất 48MW, tổng mức đầu tư 1.600 tỉ đồng tại Quảng Trị.
Bên cạnh đó, nhóm Lovico Group còn là cổ đông sáng lập của Công ty Cổ phần Điện gió Phong Huy (Phong Huy) – chủ đầu tư nhà máy điện gió Phong Huy, có công suất và tổng vốn đầu tư tương đương dự án Phong Liệu, cũng tại địa bàn tỉnh Quảng Trị.
Cả 3 dự án Phong Liệu, Phong Huy và Phong Nguyên với tổng mức đầu tư hơn 5.100 tỉ đồng đều được khởi công vào sáng 31/12/2019.
Điều đáng nói, dữ liệu của VietTimes cho thấy, những thành viên của Lovico Group như Long Việt, Huy Hoàng và ĐakRông đều có quy mô và kết quả kinh doanh trên báo cáo riêng lẻ khá khiêm tốn, thậm chí thua lỗ trong năm 2019.
Trong đó, ĐakRông là doanh nghiệp có quy mô tổng tài sản riêng lẻ nổi bật nhất so với 2 thành viên còn lại của Lovico Group. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp này ở mức 1.751,5 tỉ đồng, cao gấp 3,45 lần so với vốn chủ sở hữu. Tuy nhiên, trong năm 2019, ĐakRông báo lỗ thuần 10,8 tỉ đồng dù doanh thu riêng lẻ có tăng trưởng 87% so với năm 2018, đạt 194,3 tỉ đồng.
Tương tự, Long Việt cũng báo lỗ 17,8 tỉ đồng trong năm 2019 sau 3 năm liên tiếp ghi nhận đà suy giảm về doanh thu. Tính đến ngày 31/12/2019, quy mô tổng tài sản của Long Việt ở mức 683,8 tỉ đồng, cao gấp 6,2 lần so với vốn chủ sở hữu.
Ở chiều hướng ngược lại, Huy Hoàng là doanh nghiệp có kết quả kinh doanh khởi sắc trong năm 2019 với khoản lãi thuần 21,3 tỉ đồng. Ba năm trước đó, công ty này đều báo lỗ.
“Lướt sóng” dự án điện gió
Chỉ sau vài tháng khởi công dự án điện gió, ngày 29/5/2020, ông Võ Duy Tấn bất ngờ ký quyết định giải thể công ty Mai Phong – công ty mẹ của doanh nghiệp dự án điện gió Phong Liệu. Tương tự, công ty Mai Liệu cũng được tiến hành giải thể.
Khả năng hai doanh nghiệp này đã hoàn thành sứ mệnh của mình, một trong số đó là việc các dự án điện gió đã được sang tay cho chủ mới.
Ngày 13/2/2020, Công ty Cổ phần Xây lắp Điện I (Mã CK: PC1) đã hoàn tất việc mua lại 96,65% vốn điều lệ tại bộ đôi công ty Phong Nguyên và Phong Huy với tổng giá phí tổng cộng ở mức 461,4 tỉ đồng.
Đáng chú ý, tại thời điểm được PC1 mua lại, quy mô tài sản của Phong Nguyên và Phong Huy mới chỉ nhỉnh hơn 50 tỉ đồng, trong đó chiếm phần lớn là các khoản phải thu (lần lượt ở mức 48,35 tỉ và 46,8 tỉ đồng). Thêm nữa, đến ngày 13/5/2020, PC1 còn phải góp vốn bổ sung theo tiến độ vào Phong Nguyên và Phong Huy số tiền 80,9 tỉ đồng ở mỗi công ty.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy, sau khi thâu tóm 2 dự án điện gió từ Lovico Group, PC1 đã nhượng lại 40% vốn ở Phong Nguyên và Phong Huy cho đối tác Renova – một tập đoàn hoạt động trong lĩnh vực năng lượng đến từ Nhật Bản.
Trở lại với Lovico Group, trước khi lấn sân vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, tập đoàn này là chủ đầu tư của nhiều dự án thủy điện như: Thủy điện ĐakRông 2, Thủy điện ĐakRông 5, Thủy Điện Đồng Văn, Thủy điện Bản Mới./.