'Lũ cuốn hết rồi, giờ chỉ mong có tiền đưa vợ đi sinh nở'
Nhiều người dân Nghệ An bật khóc khi trở về nhà sau ba ngày sơ tán, tránh lũ. Tài sản bị cuốn trôi, họ mong có đủ cơm gạo để sống, người thì cần tiền để đưa vợ đi sinh.
Hai xóm Mỹ Hương, Mỹ Lương của xã Thanh Mỹ, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An lọt thỏm giữa bốn bề núi đồi và cạnh 2 dòng sông Giăng và sông Lam. Cuộc sống của hàng trăm hộ dân nơi đây vốn bình yên. Họ sống bằng nghề chăn nuôi gia súc, gia cầm và trồng lúa.
Thế nhưng, đợt mưa lớn sau bão số 9 vừa qua khiến lũ trên sông dâng nhanh bất ngờ. Dòng nước xiết ngập đến tận mái nhà đã cuốn phăng gần như tất cả tài sản mà họ đã đổ bao công sức gây dựng.
Trở về căn nhà của mình sau ba ngày sơ tán, nhiều người bật khóc trong vô vọng. Họ gắng gượng dọn dẹp nhà cửa và giờ chỉ mong ước được sự quan tâm, hỗ trợ để giải quyết những khó khăn trước mắt.
Cùng vợ bầu nằm cả đêm trên mái nhà
Một mình lượm lặt những gì còn sót lại trên căn nhà của mình, anh Nguyễn Hữu Hoàng (32 tuổi) hiện rõ nỗi sợ hãi và ám ảnh về trận lũ khủng khiếp vừa qua. “Mực nước dâng quá nhanh, cao hơn cả trận lũ lịch sử năm 1978”, anh Hoàng thốt lên khi có khách hỏi thăm.
Anh kể từ sáng 29/10, mưa như trút nước khiến anh và hàng xóm đứng ngồi không yên. Người dân ở đây cũng chưa bao giờ thấy trận mưa kéo dài đến thế.
Đến chiều tối, lượng mưa vẫn không giảm, mực nước sông dâng cao. Thấy tình hình bất ổn, anh Hoàng vội dùng xe máy chở 3 con nhỏ đến khu vực UBND xã Thanh Mỹ sơ tán.
Anh quay lại nhà ngay sau đó để đón vợ. Nhưng chỉ trong tích tắc, dòng lũ đã ngập ngang bụng anh. “Chúng tôi không thể chạy được nữa. Tôi nói với vợ giờ chạy đi đâu cũng chết nên cả hai cùng nằm lên tấm sập gỗ bám trụ”, anh Hoàng nhớ lại.
Tuy nhiên, mực nước vẫn tiếp tục dâng, cứ 30 phút lại thêm 20-30 cm.
Không còn cách nào khác, người chồng dáng gầy khổ vội bắc chiếc thang cho vợ đang mang bầu trèo lên mái nhà lánh nạn.
Khi lên đến nơi, anh dựng chiếc thang qua mái nhà hàng xóm cho vợ ngồi lên đó tạm. Còn anh đứng lên nóc nhà gào thét cầu cứu. Gọi khản cả giọng giữa đêm tối, anh hy vọng có ca nô hay thuyền cứu nạn nhưng không ai đáp lại.
“Giữa trời mưa, lạnh và đói, chúng tôi ôm nhau khóc. Xung quanh chỉ toàn nước. Chúng tôi đã nghĩ đến cái chết. Đến 7h hôm sau, một chiếc ca nô của lực lượng cứu hộ xuất hiện thì chúng tôi mới dám tin rằng mình sẽ sống sót”, anh Hoàng nói.
Tiền đưa vợ đi đẻ, mua con giống chăn nuôi
Nước lũ đã rút nhưng anh Hoàng chưa thể đón vợ con về nhà. Ba đứa nhỏ và vợ vẫn phải ở tạm chỗ người thân. Căn nhà của gia đình đã tan hoang sau trận lũ. Chiếc chăn, chiếc chiếu cũng không còn để nằm nghỉ.
“Lúa thóc, gạo, con vật nuôi, sách vở của con cũng đều bị nước cuốn hết. Những cái còn sót lại thì hư hỏng, ngập bùn đất. Tài sản nhà tôi gần như không còn gì nữa”, anh nói.
Về những ngày sắp tới, người cha của 3 đứa trẻ nhỏ chỉ mong có cơm cho con đủ ăn, có sách vở, quần áo cho chúng đến trường với bạn bè. Và đặc biệt, anh cần kinh phí để người vợ đang mang bầu tháng thứ 8 đến bệnh viện sinh nở.
Nằm cách nhà anh Hoàng không xa, nhà bà Nguyễn Thị Liên (58 tuổi) còn có hoàn cảnh bi đát hơn. Bà có 4 con nhưng 3 người lập gia đình, công tác ở xa. Còn chồng bà bị bệnh tâm thần gần 30 năm nay do di chứng chất độc da cam từ chiến tranh để lại. Hai ông bà sinh sống trong căn nhà cấp 4.
Căn nhà vốn đã nhỏ hẹp, xuống cấp thì nay càng không còn được vững chãi hơn. Tường nứt toác, nền xuất hiện những vết loang lổ như ổ gà. Đó là những vết tích mà dòng nước lũ gây ra.
Trở về dọn dẹp lượng lớn bùn đất bủa vây căn nhà, bà bật khóc nức nở. Càng đau xót thêm khi những con vật bà nuôi, là hy vọng mưu sinh của hai ông bà đã không còn.
“Nước ập đến quá nhanh, tôi phải bỏ lại tất cả để các anh trong xã chở đi sơ tán. Con trai tôi nhà kề bên chỉ cứu được mỗi con trâu. Còn lại 60 con gà, mấy con dê và con lợn nái bị cuốn đi hết. Lúa thóc cũng bị mất, số còn lại thì mọc mầm”, bà khóc nghẹn.
Sau một ngày dọn dẹp, bà được cơ quan huyện đoàn hỗ trợ cơm hộp ăn qua bữa. Chỉ về căn buồng, bà nói cái xô gạo cuối cùng cũng đã bị trôi, rồi xoong, nồi, mấy cái bát cũng không còn ở căn bếp nữa.
Với bà lúc này, những vật dụng đó và gạo là điều cần thiết để sống qua những ngày khó khăn sắp tới. Bà cũng mong được hỗ trợ để mua gà, vịt chăn nuôi. “Chồng tôi bệnh tật ốm yếu, hay đi viện, tôi thì già rồi chỉ biết chăn nuôi chứ làm chi khác được nữa”, bà Liên bày tỏ.
Trao đổi với Zing, ông Hoàng Tiến Thọ, Bí thư Đảng ủy xã Thanh Mỹ, cho biết đợt lũ quét, lũ ống vừa qua khiến 6 thôn với khoảng 700 hộ dân của xã bị ảnh hưởng. Trong đó, 2 thôn Mỹ Hương và Mỹ Lương bị ngập nặng nhất, nhà dân bị ngập đến 4 m.
"Về tài sản thì khá lớn, chúng tôi chưa thống kê được hết. Chính quyền đang phối hợp, hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả", ông Thọ nói.