Lũ đi qua gửi phù sa ở lại

Khi nắng hửng lên sau những trận lũ chồng lũ và dai dẳng mưa dầm, người nông dân Quảng Trị lại vác cuốc ra đồng, xới lớp bùn non lấp dày để gieo hạt cho mùa tới, với tâm thế 'còn da lông mọc, còn chồi nảy cây'. Người Quảng Trị vốn có niềm lạc quan, càng gian khó càng không chùn lòng. Bão lũ đi qua sẽ gửi phù sa ở lại để cho những mùa màng tốt tươi.

 Ra quân vệ sinh đồng ruộng, trả lại mặt bằng phục vụ sản xuất - Ảnh: T.T

Ra quân vệ sinh đồng ruộng, trả lại mặt bằng phục vụ sản xuất - Ảnh: T.T

Năm 2020, nền sản xuất nông nghiệp của tỉnh trải qua một năm đầy thử thách. Đó là diễn biến bất thường của khí hậu gây ra hạn hán nghiêm trọng, dịch bệnh tả lợn châu Phi chưa được khống chế hoàn toàn, đặc biệt liên tiếp các đợt mưa lũ trong tháng 10, 11 tàn phá nặng nề cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất. Từ trong khó khăn chồng chất đó, kết quả sản xuất nông nghiệp ghi dấu sự nỗ lực vượt bậc của ngành nông nghiệp và các địa phương, trong đó phải kể đến vai trò chủ đạo của người nông dân. Những con số tổng kết của ngành nông nghiệp khiến người nông dân có thể tự hào về thành quả của mình làm ra. Diện tích cây lương thực toàn tỉnh đạt 54.484,6 ha/53.800 ha kế hoạch, đạt 101,27% kế hoạch. Sản lượng lương thực có hạt ước đạt 289.497 tấn, tăng hơn 3000 tấn so với cùng kỳ năm trước, vượt 11,35% kế hoạch năm 2019. Năng suất lúa cả năm ước đạt 54,6 tạ/ha, cao hơn 0,4 tạ/ha so với năm 2019; sản lượng lúa đạt 276.502,6 tấn, đạt 112,9% kế hoạch, tăng 3.192,1 tấn so năm 2019.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương chia sẻ, nếu không có những trận lũ, bão liên tiếp xảy ra vào những tháng cuối năm, thì kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2020 có thể coi là một năm thắng lợi. Tuy nhiên, đây là một năm “được mùa ngoài đồng” nhưng lại “mất trắng trong nhà”, khi thống kê thiệt hại sau lũ lụt cho thấy, có đến hơn 686 tấn hạt giống lúa hư hỏng, hơn 50.720 tấn lương thực bị trôi, ẩm ướt, hư hỏng, trong đó chủ yếu là lúa. Mặc dù vậy, thử thách của thiên nhiên cũng là yếu tố đòi hỏi ngành nông nghiệp ngày càng có sự chuyển dịch để thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm nhẹ tác động tới sản xuất và hiệu quả kinh tế.

Nhờ nỗ lực tập trung chỉ đạo triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, kêu gọi các doanh nghiệp liên kết tổ chức sản xuất, tiêu thụ với hợp tác xã, tổ hợp tác theo chuỗi giá trị đã tạo ra nhiều sản phẩm nông nghiệp sạch, nông nghiệp theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhiều sản phẩm như gạo hữu cơ, gạo sạch canh tác tự nhiên, cà phê, hồ tiêu sạch, rau sạch... đã được xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, thương hiệu để từng bước tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế.

Sau thiên tai, nông nghiệp là ngành chịu ảnh hưởng và thiệt hại nặng nề. Sản xuất vụ đông năm 2020 bị bỏ lỡ, vụ đông xuân 2020 - 2021 đứng trước nhiều khó khăn thách thức bởi hơn 1.600 ha diện tích đất nông nghiệp bị đất, đá vùi lấp. Trong đó, tại huyện Đakrông, độ vùi lấp có nơi đến 8 mét so với mặt bằng cũ. Hạ tầng thủy lợi bị hư hại nghiêm trọng, nguồn lực chuẩn bị cho sản xuất vụ đông xuân 2020-2021 bị thiếu hụt, đặc biệt là giống cây trồng, con nuôi các loại. Chị Nguyễn Thị Nga, thôn Na Nẫm, xã Triệu Nguyên có 2 ha trồng sâm bố chính, chưa kịp thu hoạch thì đã bị thiệt hại hoàn toàn sau lũ. Chị cho biết: “Toàn bộ vườn sâm bố chính bị đất bồi hơn 1 m, giờ muốn làm lại thì phải thuê máy móc xúc đất đi, làm lại mặt bằng, tốn rất nhiều chi phí, chưa kể phải mua lại giống. Khó khăn về nguồn vốn để phục hồi sản xuất là tình hình chung của các hộ dân nơi đây”.

Việc phục hồi cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp giờ trở nên “quá sức” với chính quyền các địa phương và người dân, mà cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Sỹ Đồng cho biết: “Lãnh đạo tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo, ưu tiên nguồn lực tập trung khắc phục hậu quả nặng nề do bão lũ gây ra. Trước mắt, khẩn trương thực hiện 5 giải pháp gồm sửa chữa hệ thống kênh mương thủy lợi, đảm bảo nguồn giống đủ để sản xuất vụ đông xuân 2020 - 2021; cải tạo đồng ruộng, khôi phục mặt bằng sản xuất và chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất bị bồi lấp. Ngành chức năng đảm bảo cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân ở các vùng bị thiệt hại do bão lũ; sửa chữa hạ tầng nghề nuôi trồng thủy sản, tăng cường khai thác vụ cá Bắc để bù đắp sản lượng thủy sản bị thiệt hại do mưa lũ. Về lâu dài, tỉnh huy động, lồng ghép nhiều nguồn vốn để vừa khắc phục hậu quả bão lũ, vừa đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phát triển nông nghiệp bền vững”.

Để chuẩn bị cho vụ đông xuân 2020 - 2021, ngành nông nghiệp đã phát động phong trào toàn dân làm thủy lợi, vệ sinh đồng ruộng, kịp thời hàn gắn những đoạn kênh bị hư hỏng, đảm bảo kín nước. Phối hợp với các lực lượng nòng cốt tại địa phương để sửa chữa, nạo vét, hàn gắn các công trình kênh mương, trạm bơm, trục tiêu, san lấp mặt bằng, cải tạo đồng ruộng, diệt chuột, ốc bươu vàng... Chuẩn bị đầy đủ các nguồn lực (giống, vật tư...), sẵn sàng cho công tác tổ chức sản xuất 25.500 ha lúa, 4.000 ha ngô, 2.500 ha lạc, 4.000 ha rau, 10.000 ha 17 sắn. Ngoài nguồn giống do trung ương hỗ trợ khẩn cấp khôi phục sản xuất, Trung tâm Giống cây trồng - vật nuôi tỉnh tổ chức úm 220.000 con gia cầm 1 ngày tuổi do Bộ Nông nghiệp và PTNT hỗ trợ đạt 21 ngày, đảm bảo chất lượng con giống cấp cho người dân khôi phục sinh kế sau thiên tai.

Một mùa vụ mới lại bắt đầu, vụ đông - xuân 2020 - 2021 hứa hẹn sẽ là vụ mùa thành công với sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị vực dậy sản xuất nông nghiệp. Theo quy luật của tự nhiên, những trận lũ đi qua sẽ để lại phù sa màu mỡ, để rồi con người tiếp tục gieo những hạt mầm hy vọng cho tương lai.

Thanh Trúc

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154454