Lũ chưa về đã phải lo hạn, mặn
Đỉnh lũ năm nay ở ĐBSCL rất thấp nên nguy cơ hạn, mặn đến sớm, nông dân được khuyến cáo xuống giống sớm để bảo đảm vụ mùa bội thu
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, lũ năm 2020 khu vực ĐBSCL đang ở mức thấp so với trung bình nhiều năm, nguy cơ tiếp tục xảy ra hạn hán, xâm nhập mặn trong mùa khô tới và ảnh hưởng nhiều đến vụ lúa đông xuân. Trước tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có nhiều chỉ đạo khẩn để bảo đảm vụ đông xuân 2020-2021 thắng lợi.
Gieo sạ sớm ở vùng nguy cơ thiếu nước
Ông Lê Đình Quyết, Phó trưởng Phòng Dự báo Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, dự báo mực nước đỉnh lũ ở đầu nguồn sông Cửu Long khả năng xuất hiện vào ngày 17 đến 18-10 ở mức 2,4-2,75 m và dưới mức báo động I (3,5 m). "Vì vậy, khả năng xâm nhập mặn ở ĐBSCL đến sớm ngay trong các tháng cuối năm 2020 và sẽ gay gắt, cao hơn so với trung bình nhiều năm. Các địa phương cần sớm có biện pháp chủ động phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn" - ông Quyết cảnh báo.
Theo ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, trong vụ đông xuân 2020-2021, ĐBSCL gieo sạ hơn 1,55 triệu ha, năng suất ước đạt hơn 7 tấn/ha, tổng sản lượng gần 11 triệu tấn lúa. Căn cứ vào thời gian cung cấp nước ngọt, lượng nước có khả năng phục vụ tưới tiêu cho sản xuất lúa, ông Tùng đề nghị chỉ bố trí sản xuất lúa đông xuân 2020-2021 ở những vùng còn đủ 3 tháng có nước ngọt.
Theo đó, những vùng có nguy cơ thiếu nước cần xuống giống sớm (từ ngày 10 đến 30-10), gồm: Long An, Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Kiên Giang với diện tích khoảng 335.000 ha. Xuống giống đợt 2 (từ ngày 1 đến 30-11) cho cả 3 vùng: vùng thượng, vùng giữa và vùng ven biển với diện tích khoảng 636.000 ha. Xuống giống đợt 3 (từ ngày 1 đến 31-12) với diện tích khoảng 550.000 ha.
Chủ động trữ nước ngọt
Ông Nguyễn Văn Mẫn, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang, cho biết tỉnh đã có văn bản gửi các địa phương tổ chức tập huấn, tuyên truyền, hướng dẫn bà con gieo sạ vụ đông xuân từ ngày 20 đến 30-10. "Bảo đảm sẽ có khoảng 24.000 ha thu hoạch trước Tết nguyên đán. Ngoài ra, địa phương cũng vận động bà con tích cực trữ nước ngay trong mùa mưa" - ông Mẫn nói.
Trong khi đó, theo ông Trần Chí Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, tỉnh này đã ban hành lịch xuống giống vụ đông xuân tới gồm 3 đợt: cuối tháng 10, cuối tháng 11 và cuối tháng 12. Hậu Giang cũng đã ban hành kế hoạch phòng chống hạn, mặn năm 2020-2021, trong đó có chỉ đạo ngăn mặn, trữ nước ngọt để bảo đảm vụ đông xuân được thắng lợi.
Tại hội nghị sơ kết sản xuất vụ thu đông, vụ mùa năm 2020, triển khai kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 vùng Nam Bộ tổ chức ngày 9-10 ở TP Cần Thơ, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: "Năm nay lũ rất thấp nên đã xuất hiện nguy cơ cho vụ đông xuân 2020-2021. Đề nghị các địa phương vận động nông dân gieo sạ sớm, đặc biệt các tỉnh ven biển. Bảo đảm khi mặn tác động mạnh nhất thì lúa đã chín và thu hoạch xong".
Bên cạnh đó, ông Doanh khuyến cáo nông dân cần tích trữ nước ngọt tại chỗ, sử dụng bộ giống lúa chất lượng nhưng ngắn ngày. "Sắp tới, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT sẽ đi từng tỉnh ven biển để nắm tình hình nhằm có lịch xuống giống cụ thể cho từng vùng" - ông Doanh thông tin.
Vận hành cống kiểm soát mặn - ngọt 360 tỉ đồng
UBND tỉnh Bạc Liêu ngày 11-10 đã phối hợp Ban Quản lý Đầu tư và Xây dựng thủy lợi 10 (Bộ NN-PTNT) gắn biển, bàn giao và chính thức vận hành cống âu thuyền Ninh Quới (thuộc xã Ninh Quới, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu) sau khoảng 1 năm vận hành tạm thời.
Công trình được khởi công từ tháng 11-2018 trên tuyến kênh Quản Lộ - Phụng Hiệp với tổng kinh phí 360 tỉ đồng. Cống này có nhiệm vụ điều tiết nước, kiểm soát mặn - ngọt phục vụ trồng lúa và nuôi trồng thủy sản của 3 tỉnh Bạc Liêu, Hậu Giang và Sóc Trăng. Kết cấu chính của công trình gồm 2 cống hở 2 đầu và buồng âu dài 150 m, đáy rộng 31,5 m; cửa van, đóng mở bằng xi-lanh thủy lực; cầu giao thông trên cống có chiều rộng phần lưu thông xe là 5,5 m.
Ông Dương Thành Trung, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, cho biết cống âu thuyền Ninh Quới đã giải quyết tình trạng mâu thuẫn giữa 2 vùng mặn - ngọt từ xưa đến nay của tỉnh và các vùng lân cận. Từ khi vận hành tạm thời đến nay, vùng sản xuất lúa - tôm của tỉnh Bạc Liêu đạt hiệu quả rất cao.
PHÚC NGUYÊN
ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lu-chua-ve-da-phai-lo-han-man-2020101121013162.htm