Lũ cát đỏ ảnh hưởng đến môi trường và du lịch
Sau trận mưa lớn, nước lũ làm cát đỏ trên đồi tràn xuống khu dân cư và tuyến đường ĐT 719 ven biển xã Tiến Thành (tập trung ở hai thôn Tiến Hải và Tiến Phú), TP. Phan Thiết, gây hư hỏng tài sản của nhân dân và ách tắc giao thông chiều 1/10/2023.
Để làm rõ nguyên nhân về hiện tượng này, bản thân đã nghiên cứu và có một vài ý kiến sau:
- Như chúng ta được biết, tỉnh Bình Thuận với diện tích tự nhiên 7942,5 km2, trong đó địa hình đồi cát và doi cát ven biển chiếm 18,2% diện tích tự nhiên. Bình Thuận là tỉnh có diện tích đất cát và cồn cát ven biển lớn nhất nước với 125.935 ha trải dài 192 km theo đường bờ biển từ mũi Đá Chẹt giáp Cà Ná thuộc tỉnh Ninh Thuận đến bãi bồi Bình Châu thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Đất cồn cát ven biển Bình Thuận được phân bố dọc theo bờ biển ở các huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân, TP. Phan Thiết và một phần diện tích phía đông huyện Hàm Thuận Bắc. Đất có thành phần cơ giới nhẹ, tầng dày, nghèo mùn, giữ nước kém. Nhóm đất cồn cát ven biển của tỉnh Bình Thuận có 4 loại: Đất cồn cát trắng, đất cồn cát trắng vàng, đất cồn cát đỏ và đất cát biển. Trong 4 loại thì loại đất cồn cát đỏ chiếm tỷ lệ cao nhất (61,9% khoảng 77.960 ha), loại đất này được hình thành do tác động khí hậu nóng – khô hạn đặc trưng ở Bình Thuận và dòng chảy ven bờ, có lịch sử phát triển lâu đời hơn so với loại đất cồn cát trắng vàng, được phân bố nhiều trên địa hình đồi bát úp hoặc gợn sóng, có nơi cao đến 200m chủ yếu ở các huyện Bắc Bình, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phan Thiết và rải rác ở Tuy Phong. Khác với loại đất cát trắng và cát biển phân bố ở vùng ngoài gần bờ biển, loại đất này phân bố chủ yếu ở vùng giữa. Đối với loại đất cát đỏ về tính chất vật lý cũng được cải thiện hơn so với loại đất cát trắng như tỷ lệ sét vật lý cao hơn, sức giữ nước khá hơn. Cơ chế hình thành tạo đất cát đỏ ở Bình Thuận là một hiện tượng địa chất độc đáo của Việt Nam.
Phương tiện cơ giới san gạt, thu dọn bùn, cát trên mặt đường để đảm bảo giao thông.
- Khu vực dân cư xã Tiến Thành, phần lớn nằm vùng giữa những dãy đồi cát đỏ và bờ biển (dưới chân đồi cát kề đường ĐT 719 ven biển ở phía nam TP. Phan Thiết). Như vậy nguy cơ ảnh hưởng đến tình trạng lũ cát đỏ từ các khu vực đồi cát phía trên tràn xuống khi có lượng mưa lớn kéo dài. Theo như ý kiến của ông Nguyễn Ngọc Anh, Phó Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam: “Đối với vùng ven biển, đặc biệt là những vùng cát đỏ, nơi có tầng nước ngầm thấp, ít cây cối, có hiện tượng cát bay và hình thành các đụn cát mới chưa ổn định thì khi xảy ra mưa với cường độ lớn sẽ xuất hiện các trận lũ cát. Lũ cát là hiện tượng tự nhiên. Tại vùng ven biển thuộc Bình Thuận, nhất là vùng cát đỏ (khu vực Mũi Né, Hòn Rơm và xã Tiến Thành), lũ cát là hiện tượng xảy ra hàng năm. Không chỉ xuất hiện trong mùa mưa, ngay cả trong mùa nắng cũng có cát lở theo dạng hàm ếch và bay khi có gió lớn. Đặc biệt nếu xuất hiện mưa lớn kéo dài thì lũ cát càng dễ xảy ra và nguy hiểm hơn”.
- Đặc biệt là khi ngành du lịch phát triển đã khiến một số người dân chuyển ra sinh sống ở ven biển gần các đụn cát. Nhiều người còn đào, san phần đồi cát để làm nhà, do đó tác động của lũ cát càng nghiêm trọng.
- Để giảm thiểu những rủi ro cho cư dân sống ven biển ở khu vực này và không ảnh hưởng đến vấn đề ách tắc giao thông và phát triền du lịch, chúng ta cần chú ý một số biện pháp tích cực như: Nhà nước cần hạn chế cấp giấy phép xây dựng nhà ở, các dự án trên vùng đồi cát hoặc dưới chân đồi; khai thác tạo nguồn nước cấp cho sinh hoạt và tưới tiêu từ các sông; xây dựng hệ thống kênh thu nước mạch trong đồi cát và xây dựng hệ thống vách ngăn dưới chân đồi nhằm ngăn chặn tình trạng cát trôi, lũ cát ở những nơi có khu dân cư tập trung; lựa chọn cây trồng ven đồi có khả năng chịu hạn cao, tăng cường trồng rừng và phủ xanh thảm thực vật để nâng cao khả năng ngấm và trữ nước…
Bình Thuận là một tỉnh có rất nhiều thuận lợi cho việc phát triển kinh tế đặc biệt là kinh tế biển, nhưng bên cạnh đó cũng có những khó khăn về tự nhiên như nơi đây có lượng mưa thấp, khô hạn, diện tích đất cát nhiều, sông suối ngắn dốc, diễn biến sa mạc hóa, cát nhảy, cát bay, lũ cát đang là những cản trở trên bước đường phát triển của tỉnh. Vì vậy, cần tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu, tính toán đề ra những biện pháp lâu dài đặc biệt chú ý đến vùng đất cát, đồi cát ven biển, như thế sẽ mang lại màu xanh và cuộc sống ấm no cho người dân trên các vùng đất cát nóng bỏng cũng như phát triển du lịch sinh thái biển dựa vào thế mạnh của vùng duyên hải cực Nam Trung bộ.