Lữ đoàn 167 Hải quân với nhiều đột phá trong huấn luyện
Chúng tôi có mặt tại Lữ đoàn 167, Vùng 2, Quân chủng Hải quân vào đúng những ngày các đơn vị đang sôi nổi thi đua chào mừng các ngày lễ lớn. Hòa vào không khí thi đua ấy là tiếng còi, tiếng máy nổ cùng khẩu lệnh vang lên từ trên mỗi con tàu ở cầu cảng của Lữ đoàn. Nhìn những bước chân hối hả, khẩn trương của bộ đội cơ động trên boong tàu mới cảm nhận sự quyết tâm của mỗi cán bộ, chiến sĩ tập trung cho nhiệm vụ huấn luyện ở đơn vị.
Thượng tá Lê Đức Thảnh - Phó Lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn 167, cho biết: Năm 2024, Lữ đoàn xác định tập trung huấn luyện theo phương châm “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu, lấy thực hành làm chính; kết hợp chặt chẽ giữa huấn luyện với giáo dục chính trị; giáo dục, đào tạo gắn với huấn luyện chiến đấu; huấn luyện, đào tạo gắn với xây dựng chính quy, quản lý giữ nghiêm kỷ luật; huấn luyện sát phương án, đối tượng tác chiến, chiến trường, tổ chức biên chế, trang bị kỹ thuật.
Đơn vị xác định đột phá huấn luyện “cơ bản, làm chủ, chuyên sâu trong khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật; nâng cao chất lượng huấn luyện cán bộ”; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc và xây dựng Quân chủng, Vùng, Lữ đoàn “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại” làm mục tiêu huấn luyện.
Điểm mới trong huấn luyện năm nay là Đảng ủy, Chỉ huy Lữ đoàn xác định kết quả huấn luyện là điều kiện, yếu tố cơ bản để xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Từ điểm mới này, cấp ủy Đảng, chỉ huy các cấp trong toàn Lữ đoàn căn cứ vào đặc điểm tình hình, yêu cầu nhiệm vụ của cấp trên để cụ thể hóa thành nội dung, chỉ tiêu ở đơn vị mình.
Quá trình triển khai, thực hiện chú trọng nâng cao chất lượng một số nội dung như xây dựng kế hoạch, tham gia và tổ chức tập huấn cán bộ, làm tốt công tác chuẩn bị tài liệu, giáo án, mô hình học cụ. Đặc biệt, vào thứ năm hàng tuần, Lữ đoàn tổ chức cho sĩ quan viết thu hoạch và kiểm tra việc nghiên cứu tính năng cơ bản các hệ thống của tàu. Công tác kiểm tra cán bộ tập trung vào hình thức vấn đáp để cả người học và người kiểm tra đều phải nghiên cứu. Cán bộ tham gia kiểm tra được lắng nghe và tự bổ sung kiến thức cho mình, tập trung vào những nội dung còn yếu, còn thiếu.
Đại úy Bùi Văn Khoa - Thuyền trưởng Tàu 383, chia sẻ: Để chất lượng huấn luyện của tàu được đồng đều, đơn vị tổ chức phân loại đối tượng huấn luyện. Với đối tượng quân nhân chuyên nghiệp trên 5 năm thì tổ giáo viên hướng dẫn nội dung nghiên cứu chuyên sâu, tập trung nâng cao chất lượng huấn luyện quy trình khai thác, sử dụng trang bị kỹ thuật và khả năng phát hiện hỏng hóc, cách khắc phục.
Đối tượng quân nhân chuyên nghiệp dưới 5 năm chú trọng huấn luyện thành thục chức trách trong các bảng bố trí chiến đấu; huấn luyện nắm chắc tính năng, nguyên lý cấu tạo, khai thác và sử dụng thành thạo trang bị kỹ thuật, xử lý các sự cố kỹ thuật thông thường của trang bị kỹ thuật mà mình phụ trách.
Điểm nhấn của Lữ đoàn trong mùa huấn luyện này là đã tổ chức thực hành huấn luyện đêm và huấn luyện bài tập nhóm. Đối với huấn luyện đêm, mốc thời gian được Lữ đoàn thực hiện từ 22 giờ ngày hôm trước đến 2 giờ sáng ngày hôm sau. Mục đích của huấn luyện đêm là để bộ đội được huấn luyện thời gian dài, cường độ làm việc cao trong điều kiện đêm tối, tầm nhìn hạn chế. Qua huấn luyện, cán bộ, chiến sĩ nâng cao trình độ tác chiến trong điều kiện đêm tối.
Hàng tháng, Lữ đoàn còn phối hợp Trung tâm Bảo đảm Kỹ thuật để huấn luyện cẩu nhận tên lửa vào ban đêm cho tàu trực chiến. Quá trình huấn luyện, bộ đội sử dụng các loại áo phản quang, các góc, các điểm của bệ tên lửa được dán miếng dán phản quang kết hợp với người chỉ huy huấn luyện sử dụng đèn tín hiệu khẩu lệnh để tăng sự quan sát, chỉ huy cẩu nhận ban đêm. Đối với huấn luyện bài tập nhóm, sĩ quan từ cấp Lữ đoàn đến các tàu được duy trì huấn luyện theo từng nhóm. Các bài tập nhóm giúp nâng cao trình độ chỉ huy, xử lý tình huống cho sĩ quan các cấp.
Trung úy Nguyễn Văn Hải - Trưởng ngành 2, Tàu 382, chia sẻ: “Năm nay, cùng với huấn luyện đêm, đơn vị còn thường xuyên duy trì huấn luyện tại Trung tâm mô phỏng. Huấn luyện ở trung tâm mô phỏng sẽ tạo không gian chỉ huy tập trung, kiểm soát được hành động, khẩu lệnh của từng ngành khi thực hiện bảng bố trí chiến đấu.
Sau từng nội dung, ngày, tuần, tháng huấn luyện, chúng tôi tổ chức rút kinh nghiệm và tham mưu giải pháp nâng cao chất lượng huấn luyện. Qua đó, cùng với chỉ huy các cấp kịp thời chấn chỉnh, bổ sung những hạn chế, thiếu sót và giải quyết tốt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình huấn luyện”.
Đại tá Phạm Tiến Dũng - Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 167, cho biết: "Thời gian tới, để nâng cao chất lượng huấn luyện, Lữ đoàn xác định huấn luyện phải tập trung vào những nội dung còn yếu, còn thiếu; triệt để khắc phục những tồn tại sau mỗi đợt kiểm tra đã chỉ ra; tập trung đột phá vào công tác tổ chức huấn luyện, tự học tập, nghiên cứu của cán bộ với mục tiêu cán bộ mạnh thì đơn vị mới mạnh. Công tác kiểm tra phải chặt chẽ, tỉ mỉ, kiểm tra phải thực chất, hiệu quả và phải chỉ ra điểm yếu, tồn tại để có giải pháp khắc phục"./.